Bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh rượu

Thời gian vừa qua, tình trạng ngộ độc rượu tuy đã giảm đáng kể so với những năm trước đây nhưng vẫn còn diễn ra, nhất là việc ngộ độc do sử dụng rượu nấu thủ công. Chính vì vậy, việc tăng cường quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm (ATTP) đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu là thực sự cần thiết và phải được thực hiện thường xuyên hơn.

Theo số liệu thống kê, toàn tỉnh có trên 800 cơ sở sản xuất rượu thủ công. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã thành lập được một hợp tác xã sản xuất, kinh doanh rượu, 5 doanh nghiệp được Sở Công thương cấp giấp phép bán buôn rượu; 15 cơ sở sản xuất rượu thủ công được phòng kinh tế, phòng kinh tế - hạ tầng các huyện, thành phố, thị xã cấp giấy phép hoạt động, 46 cơ sở được giấy phép bán lẻ rượu. 

Bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất kinh doanh rượu
Đóng gói sản phẩm tại cơ sở sản xuất rượu Vọc của gia đình ông Đỗ Văn Long, xã Vũ Bản (Bình Lục). Ảnh tư liệu

Để quản lý chặt chẽ các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu trên địa bàn, thời gian qua, các địa phương trong tỉnh đã tăng cường tuyên truyền, phối hợp với các ngành chức năng tổ chức tập huấn, hướng dẫn các cơ sở thực hiện đúng quy định của pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu. Đơn cử, tại xã Vũ Bản (Bình Lục) – một trong những xã có số hộ tham gia sản xuất rượu thủ công lớn nhất trên địa bàn tỉnh, công tác quản lý về ATTP và bảo vệ môi trường đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu được chính quyền địa phương quan tâm, triển khai thực hiện hiệu quả. 

Qua trao đổi với ông Nguyễn Hữu Tùng, Phó Chủ tịch UBND xã Vũ Bản được biết, toàn xã hiện có gần 90 hộ sản xuất rượu, trong đó, riêng làng Vọc (thôn 2 và 3) có 75 hộ. Mỗi tháng, làng Vọc cung cấp ra thị trường trên 70.000 lít rượu các loại. Để bảo đảm ATTP đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu, hằng năm, UBND xã đều phối hợp với Sở Công thương tổ chức các lớp tập huấn kiến thức về ATTP cho 100% hộ sản xuất, kinh doanh rượu; phối hợp với lực lượng quản lý thị trường thường xuyên kiểm tra hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu của các hộ trên địa bàn. Đồng thời, đôn đốc các hộ đăng ký kinh doanh, ký cam kết về việc chấp hành quy định về ATTP, thực hiện các thủ tục về cấp phép sản xuất, kinh doanh rượu, mạnh dạn đầu tư công nghệ mới trong sản xuất rượu… Theo đó, nhận thức của các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu đã được nâng lên rõ rệt. Thương hiệu rượu Vọc được nâng lên cả về sản lượng và chất lượng, giữ được hương vị truyền thống.

Đến nay, trên địa bàn xã Vũ Bản đã có 6 hộ được cấp giấy phép kinh doanh rượu, Hợp tác xã Rượu Vọc và 3 hộ được cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP, 2 cơ sở sản xuất và Hợp tác xã Rượu Vọc được Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện cấp phép sản xuất rượu thủ công. Hầu hết các hộ nấu rượu đã đầu tư mua mới dụng cụ, máy móc, thiết bị để thay thế những dụng cụ đã cũ nát. Các hộ sử dụng thiết bị chưng cất, chứa đựng rượu bằng chất liệu inox, gốm, sành, sứ để đạt yêu cầu về ATTP.

Ông Trần Văn Thắng, thôn 3 cho biết: Trung bình mỗi ngày, gia đình tôi sản xuất 40 lít rượu trắng để cung cấp cho các nhà hàng và người dân có nhu cầu. Được sự tuyên truyền, hướng dẫn của chính quyền địa phương, gia đình tôi luôn thực hiện đầy đủ các thủ tục về cấp phép sản xuất, kinh doanh, ký cam kết về việc chấp hành quy định về ATTP trong sản xuất, kinh doanh rượu. Điều này cũng giúp sản phẩm rượu của gia đình tôi ngày càng tạo được niềm tin đối với người tiêu dùng. 

Thị xã Duy Tiên hiện có trên 200 cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu, bên cạnh công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức về ATTP trong sản xuất, kinh doanh rượu, mỗi năm, Phòng Kinh tế thị xã còn phối hợp với lực lượng chức năng tổ chức 3-4 cuộc kiểm tra về ATTP đối với lĩnh vực sản xuất, kinh doanh rượu, tập trung vào dịp Tết Nguyên đán, Tháng vệ sinh ATTP, Tết Trung thu. Thông qua các cuộc kiểm tra, yêu cầu các chủ cơ sở chấp hành nghiêm quy định của pháp luật trong sản xuất, kinh doanh rượu; đôn đốc, nhắc nhở các hộ nấu rượu bảo đảm vệ sinh môi trường, hoàn thiện thủ tục pháp lý liên quan đến sản xuất, kinh doanh rượu. Đồng thời, tổ chức cho 100% cơ sở thực hiện kê khai, ký cam kết bảo đảm ATTP trong sản xuất rượu thủ công. 100% nguồn nguyên liệu dùng trong sản xuất rượu (gạo, men…) có nguồn gốc rõ ràng, bảo đảm vệ sinh ATTP. 

Ông Phạm Văn Thập, Trưởng phòng Kinh tế thị xã Duy Tiên khẳng định: Thời gian tới, thị xã sẽ rà soát, thống kê các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu trên địa bàn. Đồng thời, tích cực phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý nghiêm các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu không bảo đảm các quy định về ATTP, không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Từ nay đến hết năm 2021, phấn đấu xây dựng nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm rượu Bèo (xã Tiên Ngoại), bảo đảm vệ sinh ATTP và bảo vệ môi trường làng nghề.

Thực hiện Nghị định số 105/NĐ-CP ngày 14/9/2017 của Chính phủ về kinh doanh rượu, Chỉ thị số 02/CT-BCT ngày 14/3/2017 của Bộ Công thương về việc tăng cường quản lý ATTP đối với sản xuất, kinh doanh rượu và các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh, thời gian qua, Sở Công thương đã ban hành nhiều văn bản đề nghị UBND các huyện, thành phố, thị xã tăng cường thực hiện chức năng quản lý nhà nước, siết chặt quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu. Bên cạnh đó, phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát, kiểm tra, xử lý các cơ sở vi phạm về ATTP đối với sản xuất rượu thủ công. 

Theo ông Trần Văn Sơn, Phó Giám đốc Sở Công thương, mỗi năm, các đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh tiến hành kiểm tra 5-10 cơ sở sản xuất rượu trên địa bàn. Qua kiểm tra cho thấy, đa phần các hộ sản xuất chưa thực hiện thủ tục cấp giấy phép kinh doanh rượu thủ công theo quy định. Số lượng cơ sở bán lẻ rượu được cấp phép cũng còn ít do các cơ sở chủ yếu bán tại cửa hàng tạp hóa, kèm với các mặt hàng khác. Từ đó cho thấy, nguy cơ tiềm ẩn gây ra các vụ ngộ độc rượu là rất lớn. Trong khi đó, công tác quản lý nhà nước về ATTP ở các cơ sở sản xuất rượu thủ công tại một số nơi chưa chặt chẽ, thiếu cán bộ phụ trách. Phần lớn các hộ gia đình tự nấu rượu trong diện tích nhà ở của gia đình, quy mô nhỏ lẻ, nằm rải rác trong các khu dân cư, việc sản xuất của nhiều hộ không diễn ra thường xuyên nên công tác vận động, hướng dẫn, tuyên truyền, kiểm tra, giám sát của cơ quan chức năng gặp nhiều khó khăn. 

Có thể thấy, hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu đã góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho các hộ gia đình ở nông thôn. Tuy nhiên, lĩnh vực này cũng tiềm ẩn nguy cơ gây ngộ độc cao nếu các cơ sở sản xuất không chấp hành tốt các quy định về vệ sinh ATTP. Vì vậy, trong thời gian tới, Sở Công thương sẽ tích cực phối hợp với các địa phương, đơn vị liên quan tổ chức tập huấn, tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt quy định của pháp luật về phòng, chống tác hại của rượu, bia; hướng dẫn hộ gia đình, cơ sở sản xuất rượu thủ công bảo đảm các chỉ tiêu an toàn, tuân thủ quy định về sản xuất, kinh doanh rượu, hướng tới thành lập các làng nghề sản xuất, kinh doanh rượu thủ công để quản lý tập trung…

Nguyễn Oanh

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.