Nước sông Châu ô nhiễm, Nhà máy nước ở Hưng Công ngừng cấp nước kéo dài

Nhiều tháng qua, khu vực sông Châu thuộc địa bàn huyện Lý Nhân và Bình Lục thường xuyên bị ô nhiễm nặng đã làm cho Nhà máy nước ở xã Hưng Công (Bình Lục) phải tạm ngừng cấp nước sạch.

Trong tháng 11/2016, Nhà máy nước ở xã Hưng Công ngừng cấp nước tới 15 ngày. Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường Hà Nam đã có văn bản thông báo tới các xã: Hưng Công, Ngọc Lũ, Bối Cầu, An Nội (Bình Lục) có kế hoạch tuyên truyền để bà con chuẩn bị nước dự trữ. Trong thời gian cắt nước cuộc sống của nhiều hộ dân trong vùng gặp rất nhiều khó khăn do thiếu nước sinh hoạt.


Ông Bùi Văn Huy, xã Ngọc Lũ bức xúc: Trước đây chưa có nước máy bà con còn xây bể to để chứa nước mưa phục vụ sinh hoạt hằng ngày. Từ khi có nước máy, bà con chỉ mua téc dự trữ nước sinh hoạt trong vòng từ 3-5 ngày. Giờ mất nước 15 - 16 ngày cuộc sống bị đảo lộn. Gia đình tôi vừa chăn nuôi, vừa sinh hoạt một tháng phải dùng từ 50 - 60 m3 nước, mất nước dài ngày không có bể nào chứa đủ nước dự trữ, mọi sinh hoạt gặp rất nhiều khó khăn.
Cũng như gia đình ông Huy, hàng nghìn hộ dân ở 4 xã trên bị đảo lộn cuộc sống khi mất nước kéo dài.

Nhà máy nước Hưng Công (Bình Lục) đang gặp nhiều khó khăn do nước sông Châu ô nhiễm. Ảnh: Văn Điền

Ông Trịnh Sơn Hà, Phó Giám đốc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn Hà Nam cho biết: Khoảng 2 tháng qua, nước sông Châu bị ô nhiễm trầm trọng, màu nước sông đen ngòm, bốc mùi hôi thối như nước cống, tập trung ở khu vực các xã Hưng Công, Ngọc Lũ, An Ninh (Bình Lục); Nhân Bình, Xuân Khê, Hòa Hậu (Lý Nhân).

Nước sông Châu được khai thác để làm đầu vào cho Nhà máy nước sạch Hưng Công và nhiều nhà máy nước khác phục vụ người dân hàng chục xã trong khu vực. Trong thời gian ô nhiễm cao điểm, nếu lấy nước sông để xử lý đạt chất lượng phục vụ nhân dân thì đơn giá nước sẽ lên 15 - 16 nghìn/m3 nên nhà máy đành phải tạm ngừng hoạt động. Khi cấp nước trở lại, lượng hóa chất cũng phải dùng nhiều gấp 1,5 lần so với khi nước sông không bị ô nhiễm.

Được biết, nhà máy nước ở xã Hưng Công thuộc Công ty cổ phần Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn Hà Nam quản lý đang cấp nước sinh hoạt cho hơn 3.000 hộ dân.
Nhà máy nước được xây dựng từ năm 2008, đến năm 2010 đưa vào khai thác, có công suất thiết kế 3.500 m3/ngày đêm. Công suất thiết kế trên đã được tính mỗi nhân khẩu dùng 60 lít nước/ngày, bảo đảm cho các hộ sử dụng sinh hoạt, không phải khoan nước giếng hay dùng nước mưa.

Tuy nhiên, thực tế một số hộ dân trong khu vực lại không có ý thức bảo vệ môi trường, chăn nuôi tự phát để chất thải tràn ra sông gây ô nhiễm nguồn nước mặt của sông Châu.
Theo ước tính, tại các xã Hưng Công, Đồng Du, Bồ Đề, Ngọc Lũ, An Ninh (Bình Lục); Nhân Chính, Nhân Bình (Lý Nhân) xuất hiện hàng trăm khu chuồng, trại chăn nuôi tự phát ven sông. Nước thải, chất thải ở các trang trại không được xử lý triệt để đã ngấm xuống lòng đất, chảy ra mương máng, rồi xuống lòng sông gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Cụ thể, tại xã Hưng Công ở thôn Hàn và thôn Thượng từ năm 2011 đến nay có 21 hộ xây dựng chuồng trại chăn nuôi, người xây to hàng trăm m2, người xây bé cũng vài chục m2. Quy mô chăn nuôi, gia đình nuôi ít cũng hàng chục con lợn/lứa, gia đình nuôi nhiều hàng trăm con/lứa.

Để xử lý môi trường từ chất thải chăn nuôi, các hộ cũng đã xây dựng hầm biogas, song do lượng chất thải quá lớn không xử lý kịp đã chảy ra môi trường, phát tán mùi hôi thối.Tại xã Ngọc Lũ có hàng chục trang trại tự phát ven sông Châu, trong đó hộ nuôi nhiều hàng trăm con lợn/lứa.

Đồng chí Bùi Xuân Hùng, Bí thư Đảng ủy xã Ngọc Lũ cho biết: Cả xã Ngọc Lũ hiện nay có khoảng 1.600 hộ nuôi lợn, với quy mô tổng đàn thường xuyên duy trì từ 75 - 76 nghìn con/lứa. Một ngày thức ăn phục vụ đàn lợn khoảng 200 tấn, như vậy lượng chất thải, nước thải sẽ phải lớn hơn rất nhiều. Nước thải, chất thải không xử lý hết, ngấm vào lòng đất, tràn ra mương máng, xuống sông Châu gây ô nhiễm môi trường nguồn nước mặt. Nếu như Ngọc Lũ không được các cấp, ngành chức năng hỗ trợ trong công tác xử lý môi trường từ chăn nuôi thì sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân.
Hãy cứu lấy dòng sông Châu, bảo vệ nguồn nước sinh hoạt, sức khỏe cho người dân. Phát triển chăn nuôi phải gắn với công tác bảo vệ môi trường bền vững - đây là mong muốn của nhiều hộ dân trong khu vực đang chịu cảnh ô nhiễm và thiếu nước sạch phục vụ sinh hoạt hằng ngày ở hai huyện Bình Lục và Lý Nhân.

Trần Hữu

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy