Trồng hoa cải tạo cảnh quan môi trường nông thôn: Không quyết liệt, khó đạt mục tiêu

Cải tạo cảnh quan môi trường nông thôn là nhiệm vụ quan trọng, nhằm góp phần đưa chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) sát gần với mục tiêu. Hiện các địa phương trong tỉnh đang tích cực trồng hoa để cải tạo cảnh quan môi trường.

Làng quê bây giờ thay đổi nhiều so với vài năm trước. Đường làng bê tông sạch sẽ, nhiều tuyến được trồng hoa ven đường. Hoa mười giờ vào mùa nở rộ đẹp quá! Chỉ tiếc là, những đường hoa ấy không phải lúc nào cũng đẹp. Hoa lụi dần, cây còn, cây chết. Con đường hoa đã từng đẹp như tranh, giờ  thì… Bỏ lửng câu nói, bà Lê Thị Hà, ở xã Châu Sơn (Duy Tiên) không giấu được sự tiếc nuối khi thấy đường hoa mười giờ đã tàn lụi.

Cây hoa mười giờ không xanh tốt quanh năm, nhưng lại là cây dễ trồng và dễ chăm sóc. Vì vậy, khi mới bắt đầu thực hiện phong trào trồng hoa, nhiều địa phương trong tỉnh phát động nhân dân trồng hoa mười giờ để tạo sức lan tỏa cho phong trào. Đến nay, ngoài hoa mười giờ, đã có thêm nhiều loại hoa khác.

Các loại hoa được trồng trang trí hai bên đường Trần Hưng Đạo, thị trấn Quế (Kim Bảng). Ảnh: Thế Tân

Huyện Lý Nhân phát động các tổ chức hội, đoàn thể (đoàn thanh niên, hội phụ nữ, hội nông dân, hội cựu chiến binh) trên địa bàn tham gia trồng hoa trên các tuyến đường nông thôn. Đến 20/11/2018, tổng diện tích hoa ở các xã trong huyện đạt khoảng 42.522m2. Các loại hoa được đưa vào trồng chủ yếu là: mười giờ, sam, chiều tím, chuỗi ngọc, cẩm tú mai, cỏ lạc, hoa giấy, đơn, dâm bụt, lá màu, vạn phúc. Ngoài triển khai trồng hoa trên các tuyến đường, các xã còn phát động trồng hoa trong khuôn viên các cơ quan, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa thôn xóm, khu dân cư, với tổng diện tích đạt khoảng 15.760m2.

Huyện Thanh Liêm cũng chỉ đạo 100% xã, thị trấn trong huyện trồng hoa hai bên đường liên xã, liên thôn. Đến nay, toàn huyện trồng được hơn  46.000m2 hoa các loại và 1.003 cây (hoa giấy, ngũ sắc, dâm bụt…) tạo điểm nhấn. UBND huyện chỉ đạo UBND các xã, thị trấn phối hợp với các phòng chuyên môn của huyện tổ chức nghiệm thu cấp cơ sở kết quả trồng hoa hai bên đường liên xã, liên thôn làm căn cứ để đánh giá, tổ chức rút kinh nghiệm…

Con đường chạy dài từ xã Thanh Phong đến thị tứ Non (xã Thanh Lưu, Thanh Liêm) đang được đầu tư trồng một số giống hoa giấy. Ban Chỉ huy Quân sự huyện Thanh Liêm là đơn vị được giao nhiệm vụ trồng, chăm sóc và bảo vệ tuyến đường hoa này. Kể từ khi hoa giấy được trồng ven đường, người dân quanh khu vực cảm thấy thích thú vì màu hoa đã tô điểm cho con đường thêm đẹp.

Tuy vậy, theo đánh giá của cơ quan chuyên môn huyện Thanh Liêm, khác với hoa giấy, các tuyến đường trồng hoa mười giờ, hoa sam Nhật bắt đầu bước vào thời tiết mùa đông, trời rét nên cây trồng sinh trưởng phát triển kém và lụi dần. Nhiều tuyến, hoa trồng không được chăm sóc kịp thời nên bị chết, phải trồng, dặm tỉa lại. Chi phí để trồng, chăm sóc, bảo vệ  hoa rất tốn kém, trong khi, nguồn kinh phí phục vụ trồng và chăm sóc hoa của các xã hạn hẹp. Một số địa phương chỉ đạo chưa quyết liệt, chưa có sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị và người dân. Ý thức, trách nhiệm của người dân ở một số địa phương còn hạn chế, xảy ra hiện tượng hoa bị mất, bị phá hại… sau khi trồng.

Thực tế, không chỉ ở huyện Thanh Liêm, các địa phương trong tỉnh cũng nhận thấy rõ những tồn tại, hạn chế đối với công tác trồng hoa cải tạo cảnh quan môi trường.

Bà Trần Thị Nga, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở NN&PTNT) cho rằng: Hạn chế lớn nhất chính là tư tưởng làm theo phong trào. Đây là căn nguyên của vấn đề. Chừng nào, các địa phương, người dân coi việc trồng, chăm sóc, bảo vệ hoa, cây cảnh, giữ vệ sinh môi trường là nhiệm vụ, giải pháp quan trọng, cần phải thực hiện thường xuyên, liên tục thì mới tạo được những chuyển biến rõ nét về cải tạo cảnh quan môi trường nông thôn. Nếu không, những tuyến đường hoa, thảm hoa sau khi trồng sẽ nhanh chóng bị lãng quên…

Tuyến đường hoa vào thôn Bùi, xã Yên Bắc (Duy Tiên) được chăm sóc và bảo vệ tạo cảnh quan đẹp. Ảnh: T.L

Theo đánh giá của Sở NN&PTNT, toàn tỉnh có 86/98 xã đạt chuẩn tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm. Tiêu chí này được đánh giá dựa trên nhiều chỉ tiêu nhỏ. Có điều, trồng hoa cải tạo cảnh quan môi trường chưa phải là tiêu chí cứng, để đánh giá chất lượng tiêu chí về môi trường. Thế nên, nhiều ý kiến bày tỏ sự lo ngại về tính bền vững của những con đường hoa nông thôn. Khi không còn ngân sách nhà nước hỗ trợ, các địa phương có huy động được các nguồn lực để cải tạo và giữ gìn đường hoa? 

Mới đây, Sở NN&PTNT đã tham mưu với UBND tỉnh dự thảo về xây dựng xã NTM kiểu mẫu giai đoạn 2018-2020. Một trong những mục tiêu quan trọng là hướng tới phát triển bền vững, môi trường sinh thái trong lành, được nhân dân hài lòng và đồng tình ủng hộ. Bảo vệ cảnh quan môi trường sáng-xanh-sạch-đẹp là một trong năm giải pháp chủ yếu để đạt được những mục tiêu đề ra. Tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân trong công tác bảo vệ môi trường để người dân thấy được tầm quan trọng cũng như vai trò, trách nhiệm trong công tác bảo vệ môi trường là yêu cầu không thể thiếu, nhằm xây dựng được các mô hình bảo vệ môi trường, có từ 60% trở lên số tuyến đường thôn, xã có rãnh thoát nước, đường sạch, được trồng cây bóng mát hoặc trồng hoa.

Vì vậy, rất cần định hướng sớm và những giải pháp cụ thể về trồng hoa cải tạo cảnh quan môi trường nông thôn. Mục đích không chỉ nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế hiện nay, mà còn giúp các địa phương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đầu tư cải tạo cảnh quan môi trường nông thôn một cách bài bản.                                 

Bích Huệ

Bích Huệ, Thế Trang

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy