Thúc đẩy sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực

Mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, song chỉ số sản xuất công nghiệp toàn tỉnh 8 tháng đầu năm 2020 vẫn tăng 5,8% so với cùng kỳ 2019. 4 tháng cuối năm, ngành công nghiệp Hà Nam phấn đấu tiếp tục duy trì mức tăng trưởng, ước cả năm 2020 giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh đạt khoảng 120.500 tỷ đồng, bằng 98,3% kế hoạch, tăng 12,4% so với thực hiện năm 2019. 

Thúc đẩy sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực
Hệ thống xuất clinker tự động xuống tàu tại cảng của Công ty cổ phần Vicem Bút Sơn. 

Theo tổng hợp của Sở Kế hoạch và Đầu tư, đến thời điểm này toàn tỉnh có hơn 6.566 doanh nghiệp đang hoạt động, thu hút 145.945 lao động vào làm việc. Trong tổng số doanh nghiệp trên, tại các khu công nghiệp (KCN) có hơn 440 dự án đầu tư còn hiệu lực và giá trị sản xuất công nghiệp chiếm khoảng 70% giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh. Các sản phẩm CNCL trong các KCN: linh kiện điện tử, xe máy, thức ăn chăn nuôi, dệt may, hàng mỹ ký. Trong 3 năm trở lại đây, trung bình mỗi năm giá trị sản xuất của xe máy chiếm khoảng 20-25% giá trị sản xuất trong các KCN; giá trị sản xuất thức ăn chăn nuôi chiếm hơn 10%; giá trị sản xuất linh kiện điện tử chiếm hơn 16%; còn lại là các sản phẩm hàng dệt may, phụ tùng ô tô, sản phẩm từ nhựa.

Ông Trần Văn Kiên, Trưởng Ban Quản lý các KCN tỉnh cho biết: 6 tháng đầu năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid – 19, tại các KCN có 7/14 chỉ tiêu sản phẩm giảm so với cùng kỳ năm trước, trong đó sản phẩm dệt may giảm mạnh. Tuy nhiên, một số ngành nghề trong 6 tháng đầu năm sản lượng cao hơn so với cùng kỳ năm trước, như: linh kiện, phụ tùng ô tô tăng 39,9% so với cùng kỳ năm 2029, đạt 51,4% kế hoạch năm; sản phẩm nhựa tăng 74% so với cùng kỳ năm 2019, đạt 58,5% so với kế hoạch năm. Quý III và quý IV, các doanh nghiệp dệt may vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc xuất nhập khẩu hàng hóa do dịch bệnh bùng phát, một số nước hạn chế thông quan hàng hóa. Đối với các sản phẩm CNCL như điện, điện tử khả năng vẫn duy trì và đạt kết quả khá. 

Cùng với doanh nghiệp trong KCN, sản phẩm CNCL ngoài KCN như đá xây dựng các loại, xi măng, gạch nung, các loại vật liệu chế biến từ đá trong 8 tháng qua cũng bị ảnh hưởng do dịch Covid - 19. Theo ước tính, khu vực tây Đáy thuộc huyện Thanh Liêm và Kim Bảng có hơn 70 doanh nghiệp, đơn vị được cấp phép khai thác đá với khoảng gần 80 mỏ đá vôi chuyên khai thác, chế biến vật liệu xây dựng thông thường. 8 tháng đầu năm, phần lớn sản lượng khai thác khoáng sản của các doanh nghiệp đều giảm so với cùng kỳ năm trước.

Ông Trần Văn Sơn, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết: Nhiều năm qua, các doanh nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng ở khu vực tây Đáy đã đóng góp tích cực cho ngành vật liệu xây dựng của quốc gia, thúc đẩy kinh tế của tỉnh tăng trưởng. Đặc biệt, sau khi Nhà nước cấp quyền khai thác khoáng sản với thời gian dài, các ngành đã tăng cường công tác quản lý tài nguyên khoáng sản, nhiều doanh nghiệp đã mạnh dạn đầu tư dây chuyền máy móc hiện đại, sản xuất với công suất lớn, một năm cung cấp cho thị trường hơn chục triệu m3 đá các loại. Nhiều sản phẩm từ đá ở Hà Nam sau khi chế biến thành bột đá, đá xây dựng các loại, đá hộc xuất khẩu đã được nhiều bạn hàng trong và ngoài nước đánh giá cao. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid – 19, kinh tế gặp nhiều khó khăn, các công trình xây dựng cũng giảm đã ảnh hưởng đến ngành công nghiệp khai thác chế biến khoáng sản. 

Ngoài đá xây dựng, tỉnh ta còn có thế mạnh sản xuất xi măng. Đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh đã có 6 nhà máy sản xuất xi măng, bao gồm: Bút Sơn, Hoàng Long, Vissai Hà Nam, Thành Thắng, Xuân Thành và Nhà máy xi măng Long Thành có tổng công suất hơn 15 triệu tấn/năm. Sản phẩm xi măng, clinker ở Hà Nam không chỉ tiêu thụ thị trường trong nước mà còn xuất khẩu sang một số nước trong khu vực. Trong 8 tháng đầu năm, mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid – 19, các doanh nghiệp sản xuất xi măng vẫn duy trì sản xuất tương đối ổn định và đạt kế hoạch sản xuất đề ra. 

Trong 4 tháng cuối năm, toàn tỉnh phấn đấu tiếp tục duy trì mức tăng trưởng sản xuất công nghiệp và ước cả năm 2020 giá trị sản xuất công nghiệp đạt khoảng 120.500 tỷ đồng, bằng 98,3% kế hoạch năm, tăng 12,4% so với thực hiện năm 2019. Ngành công thương cũng phấn đấu duy trì sản xuất các mặt hàng CNCL trong tỉnh để góp phần nâng cao giá trị sản xuất công nghiệp. Để đạt được kết quả này, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Sở Công thương phối hợp với Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) và các cơ quan quản lý các cửa khẩu nắm bắt thông tin, thông báo kịp thời tới các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh về tình hình xuất nhập khẩu qua biên giới để doanh nghiệp chủ động trong công tác xuất nhập khẩu hàng hóa.

Chi cục Hải quan Hà Nam phối hợp với các sở, ngành có liên quan hỗ trợ doanh nghiệp trong việc nhập khẩu hàng hóa nguyên liệu đầu vào, máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất và xuất khẩu hàng hóa đi các nước. Các cấp, ngành chức năng chủ động, thường xuyên đánh giá, xét chọn, công nhận và tôn vinh những doanh nghiệp có sản phẩm CNCL. Quá trình bình xét cần dựa trên các tiêu chí quan trọng, như khả năng cạnh tranh trên thị trường, tạo ra mức tăng trưởng cao, sử dụng dây chuyền sản xuất công nghệ cao, hạn chế gây ô nhiễm môi trường và đóng góp tích cực cho sự phát triển chung của tỉnh. Đồng thời, các ngành cũng cần quan tâm hỗ trợ quảng bá, tìm đầu ra và hỗ trợ kịp thời các doanh nghiệp sản xuất các mặt hàng CNCL.

Trần Hữu

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.