Chống thông đồng, dìm giá trong đấu giá quyền sử dụng đất

Móc ngoặc, thông đồng, dìm giá trong đấu giá tài sản nói chung và đấu giá quyền sử dụng đất (ĐGQSDĐ) nói riêng nếu để xảy ra sẽ làm triệt tiêu tính cạnh tranh trong đấu giá tài sản, làm thất thoát nguồn thu ngân sách Nhà nước.

Những năm qua, Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản (BĐGTS) đã tổ chức được hàng trăm phiên ĐGQSDĐ, thu về cho ngân sách nhà nước hàng trăm tỷ đồng. Việc triển khai đấu giá được thực hiện đúng trình tự, minh bạch, công khai theo Nghị định số 17/2010/NĐ-CP của Chính phủ về BĐGTS. Chỉ tính từ ngày 1/1-15/9/2017, trung tâm đã tổ chức thành công 85 phiên ĐGQSDĐ bảo đảm chặt chẽ, khoa học. Các phiên đấu giá đều diễn ra lành mạnh, có tính cạnh tranh cao.

Khu đất được đấu giá quyền sử dụng đất ở xã Đồng Hoá (Kim Bảng) có giá trúng thầu hơn 14,4 tỷ đồng so với giá khởi điểm.

Tuy nhiên, cá biệt có phiên đấu giá đã xảy ra hiện tượng móc ngoặc, thông đồng, dìm giá nhằm trục lợi bất chính. Thời gian gần đây, tại xã B một số đối tượng tham dự đấu giá có biểu hiện thông đồng, kéo dài thời gian buổi đấu giá và gây khó cho cán bộ tổ chức đấu giá, buộc Trung tâm dịch vụ BĐGTS phải triển khai biện pháp nghiệp vụ và nhờ tới lực lượng công an đến ổn định tình hình. Nhờ đó, phiên đấu giá mới diễn ra thành công, các đối tượng thông đồng, dìm giá không thực hiện được toan tính của mình, giá trị tài sản tăng cao, số tiền chênh lệch so với giá khởi điểm lên đến hàng chục tỷ đồng.

Ông Đào Xuân Chiến, Giám đốc Trung tâm dịch vụ BĐGTS cho biết: Trước đấu giá, chúng tôi đã nắm bắt kỹ tình hình và cũng đã biết sẽ có một nhóm đối tượng móc ngoặc, thông đồng, dìm giá. Do đó, các biện pháp nghiệp vụ đã được chuẩn bị sẵn sàng, bảo đảm cho phiên đấu giá diễn ra theo đúng quy định.

Thông đồng, dìm giá trong BĐGTS là một vấn đề luôn được đặt ra trong suốt quá trình triển khai thực hiện đấu giá và luôn được Trung tâm dịch vụ BĐGTS quan tâm hàng đầu. Do đó, trung tâm đã có nhiều giải pháp, tình huống đặt ra nhằm phòng ngừa, ngăn chặn tiêu cực như nghiên cứu kỹ hồ sơ, kiểm tra thực địa và tăng cường tuyên truyền phổ biến pháp luật.

Cụ thể, ngay từ khi tiếp nhận hồ sơ phải bảo đảm tương đối đầy đủ văn bản, giấy tờ liên quan. Sau đó, trung tâm tiếp cận mặt bằng bán đấu giá để nắm rõ dư địa chí, từ đó định giá tính khả thi của tài sản. Điều quan trọng nữa là phối hợp với địa phương nắm bắt thông tin về tài sản (nguồn gốc đất đai, địa phương đang quản lý hay bị lấn chiếm...), đồng hành, kết hợp cùng với địa phương giải quyết những vấn đề phức tạp của tài sản (nếu có) bảo đảm mặt bằng sạch mới đưa ra đấu giá.

Ông Đào Văn Thành, Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ BĐGTS cho biết: Khi tiếp cận mặt bằng bán đấu giá, chúng tôi đặc biệt lưu tâm đến hiện trạng đất đai, nhất là đối với đất xen kẹp xem được quản lý thế nào, có bị lấn chiếm không, ai lấn chiếm, hành vi lấn chiếm (san lấp, xây tường bao, trồng cây lưu niên...); rồi vị trí đất có cạnh tranh và hấp dẫn nhà đầu tư hay không. Từ đó đưa ra dự tính, dự báo về khả năng thành công bán đấu giá và tiên liệu các vấn đề khác, trong đó có yếu tố thông đồng, dìm giá.

Trong khâu chuẩn bị, việc tiếp nhận hồ sơ khách hàng cần đánh giá, nhận định ngay từ đầu, phân loại là người địa phương hay có cả khách hàng vùng phụ cận tham gia, số lượng là bao nhiêu và cả tính chất khách hàng  để có phương án bố trí lực lượng hỗ trợ phiên đấu giá; bảo vệ khách hàng, bảo đảm quyền cho khách hàng được tự do tham gia trả giá và an toàn khi rời khỏi phiên đấu giá.

"Chúng tôi đặc biệt lưu ý, nếu đấu giá tại các vùng nông thôn mà có hồ sơ đăng ký đến gửi tại trung tâm thì ngay lập tức phải cử cán bộ tìm hiểu xem lý do là gì, liệu có ai ngăn cản khách hàng tự do đăng ký đấu giá tài sản hay không. Và yêu cầu cán bộ trung tâm, UBND xã bảo mật thông tin, nhân thân của người đăng ký và số lượng người đăng ký đến phút chót nhằm ngăn chặn người đăng ký đấu giá quen biết dễ dẫn đến mua chuộc, thoả hiệp lợi ích", ông Đào Văn Thành nói. 

Yếu tố quan trọng nữa để phòng ngừa thông đồng, dìm giá trong ĐGQSDĐ đã và đang được Trung tâm dịch vụ BĐGTS thực hiện là tăng cường tuyên truyền phổ biến pháp luật, đặc biệt là thông tin tuyên truyền về tài sản đấu giá trên các phương tiện thông tin đại chúng. Bên cạnh đó, thông tin còn được niêm yết tại Trung tâm dịch vụ BĐGTS, UBND xã, nhà văn hoá thôn và có khi ở cả các xã vùng phụ cận nhằm đa dạng hoá khách hàng, tránh tư tưởng cục bộ theo luỹ tre làng.

Khi tổ chức phiên đấu giá, trung tâm kiểm tra nhanh tư cách khách hàng; yêu cầu khách hàng xuất trình giấy tờ tuỳ thân, bảo đảm đúng người đăng ký hoặc người được uỷ quyền có giấy uỷ quyền hợp lệ của người đã đăng ký tham gia. Tại phiên đấu giá, khách hàng được bố trí vị trí ngồi hợp lý, có chỗ ghi phiếu phù hợp, bảo mật thông tin, tránh để khách hàng trao đổi, bàn bạc ngay tại phiên đấu giá dễ dẫn tới thông đồng, dìm giá.

Nhờ làm tốt công tác phòng ngừa, ngăn chặn thông đồng, dìm giá trong ĐGQSDĐ nên trong những năm qua, trên địa bàn tỉnh chưa để xảy ra tình trạng móc ngoặc, cò mồi, thông đồng, dìm giá làm giảm tính cạnh tranh và hạ thấp giá trị thực của tài sản đấu giá. Kết quả thu được từ các phiên đấu giá đều phản ánh đúng giá trị đất đai thực tế tại địa phương. Tăng cường phòng chống tiêu cực trong BĐGTS nói chung và ĐGQSDĐ nói riêng, thời gian tới Trung tâm dịch vụ BĐGTS chủ trương đa dạng hoá các hình thức BĐGTS như: đấu giá trực tiếp bằng lời nói, đấu giá gián tiếp bằng bỏ phiếu (có hẹn ngày đến cùng mở phiếu) và đấu giá trực tuyến.

Thanh Bình

Tiến Đoàn

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy