Thực hiện Luật Chăn nuôi: Những vấn đề đặt ra

Luật Chăn nuôi năm 2018 là hành lang pháp lý quan trọng đối với phát triển chăn nuôi theo hướng hiện đại. Luật quy định chi tiết nhiều nội dung liên quan đến nguyên tắc, chiến lược phát triển, chính sách của Nhà nước về chăn nuôi, xây dựng vùng an toàn dịch bệnh… Luật Chăn nuôi được kỳ vọng tạo cho ngành chăn nuôi phát triển bền vững. Tuy nhiên, thực tế cho thấy hiện còn nhiều khó khăn trong thực hiện một số quy định của luật.

Luật Chăn nuôi năm 2018 quy định chi tiết nhiều nội dung liên quan các công đoạn khác nhau của ngành chăn nuôi, từ sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, thiết bị chăn nuôi, giết mổ và chế biến thực phẩm, bảo tồn nguồn gen, nghiên cứu khoa học về chăn nuôi. Luật Chăn nuôi cũng quy định rõ việc chuẩn hóa về tiêu chuẩn, quy chuẩn về an toàn thực phẩm trong chăn nuôi, phúc lợi vật nuôi và bảo vệ môi trường - yếu tố mà ngành chăn nuôi vẫn đang gặp khó.

Cụ thể như: Nhà nước đầu tư và hỗ trợ các hoạt động về chăn nuôi; xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh; hợp tác, liên kết sản xuất trong chăn nuôi, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về chăn nuôi; các hành vi bị nghiêm cấm trong chăn nuôi… Như vậy có thể thấy, không thể phát triển một cách tùy tiện, chăn nuôi đã trở thành ngành sản xuất có điều kiện vì sự tương tác với các lĩnh vực khác, nhất là đối với vấn đề an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường. Chủ trương, chính sách đối với phát triển chăn nuôi sẽ có sự thay đổi nhằm đáp ứng yêu cầu trong điều kiện mới. 

Thực hiện Luật Chăn nuôi Thực hiện Luật Chăn nuôi
Chăn nuôi bò sữa trong vùng quy hoạch tại xã Trác Văn (thị xã Duy Tiên).

Trong cơ cấu ngành nông nghiệp, ngành chăn nuôi ở tỉnh ta đang chiếm ưu thế so với trồng trọt. Chăn nuôi là ngành có nhiều đóng góp đối với tăng trưởng nông nghiệp, đồng thời là chỗ dựa sinh kế cho nhiều hộ dân. Đẩy mạnh phát triển chăn nuôi được xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng, chủ yếu đối với phát triển nông nghiệp. Tuy nhiên, nếu thực hiện Luật Chăn nuôi tác động rất lớn đến định hướng phát triển ngành chăn nuôi trong những năm tới. 

Chia sẻ với chúng tôi về một số vấn đề có liên quan, ông Đỗ Mạnh Hà, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở NN&PTNT) cho biết: Khó nhất chính là thực hiện quy định về điều kiện cơ sở chăn nuôi và xử lý chất thải chăn nuôi. Theo Luật, không được chăn nuôi trong khu vực nội thành, nội thị. Như vậy, nhiều cơ sở chăn nuôi không đáp ứng được yêu cầu này. Việc di dời trang trại chăn nuôi ra khỏi khu vực nội thành, nội thị là vấn đề lớn, vì có liên quan đến rất nhiều yếu tố, như quy hoạch đất đai phục vụ chăn nuôi, sinh kế của người dân. 

Theo Luật Chăn nuôi, chăn nuôi trang trại phải đáp ứng các điều kiện về vị trí xây dựng trang trại phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, chiến lược phát triển chăn nuôi; đáp ứng yêu cầu về mật độ chăn nuôi quy định; có đủ điều kiện về nguồn nước, biện pháp bảo vệ môi trường, chuồng trại, trang thiết bị chăn nuôi phù hợp với từng loại vật nuôi; có hồ sơ ghi chép quá trình hoạt động chăn nuôi, thông tin khác để bảo đảm truy xuất nguồn gốc; lưu giữ hồ sơ trong thời gian tối thiểu là 01 năm sau khi kết thúc chu kỳ chăn nuôi; có khoảng cách an toàn từ khu vực chăn nuôi trang trại đến đối tượng chịu ảnh hưởng của hoạt động chăn nuôi và từ nguồn gây ô nhiễm đến khu vực chăn nuôi trang trại... 

Đối với chăn nuôi nông hộ, phải đáp ứng các yêu cầu chuồng nuôi tách biệt với nơi ở của người; có các biện pháp thu gom, xử lý phân, nước thải chăn nuôi, xác vật nuôi và chất thải chăn nuôi khác theo quy định của pháp luật về thú y, bảo vệ môi trường… Ông Phạm Văn Tuấn, người chăn nuôi ở phường Châu Giang, thị xã Duy Tiên chia sẻ: Với điều kiện được quy định theo Luật Chăn nuôi, chúng tôi khó có thể đáp ứng được yêu cầu. Bởi, phần lớn các gia đình chăn nuôi quy mô nông hộ đều đang tận dụng đất vườn, ao để chăn nuôi, nên chuồng trại không tách biệt nơi ở của người. Chỉ có giải pháp chăn nuôi tập trung, xa khu dân cư mới đáp ứng được yêu cầu này.  

Bà Trần Thị Yến, Trưởng phòng Kinh tế thành phố Phủ Lý cho rằng, khó thực hiện nhất hiện nay là nội dung không được phép chăn nuôi trong nội thành, nội thị và thống kê, rà soát tổng đàn. Với điều kiện thực tế hiện nay, để thực hiện đúng theo Luật Chăn nuôi cần làm từng bước. Trước hết là rà soát các cơ sở chăn nuôi, tổng đàn vật nuôi, sau đó xây dựng kế hoạch di dời các trang trại chăn nuôi ra khỏi khu vực nội thành. Đi đôi với vấn đề này là giải pháp hỗ trợ sinh kế cho các hộ chăn nuôi chuyển đổi nghề nghiệp, bởi không phải hộ nào cũng có đủ điều kiện để chăn nuôi theo quy định của luật.  

Những hạn chế trong chăn nuôi hiện nay chính là những điểm khó cho các hộ chăn nuôi thực hiện theo luật định về sử dụng thuốc kháng sinh và bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Đa số cơ sở chăn nuôi và cơ sở giết mổ động vật đang hoạt động tự phát và nhỏ lẻ. Tình trạng sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi chưa được kiểm soát chặt chẽ. Chi phí cho thú y và các hao hụt do dịch bệnh trong các cơ sở chăn nuôi chiếm tỷ lệ cao. Thực hiện những giải pháp nào để người chăn nuôi giảm chi phí đầu tư, tiến tới không sử dụng kháng sinh là thách thức không hề nhỏ. Luật Chăn nuôi năm 2018 hướng tới phát triển chăn nuôi theo chuỗi giá trị trên cơ sở kết nối, xây dựng mối liên kết hiệu quả từ chăn nuôi, giết mổ đến khâu chế biến và phân phối ra thị trường. Theo đó, các tổ chức, cá nhân tham gia hợp tác, liên kết sản xuất phải ký kết hợp đồng thì mới được hưởng các chính sách hỗ trợ. 

Để Luật Chăn nuôi năm 2018 đi vào cuộc sống, cần có lộ trình cụ thể. Ông Đỗ Mạnh Hà cho biết thêm: Tới đây, Chi cục Chăn nuôi và Thú y sẽ tham mưu với Sở NN&PTNT, trình UBND tỉnh dự thảo nghị quyết liên quan đến việc cấm chăn nuôi trong khu vực nội thành, nội thị. Trước hết, sẽ xác định rõ những khu vực nào người dân không được chăn nuôi, hoặc chỉ được nuôi con vật nào, quy mô bao nhiêu. Khó ở chỗ, quỹ đất dành cho phát triển chăn nuôi tập trung ở nhiều địa phương không còn. Không chăn nuôi trong nội thành, nội thị, các hộ sẽ phải chuyển đổi nghề như thế nào? 
Phát triển chăn nuôi theo quy định của pháp luật là đúng đắn. Tuy nhiên, với những khó khăn hiện nay, đưa Luật Chăn nuôi đi vào cuộc sống cần thêm nhiều giải pháp hỗ trợ.

Bích Huệ

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.