Bao giờ hoàn thành việc xóa bỏ cầu cảng tự phát?

Theo chỉ đạo của UBND tỉnh, đến ngày 31/12/2015, tất cả các cầu cảng hoạt động trái phép trên các tuyến sông phải chấm dứt hoạt động. Tuy nhiên, đến nay dọc tuyến sông Đáy vẫn còn hàng chục cầu cảng tự phát ngang nhiên hoạt động. Vậy nguyên nhân do đâu? Và bao giờ các địa phương mới hoàn thành việc xóa bỏ các cầu cảng tự phát theo chỉ đạo của tỉnh?

Cầu cảng tự phát vẫn ngang nhiên hoạt động trên sông Đáy.

Theo tổng hợp của Sở Tài nguyên và Môi trường, vào thời gian cao điểm dọc tuyến sông Đáy có 67 cầu cảng tự phát tập trung ở các xã: Thanh Nghị, Thanh Tân, Thanh Thủy, Thanh Hải, thị trấn Kiện Khê (Thanh Liêm); Thanh Sơn, Thi Sơn, Tượng Lĩnh, Tân Sơn, Liên Sơn (Kim Bảng). Việc hình thành các cầu cảng tự phát nhằm phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp khai thác, chế biến đá. Tuy nhiên, do xây dựng tạm, mỗi lần xe đổ vật liệu xây dựng xuống tàu bụi bay mù mịt gây ô nhiễm môi trường; vật liệu xây dựng rơi vãi xuống lòng sông làm cản trở dòng chảy; vi phạm hành lang an toàn giao thông đường thủy.

Khắc phục tình trạng trên, UBND tỉnh đã quy hoạch xây dựng các cảng dùng chung phục vụ nhu cầu vận chuyển vật liệu xây dựng và trung chuyển hàng hóa của nhân dân. Nguyên tắc quy hoạch: Căn cứ vào quy hoạch vùng,  quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh để nghiên cứu sắp xếp, bố trí vị trí đầu tư xây dựng các cảng dùng chung và các cảng chuyên dùng một cách hợp lý, thuận lợi nhất để vận chuyển hàng hóa ra cảng. Trên sông Hồng, quy hoạch các cảng phục vụ các tuyến vận tải sông pha biển, bốc xếp container, các loại hàng hóa có trọng tải lớn, hàng hóa xuất nhập khẩu. Trên sông Đáy, quy hoạch các cảng phục vụ các loại xà lan, tàu thuyền dùng để chuyên chở vật liệu xây dựng, xi măng, xăng dầu, than. Không bố trí cảng gần vị trí Cụm Công nghiệp Kiện Khê để bảo đảm môi trường tại khu vực này. Đồng thời, UBND tỉnh đã giao đất cho Công ty TNHH Sơn Hữu, Công ty cổ phần Nam Hà, Công ty TNHH Hữu Trí… xây dựng cầu cảng tập trung ven sông Đáy và chỉ đạo huyện Thanh Liêm nhanh chóng tháo dỡ tất cả các cầu cảng trái phép. Tuy nhiên, cho đến nay toàn tỉnh còn hàng chục cầu cảng tự phát ở khu vực sông Đáy vẫn đang hoạt động.

Theo nhiều doanh nghiệp lý giải, xây dựng cầu cảng tập trung là cần thiết, song tiến độ xây dựng quá chậm nên để duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, các doanh nghiệp khai thác, chế biến đá vẫn phải dùng cầu cảng tự phát. Bởi thực tế hiện nay, phần lớn vật liệu xây dựng của các doanh nghiệp khai thác chế biến đá dọc sông Đáy (khu vực huyện Thanh Liêm) chủ yếu vận chuyển bằng đường thủy. Nếu như cầu cảng tập trung chưa xây dựng xong, mà đã phá bỏ cầu cảng tự phát thì các doanh nghiệp sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

 Ông Nguyễn Hữu Cường, Giám đốc Công ty cổ phần vật liệu xây dựng huyện Thanh Liêm phân tích: Trong các loại cước vận chuyển thì đường thủy có giá thấp nhất. Nhiều doanh nghiệp khai thác, chế biến đá cạnh tranh bằng giá cước vận chuyển vật liệu xây dựng. Đặc biệt, thời gian qua việc siết chặt quản lý tải trọng trên đường bộ, thì nhiều doanh nghiệp lại chọn đường thủy để vận chuyển hàng hóa. Trong lúc cảng dùng chung chưa xong, thì nhiều doanh nghiệp phải dùng cầu cảng tự phát mới duy trì được sản xuất, kinh doanh.

Ngoài các lý do trên, hiện nay một số doanh nghiệp thuê đất của UBND các xã để xây dựng cầu cảng, song chưa hết hợp đồng nên cố tình trây ỳ, không chịu tháo dỡ. Tại xã Thanh Thủy (Thanh Liêm), diện tích đất bãi ven sông Đáy cho các doanh nghiệp thuê để tận thu, bổ sung thêm vào nguồn ngân sách của địa phương có diện tích khoảng 10.000 m2 (tương đương với chiều dài ven sông khoảng 700 m). Đến ngày 31/12/2015, có 3 hợp đồng đã hết hạn, địa phương không cho thuê nữa, còn lại 12 hợp đồng từ năm 2016 đến năm 2018 mới hết hạn. Ngay sau khi có chỉ đạo của tỉnh và huyện, xã đã tổ chức tuyên truyền tới các doanh nghiệp và yêu cầu nghiêm túc thực hiện, song một số doanh nghiệp vẫn chưa tháo dỡ.

Về lâu dài, để bảo vệ môi trường, phát triển bền vững, UBND tỉnh chỉ đạo các doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ xây dựng cảng dùng chung. Hiện Công ty cổ phần Nam Hà đã xây dựng xong 9 điểm máng rót của cầu cảng tập trung và đang cho đổ bê tông đường ra vào. Ông Trương Văn Hiền, Giám đốc Công ty cho biết: Thiết kế cầu cảng tập trung phải bảo đảm các yếu tố: chiều cao, khoảng cách để không ảnh hưởng đến môi trường, dòng chảy của sông và quá trình ra vào của tàu thuyền cũng như ô tô ở trên bờ phải thuận tiện nên kéo dài tiến độ thi công. Đến nay, doanh nghiệp đã làm một vòm che, hệ thống xử lý môi trường của một máng và chờ các ngành chức năng duyệt mẫu, sau đó mới làm vòm các máng tiếp theo. Theo kế hoạch, công ty phấn đấu đến đầu năm 2018 sẽ hoàn thành và đưa hệ thống máng rót vào hoạt động.

Cũng như Công ty cổ phần Nam Hà, Công ty TNHH Sơn Hữu cũng đang tập trung xây dựng cầu cảng tập trung trên diện tích 5 ha, trong đó có cầu cảng tập trung và kho chứa hàng. Công ty đã thi công san lấp xong mặt bằng, đúc móng cọc và triển khai làm được 2 máng rót. Tuy nhiên, hiện nay doanh nghiệp cũng gặp khó khăn là trong khu vực đất của doanh nghiệp được cấp vẫn còn 2 cảng tự phát của doanh nghiệp khác chưa được tháo dỡ.

Trước tình trạng trên, ngày 26/5/2017 UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 766/QĐ - UBND về việc thành lập tổ công tác liên ngành kiểm tra, xử lý dứt điểm các cầu cảng, máng rót tự phát và đôn đốc triển khai xây dựng mới các cảng dùng chung trên sông Đáy. Với sự vào cuộc quyết liệt đó, hy vọng trong thời gian tới, những tồn tại trong việc xử lý các cầu cảng tự phát sớm được giải quyết, qua đó lập lại trật tự trong vận chuyển, bốc xếp vật liệu xây dựng, góp phần hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường do bụi đá ở khu vực Tây Đáy.

Trần Hữu

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy