Xã nông thôn mới Thanh Phong thiếu nước sạch

Xã Thanh Phong (Thanh Liêm) được công nhận hoàn thành chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2015 nhưng đến thời điểm hiện tại vẫn còn 4/14 thôn chưa có nước sạch để sử dụng. Bên cạnh đó, tại một số khu vực đã được có đường ống cấp nước, người dân lại đang "loay hoay" với việc tìm nguồn nước bảo đảm chất lượng.

Khắc phục tình trạng thiếu nước sạch, bà Đinh Thị Chúc thôn Bói Hạ, đầu tư xây dựng bể lớn để chứa nước mưa, phục vụ sinh hoạt hằng ngày. Ảnh: Tân Xuân

4 thôn của xã Thanh Phong chưa có nước sạch để sử dụng bao gồm: Đinh Đồng, Tân Hương, Đống Hai, Phố Bói. Nhiều năm nay, người dân nơi đây phải dùng nước mưa, nước giếng khoan, thậm chí là mua nước sạch từ những người cung cấp nhỏ lẻ để phục vụ sinh hoạt. Chính bởi thế nên đa phần người dân ở 4 thôn trên đều mong muốn được sử dụng nước sạch. Người dân lo ngại nguồn nước họ đang sử dụng từ tự nhiên cũng không còn bảo đảm vệ sinh. Nước sông, nước mưa, hay nước giếng khoan đều tiềm ẩn nhiều nguy cơ ô nhiễm. Nguồn nước đầu vào không bảo đảm, lại qua hệ thống lọc tự chế, khiến nhiều người dân nơi đây càng mong mỏi có nước sạch để sử dụng.
Trao đổi về vấn đề này, ông Cao Viết Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Phong cho biết: Nhà máy nước Đồng Tâm (đóng trên địa bàn thôn Phúc Lai) đã tiến hành lắp đặt hệ thống cung cấp nước sạch cho nhân dân các thôn trong xã từ năm 2013. Tuy nhiên, do một số nguyên nhân (chủ yếu là thiếu vốn) nên công ty chưa hoàn thành lắp đặt đường ống để cung cấp nước sạch tới các khu vực còn lại trong xã. Về vấn đề thiếu vốn, người dân cũng đã từng nhiều lần "hiến kế" giải quyết. Tại cuộc tiếp xúc giữa đại biểu HĐND tỉnh với cử tri xã Thanh Phong trước Kỳ họp thứ tư, HĐND tỉnh khoá XVIII, ông Nguyễn Văn Toán, Bí thư Chi bộ thôn Đinh Đồng nêu ý kiến: Người dân sẵn sàng "góp vốn" với công ty dưới hình thức cho vay (1-2 triệu đồng mỗi hộ). Sau khi công ty hoàn thành lắp đặt hệ thống đường ống và cung cấp nước sạch, có thể trừ dần vào chi phí sử dụng nước hằng tháng. Tuy nhiên, ý kiến này đến nay vẫn chưa được xem xét, giải quyết.

Không chỉ ở 4 thôn trên, ngay cả một số khu vực đã được lắp đặt hệ thống nước sạch, chất lượng nguồn nước cũng không bảo đảm. Thôn Bói Hạ hiện có 152 hộ dân, trong đó gần 60 hộ dân đang sử dụng nước sạch do Công ty Cổ phần xây dựng thuỷ lợi Hà Nam cung cấp, số còn lại đã ngừng sử dụng nước từ đơn vị này cung cấp. Nguyên nhân, một phần do đường ống cung cấp nước bị hỏng, một phần do chất lượng nước không bảo đảm.
 Gia đình ông Định Văn Sỹ (người dân thôn Bói Hạ) 3 năm trở lại đây đã ngừng sử dụng nước do công ty cung cấp đường ống nước chính bị hư hỏng. Hiện tại gia đình đang dùng nước mưa để nấu ăn và nước sông để sinh hoạt. Hệ thống lọc nước của nhà ông Sỹ cũng rất cầu kỳ. Nước sông được dẫn lên bể lọc nước (1m3) trên cao, qua 2 lớp sỏi, 2 lớp cát, 1 lớp than đá rồi xuống bể chứa (3m3) để lắng và sử dụng. Còn nước mưa sau khi chứa trong bể (12m3), mỗi khi đun nấu, gia đình ông Sỹ phải lọc qua bình lọc nước chuyên dụng. Cầu kỳ là thế nhưng ông vẫn chưa yên tâm về chất lượng nước. Còn gia đình bà Quách Thị Xuyến, Trưởng thôn Bói Hạ, tuy không nằm trong khu vực đường ống bị hư hỏng nhưng cũng đã ngừng sử dụng nước sạch của Công ty cổ phần Xây dựng thuỷ lợi Hà Nam cung cấp. Vì nước máy xả ra vẫn có màu ngà vàng, mùi hôi tanh, chứa nhiều cặn bẩn, thỉnh thoảng còn xuất hiện những con loăng quăng. Hiện tại, ngoài sử dụng nước mưa, bà Xuyến phải mua nước sạch sinh hoạt từ những người bán lẻ nước. Bà Xuyến cho biết, thường xuyên nhận được phản ánh của người dân trong thôn về việc xuất hiện bệnh ngoài da, nghi do sử dụng nước sạch nhưng kém chất lượng.

 Nhiều hộ dân ở thôn Bói, xã Thanh Phong (Thanh Liêm) phải đào giếng để lấy nguồn nước mạch trong để lọc rồi dùng trong sinh hoạt hằng ngày. Ảnh: T.T

Trước tình hình "khan hiếm" nước sạch, ông Nguyễn Đình Tường ở thôn Bói Thượng đã nảy ra ý tưởng làm dịch vụ trung chuyển nước sạch về bán lại cho một số nhà hàng, hộ dân trong khu vực. Mỗi khi có yêu cầu, ông lái xe lên vùng đồi núi thôn Đồi Ngang, xã Thanh Lưu chở nước về bán lẻ với giá 40 nghìn đồng/m3. Theo ông Tường, nhu cầu nước sạch của các nhà hàng, hộ dân trên địa bàn khá lớn, trong khi nguồn nước sạch tập trung, chất lượng bảo đảm cung cấp đến từng hộ dân thì chưa biết đến khi nào mới có.

Trên thực tế, nhu cầu sử dụng nước sạch của người dân 4 thôn nói riêng và người dân toàn xã Thanh Phong nói chung là rất lớn. Bên cạnh việc sớm hoàn thiện hệ thống nước sạch, cung cấp kịp thời cho những thôn Đinh Đồng, Tân Hương, Đống Hai, Phố Bói, việc bảo đảm chất lượng nước sinh hoạt nhằm bảo vệ sức khỏe của người dân cũng cần được xã quan tâm hơn nữa.

Nguyễn Khánh

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy