Nhiều lợi ích thiết thực từ phân loại rác thải tại nguồn

Phân loại rác tại nguồn là hoạt động phân chia rác thải ra các loại riêng biệt như rác vô cơ, hữu cơ, rác tái chế… Đây là việc làm thiết thực vừa bảo vệ môi trường, vừa tiết kiệm được nguồn tài nguyên thiên nhiên, hơn hết chính là giảm được nguồn rác thải ra môi trường, tiết kiệm chi phí thu gom, vận chuyển, xử lý.

Lãnh đạo HPN xã Thụy Lôi (Kim Bảng) tuyên truyền, hướng dẫn hội viên cách thức phân loại rác thải tại hộ gia đình.

Là người rất tâm huyết với công tác bảo vệ môi trường, ông Lại Đức Thành, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh (CCB) huyện Thanh Liêm được sự hỗ trợ của Dự án phát triển bền vững dựa vào cộng đồng khu vực ven đô đã áp dụng thành công và duy trì mô hình ủ phân hữu cơ vi sinh và nuôi giun quế từ rác thải trong khoanh cống từ năm 2008 đến nay. 

Với những kiến thức tích lũy được trong các lớp tập huấn, hội thảo do dự án tổ chức, ông có rất nhiều kinh nghiệm trong thực hiện phân loại rác thải tại nguồn, tận dụng nguồn rác hữu cơ để nuôi giun quế và ủ phân vi sinh. Ngoài tăng cường các hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn cán bộ, hội viên các cơ sở hội trong huyện về tầm quan trọng của phân loại rác tại nguồn, ông còn được mời đi giảng về vấn đề này tại rất nhiều các hội nghị do các địa phương, các đoàn thể trong và ngoài tỉnh tổ chức.

Từ đầu năm 2019, Hội CCB huyện Thanh Liêm đã ra mắt 2 câu lạc bộ CCB phân loại rác tại nguồn ở thôn Đức Hòa, xã Thanh Tân và CCB thu gom rác thải đồng ruộng tại xã Thanh Hương. Huyện hội cũng làm tốt công tác xã hội hóa, phối hợp với Công ty TNHH Kim Trường Phúc, ở tỉnh Đồng Nai hỗ trợ hội viên thực hiện mô hình nuôi giun quế từ rác thải. Từ tháng 8 đến tháng 11, Hội CCB huyện đã triển khai 72 mô hình nuôi giun quế bằng rác thải hữu cơ sau sinh hoạt nhà bếp trong khoanh cống tại 3 xã Thanh Phong, Thanh Tân và Liêm Phong với tổng kinh phí trên 90 triệu đồng. 

Tới đây, qua sự hỗ trợ của công ty, Hội CCB huyện tiếp tục triển khai 4 mô hình tháp rau hữu cơ có lõi giữa để nuôi giun quế nhằm tận dụng rác thải hữu cơ trong sinh hoạt hằng ngày cũng như phân giun quế để trồng rau sạch.

Ông Lại Đức Thành chia sẻ: Ô nhiễm môi trường do rác thải là điều ai cũng nhìn thấy được. Vì vậy, Huyện hội cũng thường xuyên chú trọng công tác tuyên truyền, vận động hội viên thực hiện phân loại rác thải tại hộ gia đình để giảm thiểu lượng rác phải thu gom, xử lý. Trong đó nhấn mạnh việc tận dụng nguồn rác hữu cơ để làm phân bón cho cây trồng, làm thức ăn cho giun quế. Giun quế có thể xử lý hữu hiệu hầu hết các loại rác hữu cơ như phụ phẩm rau củ quả, cơm, thức ăn thừa, phân gia súc…, trừ các loại cứng như xương, vỏ trứng, rác sau khi được giun tiêu hóa sẽ trở thành phân giun. Như vậy, nuôi giun quế có thể nói mang lại “siêu” lợi ích khi giun quế là nguồn thức ăn vô cùng bổ dưỡng cho các loại gia súc, gia cầm còn phân giun quế cũng là nguồn phân bón hữu cơ giàu dinh dưỡng cho cây trồng. Việc xử lý rác hữu cơ bằng giun quế thuận tiện và sạch sẽ hơn nhiều so với kiểu xử lý truyền thống là cho vào túi nilon cùng với các loại rác khác, giảm thiểu đáng kể tình trạng ô nhiễm môi trường khu dân cư. Đồng thời, nâng cao ý thức người dân trong bảo vệ môi trường sống, chăn nuôi khoa học.

Tại Thụy Lôi (Kim Bảng) - một xã có phong trào trồng cây vụ đông khá phát triển, việc phân loại rác tại nguồn để tận dụng nguồn rác hữu cơ, cùng với các nguyên liệu khác, ủ phân hữu cơ cũng được Hội Phụ nữ (HPN) xã đẩy mạnh thực hiện. 

Chủ tịch HPN xã Nguyễn Thị Dung cho biết: Hằng ngày, mỗi gia đình sẽ có một số lượng rau củ dư thừa từ việc chế biến bữa ăn. Thay vì họ bỏ vào túi rác đưa đến bãi tập kết, chúng tôi hướng dẫn người dân cách phân loại, ủ phân vi sinh từ những rác thải hữu cơ. Để bảo đảm đủ số lượng nguyên liệu cần thiết cho một lần ủ, ngoài rác thải hữu cơ trong sinh hoạt, chúng tôi hướng dẫn các chi hội, hội viên tận dụng những nguyên liệu khác như vỏ trấu, chất thải chăn nuôi, bèo… 

Với phương châm “sạch làng, tốt ruộng”, từ tháng 4-10/2019, HPN xã đã thực hiện được 27 mô hình ủ phân hữu cơ vi sinh, trong đó HPN huyện hỗ trợ men vi sinh, HPN xã hỗ trợ bạt che phủ, đường, cám gạo. Nhờ hội viên phụ nữ hưởng ứng việc phân loại rác tại hộ, xã Thụy Lôi đã giảm được rất nhiều lượng rác thải ra môi trường, từ nhà ra ngõ chỗ nào cũng sạch đẹp, thoáng đãng, đồng thời người dân lại tự tạo được loại phân bón thực sự an toàn và rất tốt cho quá trình phát triển của cây trồng. 

Riêng với rác có thể tái chế như vỏ lon, giấy báo, bao bì, chai nhựa… được triển khai rộng rãi không chỉ tại HPN xã Thụy Lôi mà trong toàn huyện Kim Bảng thông qua mô hình “Tổ phụ nữ thu gom phế thải tiết kiệm giúp phụ nữ, trẻ em nghèo”. Qua 5 năm triển khai, mô hình đã cho thấy hiệu quả rõ nét khi phụ nữ, trẻ em nghèo được trợ giúp bằng những hoạt động thiết thực như tặng đồ dùng sinh hoạt, đồ dùng học tập, hỗ trợ vốn phát triển kinh tế…

Lượng rác thải phát sinh hằng ngày trong toàn tỉnh là rất lớn, do đó, nếu phân loại được rác thực phẩm gồm các loại phế phẩm rau, vỏ trái cây… để làm phân bón hữu cơ hay nuôi giun quế, thu gom được thức ăn thừa để chăn nuôi; phân loại rác thải nhựa, nilon, giấy để tái chế thì tỷ lệ rác còn lại phải xử lý là rất nhỏ. 

Như vậy, có thể giảm tác động tiêu cực đến môi trường như: hạn chế mùi hôi, nước rỉ rác, giảm ô nhiễm nguồn đất, nguồn nước ngầm, nước mặt. Do đó, để nâng cao hiệu quả công tác thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt, các địa phương, đoàn thể cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn phân loại rác tại nguồn cho người dân, nhất là khu vực nông thôn và ngoại thành. Từ đó nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong việc thu gom, phân loại rác để chung tay bảo vệ môi trường vì sức khỏe của mỗi người và cả cộng đồng.

Hoàng Hải

Hải Yến

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.