Sẽ có nhiều đổi mới trong công tác dự báo, cảnh báo và truyền tin thiên tai

Ngày 22/4/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 18/2021/QĐ-TTg  “Quy định về dự báo, cảnh báo, truyền tin thiên tai và cấp độ rủi ro thiên tai”. Mục tiêu của quyết định này là nhằm nâng cao hiệu quả của công tác dự báo, cảnh báo, phục vụ tốt hơn cho các hoạt động phòng ngừa, ứng phó, giảm thiểu thiệt hại và khắc phục hậu quả thiên tai. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, phóng viên (P.V) Báo Hà Nam  đã có cuộc trao đổi với ông Hoàng Đức Hùng, Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn Hà Nam.

Sẽ có nhiều đổi mới trong công tác dự báo cảnh báo và truyền tin thiên tai
Ông Hoàng Đức Hùng, Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn Hà Nam.

P.V: Dự báo, cảnh báo và truyền tin thiên tai là một hoạt động quan trọng trong phòng, chống thiên tai. Việc dự báo chính xác, truyền tin kịp thời sẽ góp phần giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra. Trong thời gian qua, Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Hà Nam đã thực hiện việc này như thế nào, thưa ông?

Ông Hoàng Đức Hùng: Việc dự báo, cảnh báo, truyền tin thiên tai và cấp độ rủi ro thiên tai đã được Đài Khí tượng thủy văn Hà Nam thực hiện thường xuyên liên tục, nhất là khi có hiện tượng thời tiết đặc biệt xuất hiện. Trong tất cả các bản tin cảnh báo, dự báo được truyền đi đều có áp cấp độ rủi ro thiên tai đối với mỗi hiện tượng. Đài Khí tượng thủy văn Hà Nam đã ra cảnh báo cho khoảng hơn 10 loại hình thiên tai, khí tượng, như: bão, áp thấp nhiệt đới, nắng nóng, rét đậm, rét hại, mưa lớn, lũ, ngập lụt, dông, lốc, sét. Các bản tin dự báo, cảnh báo đều có tác dụng, ý nghĩa lớn trong việc phục vụ cho các cấp, ngành, địa phương thực hiện công tác ứng phó và phòng, chống thiên tai.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện cho thấy còn những mặt hạn chế trong cảnh báo, dự báo và truyền tin thiên tai. Các văn bản truyền tin thiên tai trước đây về cơ bản mới đáp ứng được yêu cầu cho hoạt động chuyên môn, chứ chưa đi sâu vào việc dự báo, cảnh báo xu hướng tác động của các yếu tố dự báo đến đời sống xã hội, chưa hướng nhiều đến cộng đồng. 

P.V: Nói như vậy nghĩa là trong công tác dự báo, cảnh báo, truyền tin thiên tai trong thời gian qua vẫn còn những hạn chế và cần phải có giải pháp khắc phục. Quyết định số 18/QĐ-TTg có ý nghĩa như thế nào trong việc khắc phục hạn chế này?

Ông Hoàng Đức Hùng: Quyết định số 18/QĐ-TTg hoàn chỉnh hơn rất nhiều so với các văn bản đã ban hành trước đây, có hiệu lực từ ngày 01/7/2021. Quyết định số 18 có hiệu lực thay thế cho ba quyết định riêng lẻ (có liên quan về cấp độ rủi ro thiên tai, dự báo, cảnh báo, truyền tin thiên tai) đã ban hành trước đó, đồng thời cũng bổ sung những điểm còn thiếu và chưa phù hợp trong ba văn bản này.  

Quyết định số 18 nêu rõ về thời gian ban hành các bản tin, so với yêu cầu thực tiễn, việc phân bổ thời gian theo Quyết định số 18 hợp lý hơn, tránh áp lực cho dự báo viên ra bản tin và cơ quan thu thập, xử lý thông tin để triển khai công tác phòng, chống thiên tai. Việc quy định thời gian chuyển tin đã bao phủ đủ các cung giờ nhằm cung cấp và truyền tải một cách đầy đủ thông tin về thiên tai đến đại chúng. Nhờ tính bao phủ đó, người dân có được thông tin gần nhất với thời gian diễn ra hiện tượng để chủ động hơn trong công tác phòng tránh. Ví dụ như tin lũ khẩn cấp trên sông Hồng và sông Thái Bình và các sông khác, Quyết định số 18 quy định rõ mỗi ngày ban hành 04 bản tin chính, vào lúc 3 giờ 30, 9 giờ 00, 15 giờ 30 và 21 giờ 00 (tăng 1 bản tin so với quy định trước). Điều kiện để ban hành bản tin áp thấp nhiệt đới/bão trên Biển Đông được xác định khi bão/áp thấp nhiệt đới hoạt động trên Biển Đông và chưa có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền Việt Nam trong 24 giờ tới đối với áp thấp nhiệt đới và 48 giờ đối với bão. 

Trong Quyết định 18, các cấp độ rủi ro thiên tai thấp đã được xác định lại, việc phân chia cấp độ rủi ro cũng sát thực tế hơn, gắn liền với cảnh báo tác động của hiện tượng được cảnh báo dự báo. Ví dụ như bão, áp thấp nhiệt đới sẽ gây ra mưa lớn, nước dâng trên sông; nắng nóng tác động đến sức khỏe người dân, gây sốc nhiệt, tia UV hại da và mắt, rét đậm, rét hại sẽ ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp... Thông qua việc cảnh báo những tác động, người dân có biện pháp  phòng ngừa kịp thời.

Quyết định 18 cũng quy định rõ ràng hơn các loại hình thiên tai khác nhau, do các cơ quan khác nhau phải chịu trách nhiệm dự báo, cảnh báo chuyên sâu. Cụ thể như: Cơ quan khí tượng cảnh báo, dự báo về các hiện tượng thiên tai có nguồn gốc khí tượng. Cơ quan kiểm lâm thực hiện việc cảnh báo, truyền tin cháy rừng. Viện Vật lý Địa cầu thực hiện cảnh báo, truyền tin về động đất, sóng thần. Ngoài việc quy định rõ điều kiện ban hành tin cảnh báo ngập, lụt, Quyết định số 18 bổ sung điều kiện khi phát hiện các hiện tượng bất thường khác như nguy cơ vỡ đập, hồ chứa xả nước, tràn đê, có khả năng gây ngập lụt cho khu vực bị ảnh hưởng. 

Quyết định số 18 ban hành phù hợp và đáp ứng được với nội dung đã sửa đổi, bổ sung trong luật về lĩnh vực phòng, chống thiên tai, đê điều. Phòng, chống thiên tai đã bao phủ rộng hơn đến các cấp, ngành và quy định rõ trách nhiệm của từng cấp, ngành. 

P.V: Như vậy có thể thấy, Quyết định số 18 của Thủ tướng Chính phủ được ban hành có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả của việc dự báo, cảnh báo, truyền tin thiên tai và cấp độ rủi ro thiên tai. Để thực hiện tốt Quyết định số18 trong thời gian tới, Đài Khí tượng thủy văn Hà Nam sẽ thực hiện những giải pháp nào, thưa ông?

Ông Hoàng Đức Hùng: Hà Nam là một tỉnh chịu ảnh hưởng của hầu hết các hiện tượng thiên tai có nguồn gốc khí tượng, thủy văn. Trừ một số hiện tượng như lũ quét, sạt lở đất và sương mù trên biển, xâm nhập mặn, nước biển dâng. Tuy nhiên, Đài Khí tượng thủy văn Hà Nam vẫn luôn chú trọng đến thực hiện đồng bộ các giải pháp để nâng cao hiệu quả hoạt động dự báo, cảnh báo, truyền tin thiên tai. Chúng tôi xác định đây là nhiệm vụ cũng là yêu cầu, góp phần nâng cao hiệu quả của công tác phòng, chống thiên tai tại phương. 

Đài Khí tượng thủy văn Hà Nam sẽ tăng cường bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho dự báo viên, trang bị và áp dụng công nghệ dự báo hỗ trợ con người trong hoạt động này. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị, địa phương nhằm truyền tin cảnh báo, dự báo thiên tai nhanh chóng, chính xác và kịp thời nhất, góp phần đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ chung về phòng, chống thiên tai của tỉnh. 

P.V: Xin cảm ơn ông

Bích Huệ

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy