Bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy

Thực hiện Quyết định số 1435/QĐ-TTg ngày 18/8/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch thực hiện “Đề án tổng thể bảo vệ môi trường (BVMT) lưu vực sông Nhuệ, sông Đáy đến năm 2020”, thời gian qua, tỉnh Hà Nam đã có nhiều giải pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy.

Tuy nhiên, trước sức ép về chất thải, nước thải ở các khu đô thị, khu dân cư, khu công nghiệp khiến nguồn nước sông Nhuệ - sông Đáy vẫn chưa được cải thiện.

Kiểm tra kỹ thuật tại Trạm xử lý nước thải KCN Đồng Văn I (Duy Tiên). Ảnh: TL

Lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy có diện tích 7.665 km2, chiếm 10% diện tích toàn lưu vực sông Hồng, thuộc địa phận các tỉnh Hòa Bình, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình và thành phố Hà Nội. Tổng dân số các tỉnh, thành phố nằm trong lưu vực sông gần 12 triệu người, mật độ dân số trung bình khoảng 1.160 người/km2. Những năm qua, có hàng nghìn nguồn thải từ sản xuất công nghiệp, làng nghề, bệnh viện, sinh hoạt thải vào sông Nhuệ - sông Đáy, song hầu hết không qua xử lý hoặc xử lý chưa đạt quy chuẩn gây ô nhiễm nghiêm trọng nguồn nước sông.

Tại khu vực tỉnh Hà Nam, từ năm 2015 - 2016,  có 17 đợt ô nhiễm môi trường trên lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy. Sở Tài nguyên và Môi trường đã tiến hành lấy 116 mẫu nước trên 6 vị trí để phân tích, kết quả cho thấy: Đối với mẫu nước lấy trên sông Nhuệ tại cống Nhật Tựu và cống Ba Đa có nồng độ các chất dinh dưỡng và hữu cơ quá cao. Amoni dao động trong khoảng từ 4,2 - 17,6 mg/l, vượt giới hạn cho phép 42 - 176 lần. Chất lượng nước dưới đất trên địa bàn tỉnh cũng không bảo đảm, kết quả quan trắc ở tất cả 15 vị trí lấy mẫu cho thấy có từ 9 - 11 thông số/14 thông số phân tích vượt giới hạn cho phép, trong đó nổi bật là 2 chỉ tiêu Amoni vượt giới hạn từ 19 - 765 lần và Asen vượt cao nhất 4,2 lần. Chất lượng môi trường nước mặt tại khu vực các khu công nghiệp, cụm công nghiệp (KCN, CCN), cơ sở chăn nuôi đều có dấu hiệu ô nhiễm dinh dưỡng và các chất hữu cơ quá cao.

Tại Hà Nam, nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường do nước thải của các KCN, CCN, chất thải từ chăn nuôi, nước thải khu đô thị, khu dân cư… chưa được xử lý đúng quy chuẩn xả thải ra môi trường, thẩm thấu vào lòng đất. Cụ thể, trên địa bàn tỉnh có 17/18 CCN chưa được đầu tư hệ thống thu gom và xử lý rác thải, nước thải. Tại KCN Đồng Văn I, trung bình một ngày, Công ty cổ phần cấp nước Setfil Hà Nam cấp nước sản xuất, sinh hoạt cho hơn 60 khách hàng  với sản lượng từ 3.000 - 3.300m3. Nguồn nước xả thải được các cơ quan chuyên môn tính trên cơ sở nguồn nước cấp đầu vào cho các doanh nghiệp, trong đó ít nhất phải thu được 80% so với lượng nước sạch của các doanh sử dụng, số còn lại 20% có thể do tái sử dụng, chăm sóc cây cối, bốc hơi… Với cách tính toán này, trung bình một ngày, tại KCN Đồng Văn I phải thu được ít nhất 2.400 - 2.600m3 nước thải, trong khi đó nhiều năm qua Nhà máy xử lý nước thải ở KCN Đồng Văn I chỉ có công suất xử lý 1.000m3/ngày, còn lại khoảng 1.400 - 1.600m3 nước thải chảy đi đâu nếu không chảy ra môi trường tự nhiên?

Trước tình trạng ô nhiễm môi trường lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy quá trầm trọng, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Kế hoạch thực hiện "Đề án tổng thể bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy đến năm 2020''. Chính phủ xác định, xử lý ô nhiễm và BVMT lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy là vấn đề lớn, liên vùng, liên ngành, là nhiệm vụ của các tỉnh, thành phố trên lưu vực, đòi hỏi có sự chỉ đạo chặt chẽ và hỗ trợ đầu tư của Chính phủ, các bộ, ngành cũng như sự quyết tâm cao của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân toàn lưu vực.

BVMT sông Nhuệ - sông Đáy phải xuất phát từ quan điểm tổng thể, đồng bộ và thống nhất trên toàn lưu vực kết hợp chặt chẽ với việc bảo vệ trữ lượng nguồn nước và chất lượng nước của dòng sông. Ưu tiên thực hiện Đề án BVMT sông Nhuệ - sông Đáy trong sự lồng ghép, gắn kết chặt chẽ với các dự án, chương trình khác liên quan của các bộ, ngành và từng địa phương trên lưu vực. Các cơ sở sản xuất trên lưu vực xây dựng mới buộc phải áp dụng công nghệ sạch, thân thiện với môi trường và ít gây ô nhiễm. Đối với chất thải của các cơ sở sản xuất, KCN, khu chế xuất trên lưu vực phải được xử lý, bảo đảm tiêu chuẩn mới được xả thải ra môi trường. Các tỉnh cũng phải vào cuộc ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm như: đổ rác thải, phế liệu bừa bãi, lấn chiếm dòng sông nhằm ổn định dòng chảy phù hợp với quy luật tự nhiên và hệ thống công trình thủy lợi dọc hai bờ sông. Chủ động tăng cường kiểm soát nguồn thải của các nhà máy, xí nghiệp, làng nghề, cơ sở y tế, các cơ sở kinh doanh dịch vụ trên địa bàn. Thực hiện biện pháp cưỡng chế các cơ sở sản xuất, kinh doanh gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng mà không có biện pháp xử lý, giảm thiểu.

Trong 2 năm 2015 - 2016, tỉnh Hà Nam đã ban hành các chính sách liên quan đến công tác BVMT như: Quy định BVMT tỉnh Hà Nam; Quy hoạch tài nguyên nước đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; Kế hoạch hành động Quốc gia về quản lý chất lượng không khí trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; xây dựng Đề án tổng thể giảm thiểu ô nhiễm môi trường khu vực phía Tây sông Đáy; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp có nguồn xả thải nguy hại, gây ô nhiễm môi trường. Các năm 2017 - 2018, UBND tỉnh chỉ đạo các cấp, ngành tăng cường công tác truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng về BVMT lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy; thu gom xử lý rác thải sinh hoạt đô thị, nông thôn, các KCN và làng nghề; tăng cường giám sát chất lượng nước mặt lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy; khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường tại các làng nghề bị ô nhiễm; kiên quyết xử lý các doanh nghiệp, cơ sở xả thải không đúng quy định… góp phần cùng với các tỉnh cải thiện môi trường lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy.

Trần Hữu

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy