Hà Nam lựa chọn và phát triển các sản phẩm nông nghiệp có lợi thế

Sau hơn 6 năm thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp, những sản phẩm nông nghiệp có lợi thế ở Hà Nam đang được đầu tư phát triển, như: lúa, lợn thịt, bò sữa, bò vàng, các loại củ, quả sạch... 

Lúa được xác định là sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh. Giai đoạn 2015-2020, năng suất lúa bình quân ở Hà Nam vẫn giữ ở mức khá, sản lượng tăng đáng kể, trong đó, diện tích và sản lượng lúa chất lượng cao đều tăng, sản lượng tăng từ 115.103 tấn (2015) lên 144.410 tấn (2019), diện tích tăng 10% so với cùng kỳ.

Phương thức sản xuất lúa có nhiều đổi mới, theo hướng tập trung, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ. Một số giống lúa mới đang được chọn lọc, đưa vào sản xuất quy mô tập trung gắn với hợp đồng tiêu thụ sản phẩm. Chủ trương đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của tỉnh cũng đã tạo động lực cho các HTX và các tổ chức nông dân tập trung đất đai, liên kết sản xuất các loại rau, củ, quả sạch, bước đầu đạt được những kết quả tích cực. 

Lựa chọn và phát triển các sản phẩm nông nghiệp có lợi thế
Thu hoạch lúa mùa tại xã Tràng An (Bình Lục). Ảnh: Kim Chi

Đối với chăn nuôi, mặc dù trong 4 năm trở lại đây, do ảnh hưởng bởi bệnh dịch tả lợn châu Phi, có nhiều thời điểm giá thịt lợn giảm sâu nên chăn nuôi lợn của tỉnh phát triển không ổn định. Tổng đàn lợn giảm mạnh so với năm 2016, hiện chỉ còn 370.000 con. Tuy nhiên, trong giai đoạn 2015-2020, sản lượng thịt hơi vẫn tăng đáng kể. Lợn thịt vẫn là sản phẩm chủ lực của ngành chăn nuôi.  

Đàn bò sữa, bò thịt đã và đang được khuyến khích phát triển theo hướng tập trung trong các khu quy hoạch. Dù chưa đạt mục tiêu so với đề án, nhưng đàn bò sữa, bò thịt có sự chuyển biến mạnh mẽ về hình thức và quy mô chăn nuôi. Đến nay, tổng đàn bò sữa của Hà Nam có khoảng 4.200 con, tăng 202,8% so với năm 2015, tốc độ tăng bình quân đạt 15,8%/năm; giá trị sản xuất năm 2020 ước đạt 143 tỷ đồng. 

Giai đoạn 2020-2025, ngành nông nghiệp chủ trương tiếp tục phát triển trồng trọt theo quy mô lớn, gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ sản phẩm trên cơ sở phát huy lợi thế vùng, miền. Phát triển các vùng chuyên canh rau, củ, quả chủ lực gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ sản phẩm (dưa chuột, bầu bí, rau ăn lá). Phấn đấu đến năm 2025, diện tích sản xuất rau đạt khoảng 9.800 ha, sản lượng 171.000 tấn. Xây dựng thương hiệu cho một số vùng sản xuất cây ăn quả chủ lực của tỉnh, bao gồm các loại sản phẩm: chuối, vải, nhãn, bưởi và ổi. Mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, diện tích cây ăn quả tăng lên khoảng 6.300 ha, sản lượng ước đạt 75.000 tấn. Với lĩnh vực chăn nuôi, khai thác hiệu quả vùng chăn nuôi tập trung hiện có, phát triển chăn nuôi tập trung công nghiệp và ứng dụng công nghệ cao, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, xây dựng thương hiệu uy tín cho sản phẩm.

Thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là đối với những mặt hàng nông sản có lợi thế, huyện Lý Nhân đã rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp, trong đó có quy hoạch chăn nuôi bò sữa, bò thịt, bò sinh sản, vùng nuôi trồng thủy sản. Các xã, thị trấn quy hoạch vùng sản xuất rau, củ, quả sạch; chuyển dịch cơ cấu cây trồng, xây dựng mô hình sản xuất theo chuỗi. 

Thị xã Duy Tiên xác định quy hoạch là một giải pháp quan trọng để thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững. Trên cơ sở quy hoạch chung đô thị Duy Tiên đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và quy hoạch phát triển nông nghiệp tỉnh Hà Nam, thị xã Duy Tiên đã xây dựng vùng quy hoạch phát triển nông nghiệp. Sản xuất lúa hàng hóa với 6 cánh đồng mẫu quy mô 302,5 ha; vùng sản xuất rau an toàn, rau hữu cơ tại xã Trác Văn 6,5 ha; vùng trồng ngô, cỏ phục vụ cho chăn nuôi 43,5 ha; vùng trồng cây ăn quả với diện tích 183 ha, cây trồng chủ yếu là cây ăn quả có múi, nhãn, táo, ổi; quy hoạch 05 khu chăn nuôi bò sữa tập trung với tổng diện tích 70,9 ha, 02 khu chăn nuôi lợn tập trung tại xã Chuyên Ngoại (02 ha) và xã Tiên Ngoại (06 ha), khu chăn nuôi gia cầm tại Tiên Sơn 3,7 ha...

Đến nay, một số đề án phát triển chăn nuôi và trồng trọt giai đoạn 2015-2020 đã kết thúc, theo đó, cơ chế, chính sách đầu tư cho nông nghiệp sẽ có sự thay đổi. Nguồn lực đầu tư sẽ được tập trung vào yêu cầu thiết yếu, như phòng, chống và kiểm soát dịch bệnh trên đàn bò sữa, đàn lợn; xây dựng vùng sản xuất cây ăn quả an toàn vùng chuyển đổi trên đất lúa...

Tỉnh Hà Nam còn nhiều tiềm năng để phát triển nông nghiệp. Những sản phẩm nông nghiệp có lợi thế cạnh tranh, có tiềm năng phát triển có thể mở rộng quy mô, hướng tới xây dựng nhãn hiệu sản phẩm gạo, củ, quả... Vấn đề là tập trung nguồn lực đầu tư để phát triển đúng hướng.

Chia sẻ về một số vấn đề có liên quan, nhiều ý kiến cho rằng, cần có chính sách hỗ trợ đầu tư, khuyến khích đủ mạnh để phát triển các mặt hàng nông sản chủ lực. Khó ở điểm, kết cấu hạ tầng nông nghiệp chưa đồng bộ. Công nghiệp chế biến chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển. Nhiều nông sản ở dạng sơ chế nên giá trị gia tăng thấp, sức cạnh tranh yếu. Việc mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản khó khăn, trong khi, thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp chưa tương xứng với tiềm năng của tỉnh… 

Vì vậy, để xây dựng một số thương hiệu nông sản của tỉnh, cần xác định đúng lợi thế, những mặt hàng nông sản chủ lực, hạn chế việc đầu tư và hỗ trợ đầu tư dàn trải, thiếu tập trung, thiếu kết nối giữa các nguồn lực. Hỗ  trợ thực hiện mục tiêu này, đẩy mạnh thực hiện tích tụ đất đai, hướng đến sản xuất nông nghiệp tập trung, quy mô lớn.

Trước mắt là tháo gỡ vướng mắc trong điều chỉnh quy hoạch vùng chăn nuôi bò thịt, bò sữa và vùng trồng cây ăn quả an toàn trên vùng chuyển đổi đất lúa. Thúc đẩy quá trình sản xuất tập trung là thực thi có hiệu quả chính sách khuyến khích thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; ưu tiên các dự án đầu tư liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ các sản phẩm nông sản chủ lực.

Tăng cường các hoạt động  xúc tiến thương mại, ứng dụng mạnh mẽ thương mại điện tử vào hoạt động sản xuất, kinh doanh; quảng bá sản phẩm; bám sát Chương trình mỗi xã một sản phẩm để xây dựng, phát triển, nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp chủ lực của địa phương.
 

Bích Huệ

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy