Mộc Bắc xử lý rác thải bằng phương pháp ủ phân compost

Năm 2018, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Mộc Bắc (Duy Tiên) triển khai thực hiện mô hình xử lý rác bằng phương pháp ủ phân compost tại nhà góp phần đáng kể vào công tác bảo vệ môi trường (BVMT).

Là một trong những hộ đầu tiên của xã Mộc Bắc được tập huấn triển khai mô hình phân loại, xử lý rác thải ủ phân compost tại nhà, bác Lưu Thị Hòa, thôn Yên Từ cho biết: Từ khi được Hội LHPN xã triển khai mô hình xử lý rác bằng phương pháp ủ phân compost, các thành viên trong gia đình tôi đều hưởng ứng nhiệt tình và đều ý thức được ý nghĩa của việc bảo vệ môi trường sống. Thực hiện phân loại, xử lý rác theo phương pháp này rất đơn giản, sạch sẽ, không gây hôi thối, lượng phân compost rất tốt cho cây trồng…

Bác Lưu Thị Hòa, thôn Yên Từ , xã Mộc Bắc ( Duy Tiên)  đang xử lý rác thải bằng mô hình ủ phân compost.

Bà Phạm Thị Toàn, Chủ tịch Hội LHPN xã Mộc Bắc cho biết: Mô hình xử lý rác bằng phương pháp ủ phân compost được Hội LHPN xã triển khai từ tháng 9/2018. Tham gia mô hình có 36 hộ gia đình hội viên phụ nữ thôn Yên Từ. Các gia đình tham gia mô hình được dự các lớp tập huấn nâng cao kiến thức bảo vệ môi trường (BVMT) trong sản xuất, sinh hoạt hằng ngày, hướng dẫn người dân cách thu gom, phân loại rác. Ngoài ra, trước tình hình ô nhiễm môi trường, Hội LHPN xã còn tuyên truyền người dân hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thu gom và xử lý vỏ chai, lọ, bao bì đúng nơi quy định. Từ đó, giúp người dân nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường.

Thực tế cho thấy, dùng loại phân compost bón cho rau màu rất hiệu quả, ít sâu bệnh; bón cho cây ăn quả cây phát triển nhanh, quả to và bóng. Trong khi phân hóa học sử dụng lâu năm có thể làm chai đất, còn phân compost có tác dụng làm cho đất tơi xốp, tăng độ phì nhiêu và màu mỡ, vì thế mang lại hiệu quả kinh tế và giảm chi phí sản xuất cho nông dân.

Quy trình xử lý rác theo phương pháp ủ phân      compost tại gia đình rất đơn giản, người dân chỉ cần trang bị một thùng phi nhựa dung tích 200 lít, xung quanh khoan nhiều lỗ tròn có đường kính 1,5cm, bên dưới có 1 cửa có diện tích khoảng 20cm để lấy phân ra. Hằng ngày, các loại rác thải sinh hoạt trong gia đình được thu gom và phân loại gồm: lá cây, cỏ khô, cơm thừa, rau, quả hư hỏng, xác động vật chết… sẽ được bỏ vào thùng. Sau đó, dùng chế phẩm phân vi sinh, cứ một lớp rác thải dày 30 - 50cm rắc một lượt chế phẩm và đậy kín nắp. Cứ thế khoảng 1- 2 tháng, rác thải sẽ được các loại vi sinh vật phân hủy thành phân hữu cơ compost có lợi khi bón cho cây trồng.

Theo tính toán, với 36 hộ gia đình đang thực hiện mô hình tiết kiệm được khoảng trên 10 triệu đồng/năm, trong đó có khoảng 5 triệu đồng phí vận chuyển và xử lý rác ở nơi tập trung, số còn lại là giá trị lượng phân vi sinh được làm từ rác.

Cũng theo bà Phạm Thị Toàn, việc triển khai thí điểm mô hình xử lý rác bằng phương pháp ủ phân compost tại hộ gia đình bước đầu cho thấy sự phù hợp với điều kiện kinh tế, tập quán sinh hoạt của người dân và đạt được những hiệu quả tích cực. Thời gian tới, Hội LHPN xã sẽ tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn người dân về cách phân loại và quy trình xử lý rác thải, nhân rộng mô hình này. Đây là giải pháp dễ thực hiện vì chi phí thấp và phát huy trách nhiệm của mỗi gia đình cũng như các đoàn thể ở cơ sở trong việc thực hiện mục tiêu BVMT.                                                                                   

Xuân Tuân

Xuân Tuân

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy