Chôn lấp rác thải phải được thực hiện đúng quy định

Thực tế hiện nay, việc chôn lấp rác thải sinh hoạt ở nhiều địa phương trong tỉnh đang không đúng hướng dẫn, quy trình về chôn lấp hợp vệ sinh. Ở những điểm chôn lấp rác thải không làm tầng lót đáy. Điều này gây ra mối lo ngại mới về bảo đảm vệ sinh môi trường tại các vùng nông thôn.

Từ cuối tháng 8/2016, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã có hướng dẫn đến các huyện, thành phố chỉ đạo Phòng TN&MT, cùng các đơn vị liên quan kiểm tra, đánh giá tình hình hoạt động của các bãi rác và chỉ đạo các xã bố trí diện tích đất để thực hiện chôn lấp rác thải tại địa phương. 

Xe thu gom rác thải tại thị trấn Hòa Mạc (Duy Tiên).

Theo hướng dẫn của Chi cục Môi trường (Sở TN&MT) việc thu gom, phân loại và chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt phải bảo đảm các tiêu chuẩn vệ sinh môi trường, nhất là yêu cầu đáy hố phải được đắp 1 lớp đất sét dày 30 cm; đất được nhào trộn nhuyễn và đầm chặt sau đó trải màng chống thấm bằng vải địa kỹ thuật để nước rỉ rác không thấm xuống đất và nguồn nước ngầm.

Tuy vậy, nhiều địa phương không thực hiện việc chôn lấp rác thải theo đúng hướng dẫn, quy trình chôn lấp hợp vệ sinh. Ở những điểm chôn lấp rác thải không làm tầng lót đáy. Điều này gây ra mối lo ngại mới về bảo đảm vệ sinh môi trường tại các vùng nông thôn.

Ông Lê Văn Thành, cán bộ tài nguyên môi trường xã Bình Nghĩa (Bình Lục) cho biết: Xã quy hoạch 2 hố chôn lấp rác thải có màng trải lót nền nhưng do hố rộng rất khó làm. Rác thải sau khi đổ đầy được rắc vôi bột và chế phẩm EM rồi lấp đất lên. Đây chỉ là biện pháp tình thế. Làm rồi nhưng không thấy yên tâm!

Vừa qua, Chi cục Môi trường (Sở TN&MT) đã tiến hành kiểm tra tình hình thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải trên địa bàn tỉnh. Kết quả cho thấy, một số vị trí bể trung chuyển, hố chôn lấp của các địa phương nằm cạnh đường giao thông; việc phân loại, vận chuyển và xử lý bằng biện pháp chôn lấp lộ thiên không bảo đảm vệ sinh môi trường.

Tại huyện Bình Lục, hiện nay, các xã tự xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn. Rác sau khi được thu gom, vận chuyển về bể trung chuyển, định kỳ hàng tuần các xã tổ chức chôn lấp tại khu đất được quy hoạch làm bãi chôn lấp rác thải.

Đối với huyện Lý Nhân và Thanh Liêm, rác thải phát sinh do địa phương tự xử lý, dẫn đến tình trạng quá tải tại các bể trung chuyển, việc xử lý bằng chôn lấp lộ thiên và đốt thủ công gây ô nhiễm môi trường xung quanh.

Theo ngành chức năng và các nhà khoa học, chôn lấp rác thải xử lý được khối lượng lớn chất thải, chi phí đầu tư và chi phí xử lý thấp nên được sử dụng nhiều ở các nước trên thế giới.

Tuy nhiên, việc chôn lấp rác thải không đúng theo quy trình kỹ thuật sẽ gây ra những hệ lụy khó kiểm soát kể cả trước mắt và sau này như: Quá trình phân hủy chậm, ẩn chứa các côn trùng gây bệnh (ruồi, muỗi), gây ô nhiễm khu vực xử lý; đặc biệt là lượng nước rò rỉ từ rác thải thẩm thấu vào đất và nguồn nước ngầm sẽ tác động xấu đến môi trường. Về lâu dài đây sẽ là mối lo lớn đối với môi trường sống của con người.

Bên cạnh hệ lụy lớn nhất là làm ô nhiễm nguồn nước ngầm, các bãi rác còn tiêu tốn một quỹ đất đáng kể, nếu biện pháp này không sớm tìm được giải pháp thay thế sẽ rất khó khăn với nhiều địa phương khi tìm quỹ đất làm bãi chôn lấp rác thải.

Được biết, đối với tỉnh ta, chọn giải pháp chôn lấp rác thải chỉ là biện pháp tạm thời trong khi chờ đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác mới và nâng công suất các cơ sở chế biến rác đã có.

Theo Chi cục Môi trường, việc chôn lấp rác dự kiến sẽ kéo dài hết năm 2018. Vì vậy, các điểm chôn lấp rác thải cần phải thực hiện theo đúng Hướng dẫn số 886/STNMT-MT ngày 23/8/2016. Trong đó, đặc biệt chú ý thực hiện quy trình chôn lấp hợp vệ sinh.

Cụ thể, hố chôn lấp rác thải phải có tầng lót đáy, được trải màng chống thấm bằng vải địa kỹ thuật. Rác thải được thu gom tại bãi chôn lấp sau mỗi ngày phải phun chế phẩm EM, hóa chất diệt ruồi, muỗi. Rác sau khi đưa xuống hố chôn lấp lấy đất sét lấp trên mặt của ô chôn lấp dày khoảng 60 cm. Độ dốc từ chân đến đỉnh bãi tăng dần từ 3-5%, bảo đảm thoát nước tốt và không trượt lở, sụt lún, sau đó phủ một lớp đất dày 20-30 cm trồng cây xanh trên mặt.

Hiện nay, lượng rác thải phát sinh trên địa bàn tỉnh tới hàng trăm tấn/ngày. Lượng rác tại các địa phương cần được xử lý ngày càng tăng, song việc phân loại, vận chuyển và xử lý bằng biện pháp chôn lấp, phần lớn không bảo đảm quy trình kỹ thuật và vệ sinh môi trường.

Để tránh "lợi bất cập hại", đòi hỏi việc nâng cấp, đầu tư xây dựng các cơ sở xử lý, chế biến rác cần phải được quan tâm và đẩy nhanh tiến độ để rác thải sớm được xử lý triệt để và an toàn.

Thanh Bình

Tiến Đoàn

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy