Kim Bảng nỗ lực bảo đảm vệ sinh môi trường thôn xóm, làng nghề

Bảo đảm vệ sinh môi trường thôn, xóm và các làng nghề trên địa bàn, công tác kiểm tra, kiểm soát, xử lý các vấn đề về môi trường đã được UBND huyện Kim Bảng chú trọng chỉ đạo thực hiện.

Theo đó, các phòng, ban chuyên môn, UBND các xã, thị trấn thường xuyên kiểm tra, khảo sát thực tế để giải quyết và trả lời đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của cử tri, phản ánh của công dân liên quan đến hoạt động bảo vệ môi trường. Các ý kiến của cử tri đều được giải quyết, trả lời kịp thời, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân. 

Cùng với đó, trong 5 năm trở lại đây, huyện đã thẩm định và xác nhận 5 bản kế hoạch bảo vệ môi trường. Đồng thời phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh thẩm định 5 báo cáo đánh giá tác động môi trường. Công tác kiểm soát ô nhiễm môi trường trong khu dân cư, hoạt động khai thác, chế biến, vận chuyển khoáng sản được quan tâm, giải quyết kịp thời. Huyện cũng duy trì kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các nhà đầu tư hoàn thiện thủ tục và thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường trong các cụm công nghiệp và quản lý môi trường làng nghề. 

Bên cạnh đó, duy trì Đề án giảm thiểu ô nhiễm môi trường ở các xã khu vực phía Tây sông Đáy và điều chỉnh phù hợp với thực tế của từng địa phương; tiến hành truy thu phí đối với đơn vị còn thiếu để duy trì hoạt động của tổ dịch vụ môi trường. Thông qua việc kiểm tra, giám sát, đôn đốc của ban giám sát, việc quét dọn, bù lõm, tưới ẩm mặt đường đã được thực hiện thường xuyên, chất lượng hơn, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, ủng hộ.

Thực tế, công tác thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt thời gian qua đã được huyện quan tâm, chú trọng, dần đi vào nền nếp. Rác thải được thu gom, xử lý thường xuyên thông qua hoạt động của 177 tổ vệ sinh và 312 xe chở rác tại 18 xã, thị trấn. Tần suất thu gom rác thải sinh hoạt trong khu dân cư từ 2-3 lần/tuần. Tỷ lệ thu gom rác thải đạt 94,2%.

Thu gom rác thải tại xã Văn Xá (Kim Bảng). Ảnh: Thế Trang

Thực hiện việc thay đổi phương thức thu gom, tập kết rác thải sinh hoạt tại bể trung chuyển sang thu gom bằng xe đẩy tay đặt tại các vị trí phù hợp, bảo đảm vệ sinh, mỹ quan, giảm kinh phí phát sinh. Bên cạnh đó, UBND huyện đã chỉ đạo các xã phải tiến hành việc phân loại rác thải tại nguồn trước khi thu gom về bãi chôn lấp hợp vệ sinh (phân loại từ hộ gia đình, đội thu gom tiếp tục phân loại, chôn lấp rác vô cơ, ủ phân vi sinh rác hữu cơ). Tận dụng nguồn phân vi sinh sau khi ủ vào sản xuất nông, lâm nghiệp và trồng, chăm sóc vườn hoa, cây cảnh tại các địa phương. Chỉ đạo các xã, thị trấn thực hiện đóng cửa, lấp đất, trồng cây đối với bãi rác đầy hoặc không sử dụng, đồng thời cung cấp đầy đủ chế phẩm sinh học phun khử trùng tại vị trí chôn lấp rác.

Công tác thu phí vệ sinh, quản lý và sử dụng nguồn thu bảo đảm đúng quy định của UBND tỉnh. Các địa phương duy trì nền nếp tổng vệ sinh môi trường định kỳ các ngày 7, 17, 27 hằng tháng. Một số xã, thị trấn đã thực hiện tốt việc giao tuyến đường tự quản cho các hội, đoàn thể; nhân dân làm tốt vệ sinh tại hộ gia đình kết hợp vệ sinh đoạn đường liền kề. Các xã, thị trấn trong huyện cũng thực hiện tốt việc cứng hóa đường làng, ngõ xóm kết hợp với xây dựng hệ thống rãnh thoát nước thải khu dân cư; các gia đình xây dựng hố ga, hố thấm trước khi xả nước thải vào hệ thống thoát nước chung.

Cùng với đó, huyện chỉ đạo thực hiện tốt quy hoạch các khu chăn nuôi tập trung xa khu dân cư, thúc đẩy mô hình chăn nuôi trên nền đệm lót sinh học hoặc sử dụng bể biogas. Hiện toàn huyện có trên 82% khu chăn nuôi hợp vệ sinh.

Có thể nói, với sự chỉ đạo sát sao của Thường trực Huyện ủy, UBND huyện, công tác kiểm tra, kiểm soát, xử lý các vấn đề về môi trường được thực hiện thường xuyên; chú trọng công tác thu gom, xử lý rác thải cũng như tích cực thông tin, tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ môi trường nên nhận thức của nhân dân về vệ sinh môi trường đã được nâng cao; công tác bảo vệ môi trường tại các làng nghề được quan tâm, chú trọng và có nhiều chuyển biến tích cực. 

Trên địa bàn huyện hiện có nhiều gia đình, cá nhân, cơ sở sản xuất kinh doanh đã xây dựng cam kết, đề án, kế hoạch bảo vệ môi trường… theo quy định, được cơ quan có thẩm quyền xác nhận. Phần lớn các cơ sở trong làng nghề ở huyện đều có biện pháp giảm thiểu và ý thức bảo vệ môi trường. Đáng ghi nhận, tỷ lệ thu gom rác thải trên địa bàn huyện đạt 94,2%; số hộ và cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm tuân thủ các quy định thực hiện các tiêu chí về môi trường đạt 100%; có trên 90% số hộ chăn nuôi có chuồng trại bảo đảm vệ sinh môi trường; 100% số gia đình nông thôn có nhà tiêu, nhà tắm, bể chứa nước sinh hoạt hợp vệ sinh; tỷ lệ hộ sử dụng nước sạch hợp vệ sinh đạt 98,5%, trong đó có 75% số hộ sử dụng nước sạch. 100% các cơ sở nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện ký cam kết không sử dụng thuốc thú y thủy sản, các hóa chất đã hết hạn sử dụng, ngoài danh mục cho phép trong nuôi trồng thủy sản. Vệ sinh môi trường nông thôn có chuyển biến rõ nét. Toàn huyện chăm sóc và trồng bổ sung hoa trên các tuyến đường giao thông, đường liên xã, liên thôn… với tổng diện tích 42.000m2 cây hoa các loại…

Mặc dù đã đạt được những kết quả tích cực, song Kim Bảng vẫn còn tồn tại điểm ô nhiễm môi trường ở một số làng nghề; việc phân loại rác thải tại hộ gia đình thực hiện chưa tốt nên khối lượng rác thải sinh hoạt lớn, gây khó khăn cho việc vận chuyển, xử lý, tạo gánh nặng cho ngân sách nhà nước; ý thức chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp, cơ sở, hộ sản xuất, kinh doanh chưa cao; các làng nghề, khu vực nông thôn vẫn chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung; nhân lực, tài chính cho bảo vệ môi trường còn thiếu; công tác xã hội hóa bảo vệ môi trường chưa được triển khai cụ thể, chưa huy động được nguồn lực xã hội cho công tác này; tại các cụm công nghiệp đã có hệ thống thu gom nước thải, bể lắng tập trung, tuy nhiên đã xuống cấp, hệ thống xử lý nước thải tập trung chưa được đầu tư…

Để khắc phục những hạn chế, tồn tại về vệ sinh môi trường, Kim Bảng tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, tập huấn, nâng cao nhận thức về công tác này cho các gia đình, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong các làng nghề, cụm công nghiệp; thực hiện đầy đủ các biện pháp bảo vệ, phòng ngừa sự cố về môi trường. Đồng thời, tăng cường quản lý và hoạt động giám sát môi trường chặt chẽ; thường xuyên kiểm tra việc chấp hành các quy định về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. 

Thực hiện tốt công tác quy hoạch hạ tầng đô thị, các cụm công nghiệp trên địa bàn, các làng nghề theo hướng đồng bộ, đặc biệt lưu ý bố trí quỹ đất để quy hoạch hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung. Di dời các cơ sở gây ô nhiễm ra khỏi khu vực dân cư. Quy hoạch đồng bộ mặt bằng các khu đô thị, nhà ở, các khu sản xuất, các công trình kết cấu hạ tầng theo hướng phát triển không gian xanh, sạch, đẹp bảo vệ môi trường, dành quỹ đất quy hoạch, đầu tư các công trình thu gom, xử lý nước thải. 

Cùng với đó, đẩy mạnh xã hội hóa công tác cải tạo môi trường; tuyên truyền, vận động người dân tham gia giữ gìn, bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn trở thành khu vực đáng sống. Có cơ chế, giải pháp đưa dần các hộ chăn nuôi vào vùng đã được quy hoạch, từng bước hạn chế, tiến tới không cho phép chăn nuôi trang trại, gia trại trong các khu dân cư; có các chính sách cụ thể khuyến khích người dân áp dụng các biện pháp phòng ngừa ô nhiễm và sử dụng công nghệ sạch trong chăn nuôi. 

Huyện khuyến khích đầu tư của các dự án thân thiện với môi trường và tiếp tục duy trì hiệu quả hoạt động vệ sinh môi trường định kỳ các ngày 7, 17, 27 hằng tháng quét dọn đường làng, ngõ xóm, khơi thông cống rãnh…

Đức Anh

Phùng Thống, Thế Trang

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy