Vì sao tăng trưởng tín dụng thấp?

So với cùng kỳ năm trước, 6 tháng đầu năm 2017 lãi suất cho vay vẫn ở mức thấp, song tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng thương mại (NHTM) trên địa bàn tỉnh chỉ đạt mức 5,07% so với đầu năm. Vậy nguyên nhân do đâu?

Theo tổng hợp của Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh đến thời điểm này, dư nợ cho vay của các tổ chức tín dụng trên địa bàn đạt hơn 23 nghìn tỷ đồng, tăng 5,07% so với đầu năm. Nếu như so với những năm trước, trong 6 tháng đầu năm nay tín dụng tăng trưởng ở mức độ thấp mặc dù lãi suất cho vay tiếp tục được điều chỉnh giảm, tỷ trọng dư nợ với mức lãi suất trên 13% đạt mức thấp nhất trong những năm gần đây (chiếm 0,23%), tạo thuận lợi cho khách hàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng. Hơn nữa, trong điều kiện kinh doanh hiện nay nhiều NHTM không bị khống chế về mức tăng trưởng tín dụng, song lại gặp khó khăn khi giải ngân vốn.

Giao dịch tại Agribank Chi nhánh huyện Duy Tiên.

Theo đánh giá của các NHTM, tín dụng tăng trưởng thấp do kinh tế phục hồi còn chậm, nhiều doanh nghiệp vẫn hoạt động cầm chừng, chưa dám mở rộng đầu tư sản xuất, kinh doanh. Một số doanh nghiệp có đủ điều kiện để vay vốn, có uy tín trên địa bàn, được ngân hàng thường xuyên chào mời, song lại không có nhu cầu vay vốn. Đối với lĩnh vực nông nghiệp, giá lợn hơi tụt dốc "thảm hại" nên bà con nông dân không dám mở rộng chuồng trại chăn nuôi, thậm chí phải giảm đàn.

Ông Trần Sỹ Trương, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) Lý Nhân cho biết: So sánh nguồn vốn huy động và giải ngân thì ngân hàng luôn dư thừa khoảng 300 tỷ đồng phải chuyển về hệ thống. Tăng trưởng tín dụng chậm một phần do các hộ chăn nuôi thua lỗ, phần khác còn do nhiều doanh nghiệp chưa dám mở rộng sản xuất kinh doanh, thị trường bất động sản trầm lắng, dịch vụ thương mại không sôi động.

Cùng quan điểm với ông Trương, ông Nguyễn Hữu Mạnh, Giám đốc Chi nhánh Agribank Bình Lục phân tích: 6 tháng đầu năm 2016, tăng trưởng của chi nhánh đạt tới 16 - 18%, nhưng trong năm nay rất thấp. Gần 50% nguồn vốn tín dụng (tương đương hơn 500 tỷ đồng) của chi nhánh đầu tư cho bà con vay phát triển chăn nuôi, trong thời điểm này phải cơ cấu lại nợ để tháo gỡ khó khăn cho nông dân. Qua khảo sát của chi nhánh, hàng nghìn hộ chăn nuôi ở Bình Lục bị thua lỗ, trong đó có những hộ thua lỗ 3 tỷ đồng, phải giảm đàn từ 1.400 con xuống còn 700 con. Khó khăn nhất vẫn là những hộ mới chăn nuôi, lãi được 1 lứa song lỗ tới 2 - 3 lứa, toàn bộ nguồn vốn của gia đình và ngân hàng đổ hết vào chuồng trại, hiện đã đến kỳ trả nợ nhưng không xoay được vốn. Chi nhánh Agribank Bình Lục mong muốn Nhà nước có cơ chế hỗ trợ lãi suất tiền vay, để phần nào tháo gỡ khó khăn cho người chăn nuôi lợn. Về phía chi nhánh cũng đã có phương án cơ cấu lại nợ cho các hộ chăn nuôi.

Theo tổng hợp của Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh: Dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn ước đến 31/5/2017 giảm 4,98% so với đầu năm. Tỷ trọng dư nợ ngành chăn nuôi lợn chiếm khá cao (đến 31/5/2017 là 2.253 tỷ đồng, chiếm 9,76%/tổng dư nợ) trong khi đầu ra sản phẩm đang gặp nhiều khó khăn. Hiện nay, nợ xấu lĩnh vực này đang ở mức thấp (chiếm 0,22%/dư nợ cho vay chăn nuôi lợn) nhưng dự báo trong thời gian tới có thể sẽ tăng cao.

Mặc dù tăng trưởng tín dụng thấp song các chương trình giải ngân vốn theo Nghị quyết chuyên đề của Tỉnh ủy vẫn duy trì và có những lĩnh vực đạt khá. Cụ thể, cho vay phát triển công nghiệp doanh số lũy kế từ đầu năm đến nay đạt 3.598 tỷ đồng. Dư nợ cho vay ngành công nghiệp hỗ trợ, chế biến, chế tạo đạt 5.265 tỷ đồng, giảm 9,75% so với đầu năm, với 1.821 khách hàng còn dư nợ; trong đó, dư nợ cho vay tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp đạt 1.355 tỷ đồng, chiếm 25,74%, với 154 khách hàng còn dư nợ. Cho vay  phát triển nông nghiệp doanh số lũy kế từ đầu năm đến nay đạt 2.343 tỷ đồng. Dư nợ cho vay ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 5.053 tỷ đồng, tăng 6,4% so với đầu năm, với 30.531 khách hàng còn dư nợ. Cho vay phát triển thương mại - dịch vụ doanh số lũy kế từ đầu năm đạt 3.559 tỷ đồng. Dư nợ cho vay lĩnh vực thương mại - dịch vụ đạt 6.341 tỷ đồng, tăng 21,73% so với đầu năm, với 15.424 khách hàng còn dư nợ.

Ngoài ra, thực hiện Đề án phát triển chăn nuôi bò sữa, dư nợ cho vay đạt 39 tỷ đồng, giảm 1,27% so với cuối năm 2016, với 109 khách hàng còn dư nợ. doanh số cho vay lũy kế 6 tháng đầu năm đạt 3,87 tỷ đồng. Cho vay theo mô hình liên kết 4 nhà cung ứng thức ăn chăn nuôi dư nợ đạt 979 tỷ đồng, giảm 1,11% so với cuối năm 2016, với 6.357 khách hàng còn dư nợ, doanh số cho vay chăn nuôi lũy kế 6 tháng đầu năm đạt 225 tỷ đồng. Cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, doanh số lũy kế từ đầu chương trình là 71,27 tỷ đồng, hiện dư nợ đạt 54,88 tỷ đồng với 02 khách hàng còn dư nợ.

6 tháng cuối năm 2017, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh chỉ đạo các NHTM trên địa bàn bám sát chỉ đạo của hệ thống và của Ngân hàng Nhà nước, giải ngân vốn, điều chỉnh lãi suất cho vay phù hợp, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp, các hộ chăn nuôi trong tỉnh nhanh chóng phục hồi sản xuất, kinh doanh. Đây cũng là giải pháp để các NHTM tăng trưởng được nguồn vốn.

Trần Hữu

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy