Hội nghị trực tuyến ứng phó với bão Mangkhut

Chiều 14/9, Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tổ chức hội nghị trực tuyến với 27 tỉnh từ Nghệ An trở ra khu vực phía Bắc.

Dự và chỉ đạo hội nghị có các đồng chí: Trịnh Đình Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Nguyễn Xuân Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ NN & PTNT, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

Tại điểm cầu Hà Nam, dự hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Đình Khang, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Nguyễn Xuân Đông, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh dự hội nghị tại điểm cầu Hà Nam.

Theo thông tin dự báo về tình hình bão Mangkhut vào hồi 7 giờ ngày 14/9 vị trí tâm siêu bão ở vào khoảng 16,0 độ vĩ Bắc; 126,9 độ Kinh Đông, cách đảo Lu-Dông (Philippin) khoảng 530 km về hướng Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm siêu bão mạnh cấp 17, giật trên cấp 17.

Dự báo trong 24 giờ tới, siêu bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 25 km. Đến 7 giờ ngày 15/9, vị trí tâm siêu bão ở khoảng 18,0 độ vĩ Bắc; 121,0 độ Kinh Đông, ngay trên vùng biển phía Đông đảo Lu-Dông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm siêu bão mạnh cấp 16 – 17.

Cơn bão có hướng và tốc độ di chuyển, cường độ gió tương đối ổn định. Theo dự báo, siêu bão Mangkhut có khả năng cao đổ bộ vào nước ta ngày 17/9, phạm vi ảnh hưởng lớn từ Nghệ An trở ra toàn bộ các tỉnh phía Bắc.

Trước tình hình siêu bão Mangkhut có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta. Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương có biện pháp ứng phó. Theo đó, cần tăng cường thông tin, tuyên truyền đến mọi tâng lớp nhân dân về diễn biến của bão. Đồng thời, chủ động chuẩn bị và triển khai các biện pháp phòng chống giúp giảm thiểu thiệt hại do bão gây ra.

Dự báo đường đi của siêu bão Mangkhut. Ảnh: NCHMF

Chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, nêu rõ đây là cơn bão mạnh, di chuyển với tốc nhanh, bão gây ra mưa lớn rất nguy hiểm. Do vậy, các bộ, ngành địa phương phải xây dựng nhanh phương án ứng phó kịp thời với diễn biến của bão. Trong đó, chủ động về trang thiết bị, phương tiện, vật tư để ứng phó hiệu quả nhất.

Cùng với đó, thường xuyên cập nhật thông tin về bão, công bố vùng biển nguy hiểm khi bão vào, đảm bảo tuyệt đối an toàn cho các phương tiện và ngư dân. Thực hiện việc cấm biển, kiểm soát không để tàu bè ra khơi, hướng dẫn neo đậu tàu, thuyền, lồng bè ven biển. Đồng thời, đảm bảo an toàn cho khách du lịch tại các vùng biển chịu ảnh hưởng của bão. Đảm bảo an toàn trong đất liền, nhất là nhà cửa của người dân, trường học, bệnh viện, công trình sản xuất, hệ thống giao thông, điện, thông tin liên lạc, hồ đập, nhất là đảm bảo tính mạng của người dân…

Kết luận hội nghị, đồng chí Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh: Bão Mangkhut diễn biến rất phức tạp, di chuyển nhanh và cấp bão mạnh cần phải hết sức chú ý theo dõi, cảnh giác. Thời gian theo dự báo bão vào đất liền còn rất ngắn, khoảng 2 ngày nữa, cần hết sức lưu ý đến gió mạnh, mưa lớn do bão gây ra, tránh tư tưởng chủ quan.

Đề nghị các địa phương, lực lượng chức năng chủ động xây dựng phương án ứng phó với bão. Yêu cầu cấm biển từ 10 giờ ngày 15 đến khi hết hoàn lưu bão. Các tỉnh hết sức chú ý đến hồ thủy lợi, tài nguyên địa chất phòng chống sạt lở, nhất là các tỉnh phía Đông Bắc; những công trình trọng điểm nguy cơ cao chịu ảnh hưởng của bão. Thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” trong phòng chống bão. Đối với sản xuất lúa ở Đồng bằng sông Hồng chưa thu hoạch cần chủ động tiêu úng kịp thời.

Với tỉnh ta theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn Hà Nam có khả năng chịu ảnh hưởng trực tiếp của siêu bão Mangkhut. Từ ngày 17 – 20/9 trên địa bàn tỉnh có mưa to, rất to và gió mạnh. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3 – 4. Do vậy Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng, địa phương theo dõi chặt chẽ tình hình mưa, bão, thông báo về thông tin xả lũ hồ thủy điện Hòa Bình và khả năng mưa lớn ảnh hưởng của siêu bão để người dân chủ động các biện pháp phòng tránh đảm bảo an toàn về người, tài sản.

Đồng thời, chủ động rút nước đệm, sẵn sàng tiêu úng hiệu quả trong trường hợp mưa lớn kéo dài; đảm bảo nguồn điện phục vụ bơm tiêu úng và thông tin liên lạc… Cùng với đó, bố trí lực lượng quản lý đê nhân dân tuần tra canh gác 24/24 giờ tại các điểm xung yếu, chuẩn bị phương tiện vật tư sẵn sàng ứng phó với các tình huống xấu có thể xảy ra.

Mạnh Hùng

Mạnh Hùng

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy