Quyết liệt xử lý vi phạm lòng sông Châu

Những năm qua, tình hình vi phạm lòng sông Châu, đoạn từ thành phố Phủ Lý đến Tắc Giang (Duy Tiên) diễn ra phổ biến. Đáng chú ý có cả những công trình bao lấn ra ngoài bờ sông, thậm chí được quây tường gạch, đăng nuôi cá lấn ra quá nửa lòng sông.

Lưới quây nuôi cá lấn ra giữa sông Châu đoạn cầu Câu Tử (Duy Tiên).

Theo tổng hợp sơ bộ của Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi (KTCTTL) Hà Nam, chỉ tính riêng trên địa bàn huyện Duy Tiên và một phần thành phố Phủ Lý đã có gần 80 hộ vi phạm, vi phạm chủ yếu là cắm đăng, vây và nuôi cá lồng.

Trên địa bàn xã Chính Lý (Lý Nhân), trong 7 trường hợp vi phạm thì có đến 4 trường hợp đổ đất, đá và 2 trường hợp xây kè đá lấn chiếm lòng sông ở các mức độ khác nhau.

Ông Lê Văn Hòa, Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Hà Nam, đơn vị đang vận hành hệ thống thủy lợi trên sông Châu đánh giá: Vi phạm trên sông Châu nghiêm trọng và có hệ thống. Tuy nhiên, hầu như các vi phạm không bị xử lý, ảnh hưởng nhiều đến năng lực tiêu thoát nước của lòng sông. Công ty có nhiệm vụ vận hành, khai thác hệ thống thủy lợi Tắc Giang - Phủ Lý, nhưng lại rất khó xử lý các vi phạm.

Qua tìm hiểu được biết, những năm trước nghề nuôi cá quây, cá lồng trên sông Châu phát triển khá mạnh. Xuất phát từ lợi ích trước mắt, nhiều hộ ven sông đầu tư lưới quây và mở rộng phạm vi nuôi cá, khai thác tối đa lòng sông thuộc địa bàn nhiều xã. Những năm gần đây, do nguồn nước trên sông Châu hay bị ô nhiễm nặng, cá nuôi bị chết nhiều, một số hộ đã bỏ nuôi cá.

Tuy nhiên, các khu lưới quây không được giải tỏa vẫn tồn tại trên lòng sông. Chính quyền các địa phương đã tuyên truyền để người dân không vi phạm lòng sông, tuy nhiên chưa có biện pháp xử lý triệt để và hiệu quả, dẫn đến các vi phạm trên lòng sông tồn tại kéo dài.

Thực tế, sông Châu từ Phủ Lý đến Tắc Giang có nhiệm vụ quan trọng. Sông Châu có lấy nước ngọt mùa kiệt từ sông Hồng vào tưới cho gần 19.000 ha đất canh tác của các huyện: Duy Tiên, Lý Nhân, Bình Lục, Thanh Liêm và thành phố Phủ Lý. Đồng thời lấy nước ngọt trước và sau lũ để tưới tự chảy cho trên 5.600 ha đất thuộc lưu vực sông Nhuệ, tạo nguồn cải thiện chất lượng nước phục vụ dân sinh.

Quan trọng hơn, sông Châu đảm nhiệm tiêu úng nội đồng trong mùa mưa, bão, lũ. Ngoài ra, sông Châu còn có chức năng giao thông đường thủy cho tàu từ 200 tấn trở xuống lưu thông qua lại giữa sông Hồng và sông Đáy, thúc đẩy du lịch, dịch vụ phát triển. Những năm gần đây, do biến đổi khí hậu, mưa, lũ gia tăng, lũ trên sông Châu cũng có biến động bất thường.

Cụ thể trong 2 năm liên tiếp vừa qua, lũ sông Châu đều vượt báo động 3, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống và sản xuất của người dân. Đặc biệt, bối Đinh Xá gặp nhiều sự cố tràn, sạt trượt và vỡ đoạn thân bối gây ngập lụt cho hàng trăm hộ dân sống trong bối. Do vậy, yêu cầu bảo đảm sự thông thoáng cho lòng sông càng được đặt ra, giúp nâng cao năng lực tiêu thoát lũ.

Hiện nay, các cơ quan chức năng đang tập trung rà soát, đánh giá lại toàn bộ hiện trạng, tình hình vi phạm trên tuyến sông này. Từ đó, có sự phối hợp với chính quyền các địa phương triển khai việc xử lý, giải tỏa thông thoáng lòng sông.

Ông Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc phụ trách Sở NN & PTNT cho biết: Ngành nông nghiệp đặt ra nhiệm vụ trong thời gian còn lại của năm 2019 và năm 2020 là trọng tâm xử lý các vi phạm trên hệ thống đê điều, thủy lợi. Trong đó, thực hiện quyết liệt trên tuyến sông Châu từ Phủ Lý đến Tắc Giang bảo đảm nâng cao năng lực phục vụ của cả hệ thống thủy lợi Tắc Giang – Phủ Lý, nhất là trong phòng, chống thiên tai.

Mạnh Hùng

Mạnh Hùng

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy