Khắc phục tồn tại ở các trạm xử lý nước thải

Xây dựng gần 10 năm chưa đưa vào hoạt động, vừa xây dựng xong đã quá tải, hoạt động một thời gian ngắn song đóng cửa, thiếu hệ thống kết nối thu gom…, đó là thực trạng của một số trạm xử lý nước thải trên địa bàn tỉnh.

Trạm xử lý nước thải khu vực CCN Cầu Giát (Duy Tiên).

Toàn tỉnh hiện có 12 trạm xử lý nước thải tập trung ở các đô thị, khu công nghiệp (KCN),  Cụm công nghiệp (CCN) làng nghề. Thời gian vừa qua, phần lớn các trạm xử lý nước thải trên địa bàn tỉnh hoạt động tương đối ổn định, trong đó đã có 3/4 trạm ở các KCN đang hoạt động đã lắp hệ thống quan trắc tự động để đo kiểm chất lượng nước thải sau khi xử lý, góp phần bảo vệ môi trường.

Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng và mới đi vào hoạt động, một số dự án đã bộc lộ những hạn chế gây lãng phí nguồn vốn, ảnh hưởng đến công tác xử lý nguồn xả thải để bảo vệ môi trường.

Đơn cử như Dự án đầu tư xây dựng giai đoạn I, hệ thống thoát nước và xử lý nước thải thành phố Phủ Lý tại phường Thanh Châu thực hiện gần 10 năm vẫn chưa đưa vào hoạt động. Dự án có tổng mức đầu tư 205 tỷ 597 triệu đồng, trong đó nguồn vốn vay ODA từ Chính phủ Bỉ hơn 93 tỷ đồng, còn lại là các nguồn vốn đối ứng trong nước.

Thời gian thực hiện dự án từ tháng 1/2008 đến tháng 12/2013. Quy mô xây dựng công trình, ở lưu vực phía Bắc đường sắt: cải tạo hệ thống thoát nước mưa hiện có: xây dựng hệ thống thu gom nước thải; xây dựng 8 giếng tách nước thải. Lưu vực phía Nam đường sắt: xây dựng hệ thống thu gom nước thải; xây dựng 1 trạm bơm chuyển cốt có công suất 5.000 m3/ngày đêm. Tổng khối lượng của dự án đến nay đã thực hiện hơn 183 tỷ đồng, trong đó vốn đã cấp hơn 167 tỷ đồng.

Dự kiến toàn bộ công trình sẽ hoàn thành và bàn giao cho chủ đầu tư trước ngày 15/9. Qua khảo sát của các cơ quan chuyên môn, Trạm xử lý nước thải 5.000 m3/ngày đêm tại phường Thanh Châu được đầu tư trạm đầu mối và tuyến ống cấp I (chưa được đầu tư hệ thống cống thu gom cấp II, cấp III) nên khả năng thu gom nước thải để về trạm xử lý bị hạn chế, không bảo đảm đủ công suất thiết kế.

 

Chấn chỉnh tình trạng xả thải gây ô nhiễm môi trường tại CCN Hòa Hậu

Thời gian gần đây, nhiều hộ dân thuộc HTXDVNN Phú Cốc, xã Phú Phúc (Lý Nhân) kiến nghị về tình trạng một số doanh nghiệp tại Cụm công nghiệp (CCN) xã Hòa Hậu xả nước thải công nghiệp xuống kênh Bãi Bồi gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp và đời sống người dân.

Trạm xử lý nước thải làng nghề dệt nhuộm Hòa Hậu có công suất 200 m3/ngày đêm với tổng vốn đầu tư hơn 48 tỷ 400 triệu đồng, trong đó ngân sách trung ương hỗ trợ 50%, còn lại ngân sách tỉnh và đóng góp của đơn vị hưởng lợi từ dự án. Theo thiết kế, công nghệ xử lý của trạm: xử lý hóa lý kết hợp sinh học đạt loại A. Dự án đã hoàn thành vào năm 2016, đơn vị thi công đã vận hành chạy thử từ ngày 19/1/2017.

Tuy nhiên, trong quá trình vận hành, nước thải dệt nhuộm từ các hộ sản xuất thải ra có nhiều chỉ tiêu ô nhiễm vượt nhiều lần so với khảo sát thiết kế ban đầu dẫn tới trạm xử lý không thể xử lý nước thải đầu ra đạt quy chuẩn loại A, làm ứ nước thải trong khu sản xuất và chảy tràn ra môi trường xung quanh. Trách nhiệm này thuộc về chủ đầu tư và chính quyền địa phương trong việc phối hợp khảo sát lượng xả thải, chất thải của các doanh nghiệp để làm căn cứ lập dự án thiết kế công trình. Hiện chủ đầu tư và các đơn vị liên quan đang nghiên cứu, đề xuất giải pháp để khắc phục.

Ngoài 2 trạm xử lý trên, hiện Trạm xử lý nước thải 5 xóm ở làng nghề Nhật Tân (Kim Bảng) có tổng mức đầu tư gần 6 tỷ đồng do Chính phủ Đan Mạch tài trợ đưa vào hoạt động từ năm 2010, đến năm 2012 đã dừng hoạt động do không có kinh phí vận hành. Đến nay, nhà máy xuống cấp, việc khôi phục hoạt động gặp nhiều khó khăn. Trạm xử lý nước thải phường Minh Khai sử dụng mạng lưới thu gom nước thải chung với hệ thống thoát nước mưa làm ảnh hưởng đến quá trình xử lý nguồn xả thải.

Để giải quyết tồn tại ở những trạm xử lý nước thải tập trung, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng và địa phương: rà soát, giải quyết dứt điểm những tồn tại đối với các dự án trạm xử lý nước thải đang xây dựng, bảo đảm đưa vào vận hành trong thời gian sớm nhất; rà soát quy hoạch, xây dựng hệ thống thu gom nước thải đô thị hiệu quả; chỉ đạo các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ xây dựng trạm xử lý nước thải trong các KCN Đồng Văn III, Đồng Văn IV để sớm đưa dự án vào vận hành hiệu quả; tiếp tục huy động nguồn vốn xây dựng trạm xử lý nước thải ở các CCN, làng nghề; xây dựng phương án quản lý Trạm xử lý nước thải Nhật Tân hiệu quả; tăng cường khâu quản lý nguồn xả thải, kiên quyết xử lý các doanh nghiệp, đơn vị xả thải không đúng quy định. Về tồn tại của các trạm xử lý nước thải đã đưa vào sử dụng và đang xây dựng cần làm rõ trách nhiệm của chủ đầu tư để bảo đảm các dự án đưa vào hoạt động hiệu quả.

Trần Hữu

Trần Thoan

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy