Thanh Liêm quan tâm phát triển các sản phẩm OCOP

Để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, ngành nghề phát triển, huyện Thanh Liêm đã coi trọng xây dựng các sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm). Mục tiêu hướng đến của huyện là các sản phẩm chủ lực, thế mạnh trên địa bàn được công nhận OCOP đạt 3 sao cấp tỉnh trở lên. Đó là trao đổi của ông Trần Quyết Thắng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thanh Liêm về thực hiện chương trình OCOP trên địa bàn.

Trong năm 2022, thực hiện chương trình OCOP, huyện Thanh Liêm đã sớm triển khai đến các địa phương; chỉ đạo cấp ủy, chính quyền cơ sở trực tiếp chỉ đạo tổ chức thực hiện trên địa bàn. Đồng thời, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn đến chủ thể là các cơ sở, doanh nghiệp trên địa bàn có sản phẩm được định hướng tham gia. Qua đó, có 12 ý tưởng sản phẩm đăng ký tham gia chương trình OCOP. Các sản phẩm được lựa chọn xây dựng ý tưởng khá đa dạng và đều có thế mạnh riêng.

Nổi bật là sản phẩm ổi lê ở xã Thanh Hương được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP. Đây là sản phẩm trong vùng sản xuất tập trung có diện tích gần 5 ha được chuyển đổi trên đất cốt cao cấy lúa kém hiệu quả. Hiện nay, sản phẩm đã được người tiêu dùng đón nhận, tiêu thụ trên thị trường cả trong và ngoài tỉnh.

Với sản phẩm mật ong rừng Thanh Nghị đang được xây dựng ý tưởng tham gia sản phẩm OCOP. Sản phẩm này được người dân địa phương nuôi ong khai thác mật hoa trong rừng, có số lượng lên đến 2.000 đàn ong. Sản phẩm mật ong rừng Thanh Nghị đang được bán chủ yếu tại thị trường tự do dẫn đến giá trị không cao. Tham gia chương trình OCOP, sản phẩm mật ong rừng Thanh Nghị kỳ vọng giúp xây dựng thương hiệu, được người tiêu dùng biết đến và đón nhận.

Đặc biệt, những năm gần đây, trên địa bàn huyện Thanh Liêm đang chuyển đổi, phát triển đa dạng các loại cây dược liệu trên cả đất lúa và đất đồi rừng, như: Mạch môn, kim ngân, bạch chỉ, cỏ ngọt, cà gai leo... Các loại cây dược liệu trồng trên địa bàn huyện được liên kết với doanh nghiệp chế biến sản phẩm đông dược, thực phẩm bảo vệ sức khỏe. Riêng Công ty cổ phần Dược Thanh Liêm Medipharma liên kết sản xuất gần 20 ha cây dược liệu kim ngân, cỏ ngọt, mạch môn. Công ty sản xuất 4 sản phẩm được lấy toàn bộ hoặc phần lớn nguồn nguyên liệu từ cây dược liệu tại địa phương, gồm: Magakid (hỗ trợ thanh nhiệt, giải độc), hẹ - húng chanh – mật ong, siro chỉ khái lộ và trà kim ngân hoa.

Thanh Liêm quan tâm phát triển các sản phẩm OCOP
Sản phẩm trứng gà thảo dược Saschi được công nhận OCOP, xếp hạng 3  sao cấp tỉnh đang phát huy tốt hiệu quả.

Ông Bùi Ngọc Hoàn, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty cổ phần Dược Thanh Liêm Medipharma cho biết: Các sản phẩm của công ty được chế biến từ cây dược liệu trồng trong huyện cho chất lượng tốt. Công ty xây dựng ý tưởng tham gia chương trình OCOP với mong muốn nâng cao được thương hiệu cho sản phẩm, cung cấp rộng hơn ra thị trường. Đây là điều kiện để đơn vị tiếp tục thúc đẩy liên kết trong sản xuất cây dược liệu với người dân trong huyện.

Những năm qua, thực hiện chương trình OCOP, trên địa bàn huyện Thanh Liêm đã có 6 sản phẩm được công nhận và đều phát huy tốt hiệu quả. Như sản phẩm rượu nếp thủ công Cường Hạnh của cơ sở sản xuất Bùi Văn Cường, xã Thanh Nguyên được công nhận OCOP, đạt xếp hạng 3 sao cấp tỉnh năm 2019. Sau khi được công nhận OCOP, sản phẩm duy trì chất lượng và nâng cao sản lượng lên 20% so với trước. Hay sản phẩm trứng gà thảo dược Saschi của Công ty cổ phần Go Fresh Việt Nam, xã Thanh Phong được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Giống gà mía đặc sản vùng Sơn Tây (Hà Nội) được lựa chọn nuôi trong trang trại bằng thức ăn được phối trộn từ ngô, cám, bột cá và các loại thảo dược theo tỷ lệ phù hợp. Chất thải chăn nuôi được xử lý bằng men vi sinh giúp bảo vệ môi trường… Trứng gà thảo dược Saschi đã được công nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh năm 2021. Hiện nay, thương hiệu sản phẩm đã được công nhận trên thị trường. Từ hơn 10 nghìn con gà đẻ, phần lớn lượng trứng gà thảo dược Saschi trong trang trại được xuất bán tại chuỗi cửa hàng nông sản sạch trên địa bàn thành phố Hà Nội, không đáp ứng đủ nhu cầu thị trường. Đa phần sản phẩm loại 1 đều được ưu tiên xuất bán cho các cửa hàng đã ký hợp đồng tiêu thụ ổn định.

Ông Trần Quyết Thắng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thanh Liêm cho biết: Cơ bản các sản phẩm OCOP trên địa bàn huyện đều phát huy tốt hiệu quả, nâng cao giá trị sản phẩm. Huyện Thanh Liêm đang tiếp tục tập trung phát triển các sản phẩm OCOP; đồng thời, định hướng nâng hạng các sản phẩm đã đạt lên 4-5 sao cấp tỉnh trong thời gian tới…

Các sản phẩm nông nghiệp, làng nghề đặc trưng trên địa bàn huyện Thanh Liêm đang được triển khai theo hướng an toàn, chất lượng. Sự định hướng, quan tâm đúng mức của cấp ủy, chính quyền các cấp huyện Thanh Liêm đã giúp nhiều sản phẩm đăng ký ý tưởng được công nhận OCOP. Qua đó, tạo được thương hiệu, uy tín, giúp sản phẩm nâng cao sức cạnh tranh, giá trị trên thị trường.

 Mạnh Hùng

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy