Quá tải các bể trung chuyển rác thải khu vực nông thôn

Từ tháng 6/2016, khi Nhà máy xử lý rác thải của Công ty cổ phần Ba An gặp sự cố và ngừng thu gom rác thải sinh hoạt, các địa phương đã chủ động xử lý bằng hình thức chôn lấp. Tuy nhiên, do lượng rác thải lớn, số lượng chôn lấp hạn chế đã dẫn đến tình trạng các bể trung chuyển rác đang quá tải, gây ô nhiễm môi trường cục bộ tại khu vực nông thôn.

Xã Vũ Bản (Bình Lục) xây dựng 2 bể trung chuyển tập kết rác thải sinh hoạt của 20 thôn. Từ khi Công ty cổ phần Ba An ngừng vận chuyển rác thải về xử lý, xã đã triển khai các biện pháp để hạn chế lượng rác tập kết về các bể trung chuyển. Theo đó, người dân được tuyên truyền, hướng dẫn phân loại, xử lý rác hữu cơ ngay tại hộ. Các thôn chủ động tìm nơi xa khu dân cư để đổ rác, tránh dồn nhiều về bãi trung chuyển của xã. UBND xã trích kinh phí xử lý rác thải còn tồn đọng và lượng rác mới bỏ ra trong bãi trung chuyển.

Tuy nhiên, các biện pháp trên đều mang tính tình thế. Do khó tìm bãi tạm để chôn lấp, cả xã mới chỉ có 5/20 thôn thực hiện được việc chôn lấp, số còn lại vẫn vận chuyển ra bể trung chuyển tập trung. Việc phân loại rác tại hộ cũng chỉ được thời gian đầu, sau đó người dân lại đưa toàn bộ rác thải sinh hoạt ra điểm thu gom. Vì vậy, cả 2 bể trung chuyển rác thải của Vũ Bản đều đang trong tình trạng quá tải nghiêm trọng.

Rác thải quá tải tại bể trung chuyển ở thôn Đông Tự, xã Vũ Bản (Bình Lục).

Bể đặt tại thôn Đông Tự rác không chỉ đầy trong bể mà tràn cả ra lòng đường. Ước tổng lượng rác tại đây lên đến hàng chục m3, trở thành điểm gây ô nhiễm môi trường cục bộ nghiêm trọng. Điều đáng nói, ngay sát bể trung chuyển rác tại thôn Đông Tự là trang trại chăn nuôi bò thịt quy mô 200 con. Nếu không sớm xử lý triệt để, ô nhiễm môi trường chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến đàn bò.

Ông Trần Văn Thanh, Phó Chủ tịch UBND xã Vũ Bản cho biết: Từ khi Công ty cổ phần Ba An ngừng vận chuyển rác thải sinh hoạt, xã đã 2 lần tổ chức chôn lấp nhưng đây chỉ là giải pháp trước mắt. Đến thời điểm, việc xử lý rác thải đã nằm ngoài khả năng của chính quyền xã. Xã đề nghị các cấp, ngành chức năng sớm có giải pháp xử lý triệt để.

Không chỉ ở Vũ Bản, bể trung chuyển rác thải sinh hoạt nông thôn của nhiều xã trong tỉnh cũng đang quá tải trở lại. Khu tập kết rác thải của xã Phú Phúc (Lý Nhân) đặt tại miền Nhân Phúc đầy rác từ nhiều tháng nay. Xã đã xử lý bằng biện pháp đốt tại chỗ nhưng chỉ giải quyết được một phần, trong thời gian ngắn rác đầy trở lại, tràn ra xung quanh, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Xã Thanh Hương (Thanh Liêm) bố trí 3 địa điểm tập kết rác thải tại các thôn, xóm. Thời gian đầu, UBND xã trích kinh phí để xử lý đốt và chôn lấp, nhưng do thời gian Công ty cổ phần Ba An ngừng thu gom kéo dài nên lượng rác ngày càng nhiều lên. Ông Phạm Văn Nam, Chủ tịch UBND xã Thanh Hương cho biết: Việc xử lý tại chỗ của xã gặp khó khăn do kinh phí hạn chế và thiếu chỗ chôn lấp. Xã yêu cầu tổ thu gom rác đốt một phần, đồng thời phun thuốc khử trùng tiêu độc thường xuyên để tránh ô nhiễm môi trường, chờ Công ty cổ phần Ba An vận chuyển trở lại.

Thời gian qua, Công ty cổ phần Ba An đã xây dựng xong Nhà máy xử lý rác thải mới có công suất 100 m3/ngày đêm. Theo tiến độ, đến hết quý I/2017, doanh nghiệp sẽ quay lại thu gom, vận chuyển rác ở các địa phương về xử lý. Tuy nhiên, do nhà máy vận hành chưa ổn định, mới đạt chưa đến 50% công suất thiết kế, vì thế, hiện công ty mới chỉ nhận xử lý rác cho thành phố Phủ Lý, chưa thu gom được ở các huyện Bình Lục, Lý Nhân và Thanh Liêm. Các địa phương này vẫn phải tự xử lý toàn bộ lượng rác thu gom về các bể trung chuyển.

Hai huyện Duy Tiên và Kim Bảng xử lý rác tại nhà máy của Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Tâm Sinh Nghĩa, xã Duy Minh (Duy Tiên) cũng chỉ xử lý được một phần rác thải tại bể trung chuyển. Nguyên nhân do lượng rác còn tồn lại trước đây của nhà máy quá lớn, nên mỗi ngày tại đây chỉ tiếp nhận được khoảng 30 tấn.

Các địa phương trên địa bàn tỉnh đang gặp khó khăn trong xử lý rác thải sinh hoạt nông thôn tại các bể trung chuyển. Cụ thể, việc xử lý chôn lấp rác khá tốn kém (mỗi lần hết khoảng 15 - 20 triệu đồng, tùy theo lượng rác) trong khi nguồn kinh phí của xã có hạn. Thêm nữa, việc tìm điểm chôn lấp rác đủ diện tích, xa khu dân cư, thuận tiện cho việc chuyên chở rác rất khó khăn, nhiều xã không tìm được vị trí, dẫn đến rác tại các bể trung chuyển lâu ngày không được xử lý bị dồn ứ gây ô nhiễm môi trường cục bộ.

Về vấn đề xử lý rác thải, ông Trần Đăng Trình, Chi cục trưởng Chi cục Môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường) cho biết: Trước mắt, khi Công ty cổ phần Ba An chưa vận chuyển rác về nhà máy để xử lý, lượng rác chuyển về nhà máy của Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Tâm Sinh Nghĩa còn hạn chế, các địa phương vẫn phải chủ động xử lý tại chỗ. Chi cục Môi trường đã và đang tham mưu với Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND tỉnh đôn đốc để Công ty cổ phần Ba An sớm đưa nhà máy xử lý rác vào hoạt động. Ngoài ra, tỉnh đang xây dựng tiếp một nhà máy xử lý rác thải tại thung Cô Chày, xã Thanh Thủy (Thanh Liêm). Khi các nhà máy này đi vào hoạt động, chắc chắn lượng rác thải sinh hoạt khu vực nông thôn sẽ được xử lý triệt để.

Mạnh Hùng

Mạnh Hùng

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy