Các địa phương, đơn vị chủ động phòng, chống bão số 2

Theo dự báo của cơ quan khí tượng thủy văn, do ảnh hưởng của bão số 2, nên trong 3 ngày, từ 3-5/7/2019, trên địa bàn tỉnh sẽ có mưa vừa, mưa to và dông, lượng mưa cả đợt phổ biến từ 80-120 mm, có nơi hơn 150 mm. Để chủ động đối phó với bão số 2, Ban chỉ huy PCTT-TKCN các địa phương đã và đang khẩn trương triển khai biện pháp phòng, chống nhằm giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra.

Trong những ngày gần đây, Phòng NN&PTNT huyện Kim Bảng theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, kể từ khi có áp thấp nhiệt đới nhằm hướng dẫn các địa phương chủ động thực hiện các giải pháp  bảo vệ lúa mùa.

7 giờ sáng ngày 3/7/2019, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN huyện Kim Bảng đã có công điện gửi các cơ quan, đơn vị và các xã, thị trấn trên địa bàn.

Công điện yêu cầu các đơn vị theo dõi chặt chẽ, cập nhật thông tin diễn biến của bão số 2; thực hiện nghiêm chế độ trực ban, tuần tra canh gác theo quy định, chủ động triển khai các phương án đã xây dựng; chuẩn bị tốt công tác “4 tại chỗ”, sẵn sàng ứng phó với các tình huống xấu có thể xảy ra; tăng cường kiểm tra các công trình phòng, chống thiên tai, các vị trí, khu vực đã bị xảy ra sự cố, vùng úng trũng… Đồng thời, yêu cầu Xí nghiệp thủy nông huyện theo dõi chặt chẽ diễn biến của mưa bão, chủ động phối hợp với các xã, thị trấn tiêu nước đệm, giữ nước trên mặt ruộng hợp lý.

Chủ động đối phó với bão số 2, các HTXDVNN trên địa bàn huyện Kim Bảng kiểm tra tình hình sinh trưởng và phát triển của  lúa mùa, nhất là những diện tích lúa mới cấy xong. Hiện nay, lúa mùa ở huyện Kim Bảng đang trong giai đoạn đẻ nhánh. Một số ít diện tích mới cấy, lúa đã hồi xanh. Do gieo cấy sớm và gặp thời tiết thuận lợi nên 850 ha lúa gieo thẳng ở Kim Bảng phát triển tốt. Trên mặt ruộng, nước được giữ ở mức độ hợp lý để lúa sinh trưởng và đẻ nhánh tập trung.

Ông Nguyễn Xuân Mạnh, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Kim Bảng khẳng định: Mặc dù không rút hết nước mặt ruộng nhưng UBND huyện đã chỉ đạo các đơn vị có liên quan kiểm tra và thực hiện rút nước đệm trên các kênh tiêu chính nhằm tạo thuận lợi cho công tác tiêu úng khi có mưa lớn. Hệ thống các công trình thủy lợi đã được tu bổ, nâng cấp và sửa chữa theo kế hoạch trước khi bước vào mùa mưa bão năm 2019. Ngày 2/7, Phòng NN&PTNT đã đi thị sát tình hình thực tế ở nhiều địa phương trong huyện, phối hợp xử lý những vấn đề phát sinh trong công tác phòng, chống bão số 2.

Dù được cấy sớm, nhưng lúa mùa ở Kim Bảng vẫn có nguy cơ ngập úng nếu không được tiêu nước kịp thời. Nhận định về năng lực tưới tiêu của hệ thống  thủy lợi, ông Nguyễn Xuân Mạnh cho biết thêm: Năng lực tưới tiêu của hệ thống thủy lợi Kim Bảng khá tốt. Huyện cũng đã xây dựng phương án PCTT-TKCN rất cụ thể. Điều mà chúng tôi lo ngại nhất chính là những vùng bị ảnh hưởng của các dự án thu hồi đất, hệ thống thủy lợi không đồng bộ sẽ gặp nhiều khó khăn trong công tác tiêu úng. Tuy nhiên, qua kiểm tra thực tế, chúng tôi thấy các địa phương đã thống nhất với các đơn vị thi công một số phương án xử lý, đối phó khi có mưa lớn.

Để phòng chống mưa úng cho hơn 120 ha lúa mới cấy, HTX Nông nghiệp Thượng Vỹ (Lý Nhân) đã tiến hành khơi thông dòng chảy các đoạn kênh bị ách tắc do vật cản, bèo gây ra. Đồng thời, HĐQT HTX chỉ đạo tổ dịch vụ thủy nông rút kiệt nước đệm trên kênh, hoành triệt các cống, khoanh vùng  từng cánh đồng để  thuận lợi cho quá trình tiêu úng khi có mưa lớn xảy ra. Cùng với đó, HTX đã kiểm tra lại hoạt động của 3 trạm bơm điện cố định và máy bơm dã chiến để sẵn sàng vận hành tiêu úng.

Ông Nguyễn Văn Đông, Giám đốc HTX Nông nghiệp Thượng Vỹ  cho biết: Do lúa mùa vừa cấy nên việc phòng chống úng là rất quan trọng. HTX cố gắng thực hiện việc tiêu nước tốt nhất, đảm bảo cho lúa mùa sinh trưởng, phát triển tốt.

HTX Thượng Vỹ (LN) thuê máy xúc khởi thông dòng chảy kênh mương ứng phó với bão số 2.

Không riêng HTX Nông nghiệp Thượng Vỹ, người dân các địa phương của huyện Lý Nhân đang tích cực chuẩn bị  ứng phó với bão số 2 có khả năng ảnh hưởng trực tiếp vào địa bàn.

Anh Nguyễn Văn Đức, thôn 1, xã Nhân Chính trồng vườn quất cảnh rộng 1,2 mẫu, với 1.000 gốc. Cây quất hiện nay đang giai đoạn ra hoa và đậu quả, nếu bị gió giật sẽ gây đổ và thiệt hại rất lớn. Do vậy, khi nghe thông tin có bão anh Đức mượn thêm người dùng cọc tre chống đổ cho vườn quất.

Đối với các hộ nuôi cá lồng trên sông Hồng tại xã Phú Phúc đang triển khai các biện pháp thực hiện chống bão, lũ cho hệ thống lồng bè: Bổ sung cáp, dây néo, bỏ thêm mỏ neo giữ định vị và kiểm tra lại toàn bộ các mối hàn, nút buộc…

Anh Trần Văn Sản, có 40 lồng cá nuôi trên sông Hồng chia sẻ: Bão về rủi ro cho hệ thống lồng bè rất cao, có thể gây thiệt hại lớn, kể cả trôi lồng.  Do vậy khii nhận được tin báo bão,  gia đình tôi nhanh chóng  bổ sung thêm dây néo giữa các lồng, chão buộc kéo vào bờ và bổ sung thêm 2 mỏ neo định vị  hạn chế việc gió quật làm trôi lồng

Anh Nguyễn Văn Đức, thôn  1 Nhân Chính đang chống bão cho vườn quất cảnh.

Chiều ngày 3/7/2019, ngay sau họp triển khai công tác PCTT-TKCN, trời bắt đầu có mưa, xã Thanh Tân (Thanh Liêm) đã cho cán bộ, công chức nghỉ sớm hơn thường lệ 1 giờ đồng hồ để về chỉ đạo địa bàn phụ trách chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống mưa, bão.

Ông Đinh Văn Đoàn, Chủ tịch UBND xã Thanh Tân cho biết: UBND xã chỉ đạo Đài truyền thanh tăng thời lượng tuyên truyền Thông báo ứng phó với cơn bão số 2. Xã yêu cầu lực lượng chức năng duy trì nghiêm chế độ trực; các trường học, công sở thực hiên chằng chống nhà cửa, bảo vệ cơ sở vật chất xong trước 17 giờ ngày 3/7/2019. HTX và các thôn chuẩn bị sẵn sàng phương án tiêu úng bảo vệ lúa mới cấy, gieo sạ và hoa màu.

Đài truyền thanh xã Thanh Tân thông bão tới người dân chủ động phòng, chống bão số 2.

Chủ động phòng, chống bão số 2 Trạm bơm Nhâm Tràng mở cống tiêu từ 11 giờ đến 14 giờ ngày 3/7 và chuyển sang bơm tiêu nước đệm; Trạm Bơm Kinh Thanh mở cống tiêu từ 7 giờ 15 phút sáng đến 15 giờ chiều ngày 3/7, đồng thời duy trì trực 100% quân số, chờ có lệnh là vận hành máy bơm tiêu ngay.

Ông Đặng Ngọc Tuấn, Trạm trưởng Trạm bơm điện hệ Nhâm Tràng nói: Toàn bộ máy móc thiết bị được kiểm tra chu đáo, đảm bảo vận hành tốt. Tuy nhiên lo lắng nhất hiện nay của chúng tôi là khi mưa bão xảy ra tình trạng cây cối gãy đổ, bèo rác trên các sông tiêu, kênh tiêu gây ách tắc dòng chảy, nước chênh lệch giữa đầu nguồn và cuối nguồn lớn dẫn đến bơm không hết công suất.


Trạm bơm Nhâm Tràng bơm tiêu nước đệm phòng chống ngập úng do mưa bão số 2 có thể gây ra.

Được biết, khi nhận được thông tin áp thấp nhiệt đới trên biển đông, nhất là khi nhận được công điện của Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh, các địa phương và người dân chủ động triển khai biện pháp phòng chống bão; sẵn sàng tiêu úng bảo vệ lúa mùa, đặc biệt là lúa mới cấy và lúa gieo thẳng, những vùng trũng, vùng thấp có nguy cơ ngập sâu trong trường hợp mưa lớn kéo dài. Rút kinh nghiệm từ những đợt mưa, bão từng xảy ra trước đây, công tác PCTT-TKCN cần được quan tâm chỉ đạo, thực hiện với điều kiện tốt nhất, tránh tư tưởng chủ quan, lơ là “nước đến chân mới nhảy” nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do bão số 2 có thể gây ra.

Nhóm PV Kinh tế

Nhóm PV Kinh tế

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy