Tăng cường quản lý, xử lý vi phạm hành lang bảo vệ đê điều và công trình thủy lợi

Đoạn đê sông Hồng chạy qua địa bàn tỉnh Hà Nam có chiều dài 38,9 km, đê sông Đáy dài 49,5 km. Với chiều dài các tuyến đê và hệ thống thủy lợi khá dầy, việc quản lý vi phạm về bảo vệ các công trình cần có sự quan tâm và chỉ đạo tích cực của chính quyền địa phương.

Theo đánh giá của cơ quan quản lý, việc cấp phép đối với hoạt động liên quan đến đê điều được bảo đảm đúng quy định của pháp luật. Năm 2020, Sở NN&PTNT đã phối hợp với Phòng An ninh Kinh tế (Công an tỉnh) và chính quyền các địa phương có tuyến sông Đáy đi qua, tổ chức rà soát, kiểm tra đối với doanh nghiệp, cá nhân hoạt động, kinh doanh liên quan đến cầu cảng, máng rót. UBND các huyện, thị xã, thành phố, lực lượng chức năng đã tổ chức thanh tra, kiểm tra định kỳ về công tác xử lý, giải tỏa vi phạm, gắn với nhiệm vụ phòng chống thiên tai. Qua kiểm tra đã phát hiện 218 vụ vi phạm, trong đó có 15 vụ vi phạm quy định về bảo vệ đê điều và 203 vụ vi phạm liên quan đến các công trình thủy lợi; đã xử lý dứt điểm 208 vụ, còn tồn đọng 10 vụ chưa xử lý.

Tăng cường quản lý xử lý vi phạm hành lang bảo vệ đê điều và công trình thủy lợi
Kênh TK đoạn qua địa bàn xã Đồng Hóa (Kim Bảng) được kiên cố hóa  tạo thuận lợi cho việc cung cấp nước phục vụ sản xuất.

Thời gian qua, thị xã Duy Tiên luôn quan tâm đến công tác quản lý, chỉ đạo xử lý vi phạm về hành lang bảo vệ đê điều và công trình thủy lợi. Theo đánh giá của UBND thị xã Duy Tiên, năm 2020, tình trạng vi phạm đã có chiều hướng giảm về số vụ và quy mô vi phạm. Lực lượng chức năng đã kiểm tra và lập biên bản xử lý 25 vụ vi phạm, trong đó 5 vụ vi phạm quy định của Luật Đê điều (đào đất, làm giếng, để téc dầu, để vật liệu trong phạm vi bảo vệ đê), 20 vụ vi phạm bảo vệ công trình thủy lợi (xây tường rào, lán tạm, làm quây nuôi vịt, đăng đó, đặt tấm đan qua kênh, đổ đất đá, rác thải xuống lòng kênh; đã xử lý dứt điểm 20 vụ, còn một số vụ chưa thể xử lý dứt điểm. Xí nghiệp Thủy nông thị xã Duy Tiên đã giải tỏa rau, bèo, cây cỏ trên diện tích hơn 389.500m2 trên kênh tưới, tiêu. Ngoài ra, giải tỏa 17 vó bè và nhiều mét khối đất, đá.

Lực lượng chức năng của huyện Lý Nhân đã phát hiện, ngăn chặn 28 vụ vi phạm phát sinh, trong đó có 14 vụ vi phạm do xây dựng công trình phụ, tạm, 10 vụ đổ vật liệu trên đê và hành lang bảo vệ đê, 4 vụ đào đất ở bãi sông. Cơ quan chức năng đã ghi nhận nhiều trường hợp vi phạm trên các công trình thủy lợi, phổ biến là trồng cây trên bờ kênh, xây dựng hạng mục công trình phụ trợ vi phạm hành lang bảo vệ công trình thủy lợi, xả rác xuống lòng kênh. Mặc dù số vụ vi phạm trên địa bàn huyện Lý Nhân đã giảm, nhưng số vụ vi phạm trong lĩnh vực này chưa thể xử lý triệt để vẫn còn. 

Vấn đề đặt ra là, công tác kiểm tra, xử lý vẫn được thực hiện; quy định, chế tài xử phạt vi phạm đê điều và công trình thủy lợi cụ thể, rõ ràng, nhưng vì sao chưa thể xử lý dứt điểm tình trạng vi phạm về bảo vệ đê điều và thủy lợi? Nghị định số 104/2017/NĐ-CP của Chính phủ Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi, đê điều và Nghị định số 65/2019/NĐ-CP của Chính phủ về sửa đổi bổ sung một số điều của NĐ104 quy định tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm bị phạt tiền và có thể bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung như  tước quyền sử dụng giấy phép có thời hạn; tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính. Cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính còn có thể bị áp dụng một hoặc các biện pháp khắc phục hậu quả... Mức phạt tại nghị định này cũng quy định rõ đối với các hành vi vi phạm làm cản trở sự vận hành và làm hư hại công trình phòng, chống thiên tai, trừ công trình khí tượng, thủy văn; vi phạm gây cản trở dòng chảy của công trình thủy lợi; vi phạm quy định về đổ rác thải, chất thải; xả nước thải vào công trình thủy lợi...

Thực tiễn cho thấy, một số vi phạm tồn tại nhiều năm nay chưa xử lý dứt điểm là do còn vướng mắc. UBND thị xã Duy Tiên chỉ rõ, nguyên nhân của tình trạng này là do mặt đê, cơ đê được mở rộng lấn vào diện tích đất của các hộ, các hộ dân xây lại tường rào, cải tạo, nâng cấp các công trình đã có. Công tác kiểm tra, phát hiện vi phạm của các cấp, ngành có lúc còn chậm, chưa kịp thời. Trách nhiệm của lực lượng quản lý đê nhân dân trong việc phát hiện và ngăn chặn các hành vi vi phạm đê điều còn hạn chế; chính quyền địa phương xử lý vi phạm chưa quyết liệt. Một số vụ xử lý chỉ dừng ở mức độ xử phạt, đình chỉ thi công mà chưa chỉ đạo tháo dỡ triệt để trả lại mặt bằng. Trên địa bàn huyện Lý Nhân cũng có một số trường hợp vi phạm hành lang bảo vệ đê điều nhưng khó xử lý. Lý do là vì các khu dân cư đã hình thành trong phạm vi hành lang bảo vệ đê từ trước khi Luật Đê điều có hiệu lực. 

Do những tồn tại, vướng mắc kể trên làm cho tình trạng vi phạm về bảo vệ đê điều và công trình thủy lợi khó xử lý. Trong khi, việc chuẩn bị quỹ đất tái định cư cho các trường hợp xây nhà ở nằm trong hành lang bảo vệ đê điều, công trình thủy lợi chưa được quan tâm. Cũng phải nói thêm rằng, nhận thức pháp luật về bảo vệ đê điều và công trình thủy lợi của một bộ phận người dân chưa tốt. Việc kiểm tra, thống kê, phân loại vi phạm trên mặt đê, mái đê, trong phạm vi quy định về bảo vệ đê, bảo vệ kênh hay trong hành lang thoát lũ chưa đáp ứng yêu cầu, dẫn đến khó khăn khi thực hiện xử lý, giải tỏa vi phạm. Thực tiễn cho thấy, cần tăng cường công tác quản lý, xử lý vi phạm về đê điều và công trình thủy lợi để hệ thống này được vận hành an toàn, hiệu quả.

Bích Huệ

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy