Thu cân đối ngân sách của Hà Nam vượt kế hoạch đề ra

So với cùng kỳ năm 2016, thu ngân sách nhà nước (NSNN) 7 tháng đầu năm nay đạt khá, trong đó có nhiều khoản thu đạt cao. Đặc biệt, thu ngân sách từ sản xuất công nghiệp có chiều hướng tăng, khẳng định chủ trương đúng đắn của tỉnh - đẩy mạnh phát triển sản xuất kinh doanh, tạo nguồn thu bền vững cho NSNN.

Xác định công tác thu NSNN là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu nên UBND tỉnh đã sớm triển khai việc giao dự toán thu cho các cấp, các ngành, cơ quan thu và triển khai kịp thời, quyết liệt các giải pháp về thu NSNN theo Nghị quyết HĐND tỉnh cũng như chỉ tiêu phấn đấu của UBND tỉnh.

Cùng với đó, tỉnh thường xuyên quan tâm thực hiện các giải pháp nâng cao nguồn thu ngân sách như: Tổ chức đối thoại với doanh nghiệp, kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong sản xuất kinh doanh; chủ động rà soát các quy định của địa phương đối với doanh nghiệp chưa phù hợp với các quy định của pháp luật để bãi bỏ, bổ sung kịp thời. Đáng chú ý, tỉnh chỉ đạo thực hiện tốt cơ chế "một cửa" và "một cửa liên thông" trong giải quyết thủ tục hành chính về lĩnh vực thành lập doanh nghiệp, thuế, hải quan, đất đai, khoáng sản và một số lĩnh vực khác; thường xuyên rà soát để sửa đổi, bổ sung các quy định của tỉnh liên quan đến cải thiện môi trường kinh doanh và kiến nghị sửa đổi đối với một số luật liên quan trực tiếp đến các hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp.

Các doanh nghiệp có số nộp ngân sách lớn trên địa bàn tỉnh. (Biểu đồ: Trương Dũng)

Qua phân tích số thu và tiến độ thu NSNN từ đầu năm đến nay đạt khá cao so với dự toán giao và so với cùng kỳ. Tổng thu cân đối ngân sách từ kinh tế trên địa bàn 7 tháng đầu năm thực hiện được 3.711 tỷ đồng, đạt 67% dự toán HĐND tỉnh giao, trong đó các khoản thu nội địa để cân đối ngân sách 2.937 tỷ đồng. Một số khoản thu đạt cao như: thu từ thuế, phí, lệ phí đạt hơn 2.346 tỷ đồng; thu tiền sử dụng đất đạt hơn 477 tỷ đồng...

Đặc biệt, năm nay thu NSNN từ hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp có chiều hướng tăng cao so với những năm trước, do thị trường từng bước phục hồi, doanh nghiệp nhanh chóng nắm bắt cơ hội đẩy mạnh sản xuất kinh doanh. Số thu 7 tháng từ sản xuất kinh doanh ước thực hiện được hơn 1.742 tỷ đồng, tăng hơn 50% so với cùng kỳ năm 2016 và đạt hơn 50% dự toán HĐND tỉnh giao.

Riêng thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 67% dự toán HĐND tỉnh giao và bằng 217% so với cùng kỳ. Nhiều doanh nghiệp có số nộp ngân sách lớn như: Chi nhánh Công ty TNHH Honda Việt Nam tại Hà Nam nộp khoảng 400 tỷ đồng (đơn vị này phát sinh số nộp từ quyết toán năm tài chính 2016), Công ty cổ phần bia Sài Gòn - Phủ Lý nộp hơn 239 tỷ đồng; Chi nhánh xăng dầu Hà Nam nộp hơn 120 tỷ đồng, Công ty cổ phần Vicem Bút Sơn hơn 68 tỷ đồng...

Đóng góp vào tăng nguồn thu NSNN những tháng đầu năm nay có sự tác động của việc thu từ đấu giá quyền sử dụng đất và thu thuế bảo vệ môi trường. Thuế bảo vệ môi trường đạt gần 60% dự toán giao, do có thêm đơn vị đầu mối phát sinh và tác động từ chính sách của tỉnh khuyến khích các đơn vị bán lẻ lấy xăng dầu từ các đơn vị kinh doanh đầu mối trên địa bàn tỉnh.

Đối với khoản thu từ đấu giá quyền sử dụng đất đạt và vượt xa tiến độ là do các dự án đưa ra đấu giá thành công ở các huyện, thành phố, nhưng phát sinh tập trung nhiều và đột biến mạnh ở huyện Kim Bảng và Duy Tiên. Tại huyện Kim Bảng, trong 7 tháng đầu năm, thu từ đấu giá quyền sử dụng đất đạt gần 300 tỷ đồng và là huyện có số thu ngân sách cao nhất tỉnh từ đấu giá quyền sử dụng đất.

Ông Nguyễn Hùng Sơn, Trưởng phòng Tài chính huyện Kim Bảng cho biết: Các phòng, ban đã tham mưu với huyện chỉ đạo các xã, thị trấn làm tốt công tác tuyên truyền, nắm bắt nhu cầu sử dụng đất ở của nhân dân địa phương, chuẩn bị quỹ đất (từ chọn vị trí đến xây dựng cơ sở hạ tầng) và sớm hoàn thành các thủ tục đấu giá quyền sử dụng đất, góp phần nâng cao nguồn thu ngân sách.

Dây chuyền sản xuất bia của Công ty cổ phần bia Sài Gòn - Phủ Lý.

Đáng chú ý, năm nay, tại các huyện, thành phố được giao nhiệm vụ thu đều vượt so với dự toán giao: huyện Kim Bảng đạt 156%, huyện Duy Tiên 95%, huyện Lý Nhân 59%, huyện Thanh Liêm 57%, thành phố Phủ Lý 54% và huyện Bình Lục 53%. Ông Phạm Văn Tạo, Trưởng phòng Ngân sách, Sở Tài chính cho biết: Đạt được kết quả trên là do các cơ quan thu, ngành, địa phương đã làm tốt công tác phối hợp, triển khai quyết liệt, hiệu quả các biện pháp về tăng cường công tác quản lý thu, chống thất thu thuế; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng; chống chuyển giá, trốn thuế; kiểm soát chặt chẽ hoàn thuế giá trị gia tăng, tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, tập trung xử lý để giảm nợ đọng thuế. Việc chấp hành nghĩa vụ nộp thuế và thu khác của doanh nghiệp và người nộp thuế bảo đảm theo các quy định của pháp luật.

Thanh Bình

Thanh Bình

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.