Kim Bảng quyết liệt trong xử lý rác thải, bảo vệ môi trường

Trong xây dựng nông thôn mới, môi trường là tiêu chí khó đạt, nhưng khi đạt được lại dễ mất. Trước áp lực gia tăng ô nhiễm môi trường nông thôn, thời gian qua, huyện Kim Bảng đã thực hiện nhiều giải pháp, quyết liệt trong chỉ đạo xử lý rác thải sinh hoạt, làm sạch đường làng ngõ, xóm.

Bà Phạm Thị Hiệp, Phó Chủ tịch UBND huyện Kim Bảng cho biết: Để bảo vệ môi trường, huyện chỉ đạo các xã, thị trấn duy trì hoạt động 177 tổ vệ sinh môi trường, vận hành 312 xe chở rác, tần suất thu gom rác thải trong khu dân cư được bảo đảm từ 2-3 lần/tuần.

Huyện duy trì định kỳ 3 lần tổng vệ sinh môi trường vào các ngày 7, 17 và 27 hằng tháng. Tính riêng năm 2017, tổng khối lượng rác thải sinh hoạt được xử lý trên địa bàn huyện trên 8.710 tấn.

Người dân xóm 14, xã Thi Sơn (Kim Bảng) dọn vệ sinh đường làng.

Năm 2017, Kim Bảng dành 2,79 tỷ đồng kinh phí sự nghiệp môi trường cho các hoạt động bốc xúc, vận chuyển, xử lý rác thải và bảo vệ môi trường. UBND huyện yêu cầu các xã, thị trấn trong huyện căn cứ vào điều kiện thực tế của địa phương, chọn vị trí chôn lấp rác thải bảo đảm xa khu dân cư, đóng cửa, lấp đất trồng cây đối với những bãi rác đầy hoặc không sử dụng. Cung cấp 100 lít chế phẩm sinh học cho các địa phương để phun khử trùng tiêu độc tại các vị trí chôn lấp rác. 

Như thường lệ, trưa ngày 7 hằng tháng, người dân xóm 14 xã Thi Sơn (Kim Bảng) cùng nhau tổng vệ sinh đường làng, ngõ xóm, thu dọn rác tồn đọng trên đường và xử lý các loại rác hữu cơ.

Bà Nguyễn Thị Thắng, Bí thư Chi bộ, kiêm Trưởng xóm 14 xã Thi Sơn chia sẻ: Công tác dọn vệ sinh đường làng ở xóm 14 đã thành nếp, nhận được sự hưởng ứng tích cực của người dân. Điều đáng nói là ý thức bảo vệ môi trường của người dân trong xóm được nâng cao hơn nhiều so với trước đây. Vì thế, đường làng, ngõ xóm luôn được người dân tự giác giữ gìn sạch sẽ.

Xóm 14 quy định, các hộ gia đình đều phải phân loại rác thải sinh hoạt trước khi bỏ ra nơi quy định. Những hộ không phân loại, phần rác hữu cơ sẽ không được thu gom vào nơi tập trung mà buộc gia đình tự xử lý. Bà Nguyễn Thị Thắng cho rằng, quy định phân loại rác là cần thiết, góp phần giảm đáng kể áp lực xử lý rác tập trung tại xã.

Cũng như ở Thi Sơn, để được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, xã Hoàng Tây phải nỗ lực rất nhiều mới hoàn thành tiêu chí vệ sinh môi trường. Hoàng Tây thành lập 9 tổ thu gom rác thải ở thôn, xóm, thường xuyên thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt. Tuy nhiên, xã cũng phải đối mặt với khó khăn khi chưa có biện pháp xử lý kiên quyết, triệt để đối với các trường hợp xả rác thải nơi công cộng, kênh tưới, tiêu.

Không chỉ có rác thải sinh hoạt, hoạt động sản xuất, khai thác, sản xuất vật liệu xây dựng trong vùng Tây Đáy trên địa bàn Kim Bảng đang tạo cho huyện nhiều áp lực lớn trong xử lý ô nhiễm môi trường.

Bà Phạm Thị Hiệp cho biết thêm: 3 xã Thanh Sơn, Tân Sơn và Liên Sơn đã thành lập được các tổ dịch vụ môi trường. Từ tháng 10/2017, các tổ vệ sinh hoạt động thường xuyên, quét dọn vật liệu rơi vãi trên các tuyến đường với tần suất 2 lần/ngày, phun nước làm ẩm mặt đường 3 lần/ngày, san gạt đất đá rơi vãi 2 bên lề đường 2 lần/tháng. Nhờ đó, ô nhiễm môi trường ở vùng Tây Đáy giảm đáng kể.

Thời gian tới, Kim Bảng sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức, ý thức tự giác trong phân loại rác, tập huấn, hướng dẫn nhân dân phân loại, xử lý rác tại hộ gia đình. Huyện sẽ tăng cường xã hội hóa đối với công tác bảo vệ môi trường nông thôn; giao chỉ tiêu thu phí vệ sinh môi trường cho từng đơn vị, coi đó là nhiệm vụ trọng điểm, là một tiêu chí thi đua đối với các xã, thị trấn; rà soát quy hoạch các điểm chôn lấp rác thải hợp vệ sinh, bảo đảm rác thải được xử lý không gây mất cảnh quan và vệ sinh môi trường.

Bích Huệ

Bích Huệ

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.