Nâng công suất, xây dựng thêm nhà máy giải quyết triệt để vấn đề rác thải sinh hoạt nông thôn

Từ đầu tháng 1/2019, Công ty CP môi trường Thanh Thủy đã đưa lò đốt thứ 2 có công suất xử lý 100 tấn rác thải/ngày đêm vào hoạt động. Hiện tổng công suất 2 lò đốt của doanh nghiệp lên đến hơn 200 tấn/ngày đêm. Từ đầu năm 2019, công ty tiếp nhận và vận chuyển rác thải sinh hoạt của thành phố Phủ Lý, huyện Thanh Liêm và Lý Nhân.

Được biết, trước đây Công ty CP môi trường Thanh Thủy (tiền thân Công ty CP môi trường Ba An) có 1 lò đốt rác có công suất đốt 120 tấn/ngày đêm. Với công suất này, doanh nghiệp đảm nhận xử lý lượng rác thải sinh hoạt cho toàn bộ thành phố Phủ Lý, thị trấn Bình Mỹ (Bình Lục) và 1 phần xã Thanh Thủy.

Để nâng cao năng lực xử lý, doanh nghiệp đã đầu tư xây dựng lò đốt rác số 2 có công suất 100 tấn/ngày đêm áp dụng công nghệ mới, tiên tiến có tỷ lệ tro xỉ sau khi đốt còn dưới 10%. Đồng thời, đơn vị đầu tư hệ thống xử lý khí, nước rỉ rác bảo đảm môi trường.

Hiện nay, cùng với vận chuyển và xử lý rác sinh hoạt của các địa phương theo phân vùng, công ty đang tiến hành xử lý rác tồn đọng từ năm 2017 đến cuối năm 2018. Ông Nguyễn Duy Thiêm, Giám đốc Công ty cho biết: Việc đầu tư xây dựng thêm lò đốt rác số 2 giúp doanh nghiệp đảm nhiệm tốt việc xử lý toàn bộ nguồn rác thải sinh hoạt trong vùng được phân xử lý.

Lãnh đạo UBND tỉnh kiểm tra vận hành xử lý rác thải sinh hoạt tại Công ty cổ phần môi trường Thanh Thủy.

Công ty CP môi trường Hà Nam, thung Cổ Chày, xã Thanh Thủy (Thanh Liêm) mới được đầu tư xây dựng lò đốt số 1 có công suất 50 tấn rác thải sinh hoạt/ngày đêm, bắt đầu vận hành từ ngày 17/1/2019. Doanh nghiệp chịu trách nhiệm xử lý rác thải sinh hoạt cho toàn bộ huyện Kim Bảng và Bình Lục.

Công ty đi vào hoạt động giúp nâng cao quy mô và năng lực xử lý rác thải trên địa bàn tỉnh (trước đây chỉ có 2 công ty là: Công ty CP môi trường Thanh Thủy và Công ty CP đầu tư phát triển Tâm Sinh Nghĩa, xã Duy Minh, Duy Tiên). Như vậy, tính đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh có 3 doanh nghiệp xử lý rác thải sinh hoạt với tổng công suất 300 tấn rác thải/ngày đêm.

Ông Lê Văn Hưng, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường) cho biết: Theo tính toán, lượng phát thải rác sinh hoạt trên địa bàn tỉnh mỗi ngày hơn 250 tấn. Năng lực của các nhà máy bảo đảm lượng rác sinh hoạt không bị tồn đọng gây ô nhiễm môi trường nông thôn.

Thực tế, việc các doanh nghiệp vận chuyển và xử lý rác thải nông thôn hoạt động trở lại giúp rác thải nông thôn được xử lý triệt để. Được biết, trong khoảng 2,5 năm (từ giữa năm 2016 đến hết năm 2018) các nhà máy chỉ vận chuyển và xử lý rác thải sinh hoạt của thành phố Phủ Lý, thị trấn Bình Mỹ (Bình Lục) và một số địa phương của huyện Duy Tiên. Toàn bộ lượng rác thải còn lại khi thu gom ra bãi tập trung đều được giao cho các địa phương xử lý bằng hình thức đốt một phần và chôn lấp.

Tuy nhiên, tại không ít địa phương vẫn hình thành các bãi rác thải tự phát. Ngay các bãi tập trung của xã, nhiều nơi không xử lý triệt để, rác thải quá tải dồn ứ gây ô nhiễm môi trường. Khi rác thải sinh hoạt được thu gom, vận chuyển về các nhà máy xử lý đã giải được bài toán về môi trường khi các địa phương đang nỗ lực xây dựng nông thôn mới.

Mạnh Hùng

Mạnh Hùng

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy