Khắc phục tồn tại trong xử lý nước thải ở các cụm công nghiệp

Hà Nam hiện có 17 cụm công nghiệp (CCN) đang hoạt động trên diện tích đất quy hoạch là 356 ha với 185 doanh nghiệp, hộ sản xuất đăng ký đầu tư sản xuất.

Trong 17 CCN, có 13 CCN chưa xây dựng được công trình xử lý nước thải tập trung dẫn đến tình trạng nước thải của doanh nghiệp, hộ gia đình ở một số CCN không được thu gom kịp thời, chảy tràn ra ngoài khu vực, ảnh hưởng đến môi trường, gây bức cho nhân dân.

Đối với các CCN đã xây dựng được trạm xử lý nước thải như: CCN Cầu Giát (Duy Tiên), CCN Hòa Hậu (Lý Nhân), CCN Nhật Tân (Kim Bảng), theo đánh giá của ngành chức năng, hoạt động của các trạm này đã và đang bộc lộ một số bất cập, chưa phát huy hiệu quả vốn đầu tư.

Đơn cử, tại CCN Hòa Hậu (Lý Nhân), trạm xử lý nước thải có công suất 200m3/ngày đêm được hoàn thành và đưa vào vận hành từ đầu năm 2017 để xử lý nước thải của CCN và làng nghề.

Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, lượng nước thải của doanh nghiệp tại CCN và các hộ sản xuất tẩy, nhuộm, in vải của làng nghề vượt quá nhiều lần so với khảo sát thiết kế ban đầu khiến việc thu gom, xử lý nước thải tập trung không bảo đảm yêu cầu. Nước thải chưa được xử lý triệt để gây ứ đọng, chảy tràn ra khu vực xung quanh, gây ô nhiễm môi trường.

Vì vậy, giữa năm 2017, trạm đã phải ngừng hoạt động để các đơn vị tư vấn thiết kế và thi công thực hiện công tác thu gom, xử lý lượng nước thải tồn đọng. Đồng thời, nghiên cứu giải pháp bổ sung công nghệ xử lý tối ưu, bảo đảm nguồn nước thải đạt quy chuẩn trước khi thải ra môi trường.

Cơ sở sản xuất gỗ Lý Hoàng Sang tại CCN Nhật Tân (Kim Bảng).

Cũng liên quan đến công tác thiết kế vận hành, năm 2010, CCN Nhật Tân (Kim Bảng) được đầu tư xây dựng trạm xử lý nước thải cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong CCN kết hợp với xử lý nước thải của các hộ sản xuất tại làng nghề Nhật Tân. Song, do thiết kế không phù hợp, công trình xây dựng trên cốt nền cao hơn mặt cống vì vậy không thu được nguồn nước thải về trạm xử lý tập trung.

Hiện nay, trạm không hoạt động, máy móc không được định kỳ bảo dưỡng thường xuyên nên đã xuống cấp.

Để khai thác có hiệu quả các trạm xử lý nước thải tập trung đã được đầu tư xây dựng tại các CCN, theo ông Trần Văn Sơn, Phó Giám đốc Sở Công Thương, trước hết, phải duy trì hoạt động của các trạm đang vận hành, đối với trạm xử lý nước thải tập trung của CCN Nhật Tân cần bổ sung kinh phí đầu tư, sửa chữa hệ thống đường ống và trang, thiết bị để hoạt động các doanh nghiệp trong các CCN có ngành nghề chủ yếu là sản xuất bột đá, cấu kiện bê tông, mây tre đan, may mặc, mộc…, yêu cầu các doanh nghiệp đầu tư thực hiện nghiêm túc cam kết bảo vệ môi trường và đề án bảo vệ môi trường với sự giám sát chặt chẽ của cơ quan chuyên môn.

Các CCN Kim Bình, Thi Sơn có diện tích lớn, đã "lấp đầy", cần khẩn trương đầu tư xây dựng trạm xử lý nước thải tập trung.

Những tồn tại trong việc thu gom, xử lý nước thải tại các CCN đang là vấn đề cần được các cấp, ngành và doanh nghiệp tập trung giải quyết, khắc phục nhằm đáp ứng yêu cầu bảo đảm nguồn nước thải đạt quy chuẩn trước khi thải ra môi trường, góp phần thực hiện mục tiêu đến năm 2020, toàn tỉnh có 50% số CCN trên địa bàn xây dựng được công trình xử lý nước thải tập trung.

Phùng Thống

Đức Thống

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.