Thị xã Duy Tiên đẩy mạnh thực hiện chương trình  'Mỗi xã một sản phẩm'

Thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) từ năm 2019 đến nay, thị xã Duy Tiên có 5 phường, xã: Tiên Ngoại, Trác Văn, Mộc Nam, Mộc Bắc, Hoàng Đông được UBND tỉnh công nhận OCOP với 13 sản phẩm. Các sản phẩm mới sau khi chuẩn hóa đã góp phần quan trọng trong xác lập vị trí nhiều mặt hàng nông sản của địa phương, nâng cao giá trị sản xuất, tăng thu nhập cho người dân.

Ngay từ đầu năm 2019, thị xã Duy Tiên đã tập trung đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, tập huấn về Chương trình OCOP cho cán bộ các ngành, đoàn thể các cấp; đồng thời, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân có sản phẩm tham gia Chương trình OCOP trên địa bàn. Hỗ trợ các cơ sở đầu tư máy móc, trang thiết bị và chuyển giao, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất, chế biến, thiết kế nhãn hiệu, mẫu mã, bao bì, đăng ký nhãn hiệu. Thị xã đã xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh và thành lập Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm tham gia Chương trình OCOP cấp thị xã, cấp tỉnh.

Đến nay, trên địa bàn thị xã có 6 đơn vị, cá nhân có sản phẩm được công nhận OCOP, với 11 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 4 sao và 2 sản phẩm 3 sao. Năm 2019, có 6 sản phẩm được công nhận 4 sao: khay tròn mây đan (Công ty TNHH mây tre xuất khẩu Ngọc Động); sữa tươi thanh trùng, sữa chua, sữa chua nếp cẩm của Công ty cổ phần Sữa Hà Nam (Hanamilk) xã Mộc Nam; sữa tươi thanh trùng, sữa chua của trang trại Mục Đồng, xã Trác Văn. Năm 2020 có 7 sản phẩm (5 sản phẩm 4 sao và 2 sản phẩm 3 sao). Các sản phẩm 4 sao: sữa tươi thanh trùng, sữa chua nếp cẩm (Công ty cổ phần Sữa và Giống bò sữa Mộc Bắc); kẹo sìu châu, ngô nếp tươi, sấu chua ngọt (Chi nhánh Công ty cổ phần Mai Chi) và 2 sản phẩm 3 sao: rượu Bèo Giang Lương (Tiên Ngoại); mứt táo xanh (Chi nhánh Công ty cổ phần Mai Chi). 

Thị xã Duy Tiên đẩy mạnh thực hiện chương trình  Mỗi xã một sản phẩm
Sản phẩm sữa Hanamik sau khi được công nhận OCOP đã mở rộng thị trường tiêu thụ. Ảnh: Hanamik cung cấp

Mặc dù, từ đầu năm 2020 đến nay do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nhưng các cơ sở sản xuất đạt chứng nhận OCOP ở thị xã vẫn hoạt động cơ bản ổn định. Nhiều sản phẩm hàng hóa có giá trị kinh tế cao của Công ty cổ phần Sữa Hà Nam, Công ty cổ phần Sữa và Giống bò sữa Mộc Bắc luôn đáp ứng đầy đủ số lượng cung cấp cho các cửa hàng, hệ thống siêu thị BigC, Lan Chi, Coopmart, Coopfood, Sevenfood ở trong và ngoài tỉnh. Năm 2020, sản lượng sữa cung cấp ra thị trường của các doanh nghiệp đạt chứng nhận OCOP tăng hơn 30% so với năm 2019. Tại trang trại Mục Đồng, những năm gần đây sản phẩm sữa đã tạo được chỗ đứng vững chắc trên thị trường, doanh thu của trang trại đạt từ 8 – 10 tỷ đồng/năm và tạo việc làm ổn định cho 20 lao động với mức thu nhập bình quân 6 triệu đồng/người/tháng. Ngoài thị trường tiêu thụ trong tỉnh, sản phẩm sữa của trang trại Mục Đồng đã cung cấp thị trường TP Hà Nội và các tỉnh: Nghệ An, Đà Nẵng, Lào Cai. 

Bà Trần Thị Thanh Thoan, Giám đốc Công ty cổ phần Sữa Hà Nam cho biết: Thời gian qua, tại trang trại chăn nuôi chúng tôi cam kết thực hiện nghiêm túc “6 không”. Đó là không sử dụng cám công nghiệp, hoocmon tăng trưởng, thức ăn biến đổi gen, tồn dư kháng sinh, thuốc diệt cỏ trong quá trình canh tác, chất bảo quản và hương liệu. Hanamilk tự hào bởi các sản phẩm đều sản xuất từ nguyên liệu sữa tươi nguyên chất. Bên cạnh việc phục vụ thị trường Hà Nội, sản phẩm đã cung cấp cho 300 cửa hàng, siêu thị ở khắp các tỉnh từ miền Bắc đến miền Trung. Nhờ vậy, 2 năm (2019, 2020) trừ mọi chi phí bình quân mỗi năm doanh nghiệp lãi 2 tỷ đồng và giải quyết việc làm ổn định cho 23 lao động, với mức lương từ 5 – 17 triệu đồng/người/tháng. Hiện sản phẩm sữa các loại của Hanamilk vẫn đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng của khách hàng ở mọi thị trường.

Có thể nói, Chương trình OCOP ở Duy Tiên đã tác động mạnh đến hoạt động sản xuất, tiêu thụ sản phẩm của các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất. Các cơ sở luôn bám sát vào thị trường để sản xuất, nhất là gắn với cây, con chủ lực, ngành nghề truyền thống, đặc sản của địa phương. Điều này, không chỉ làm tăng giá trị cho người dân mà còn góp phần bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống từ các sản phẩm làng nghề thủ công mỹ nghệ.

Đồng chí Trịnh Thị Hằng, Phó Bí thư Thường trực Thị ủy Duy Tiên cho rằng: Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” ở Duy Tiên đã góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới và tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động. Nhờ đó, thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn, nhất là khu vực làng nghề và nâng cao năng lực sản xuất, mở rộng thị trường. Chương trình từng bước hình thành nền kinh tế “xanh” và vùng sản xuất nông sản sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại nhiều địa phương. Hiện, các sản phẩm đều có chất lượng tốt, hình thức, mẫu mã đẹp và có sức cạnh tranh cao. Việc gắn sao OCOP và tem truy xuất nguồn gốc, có bao bì, nhãn mác sản phẩm là minh chứng về chất lượng, tránh tình trạng hàng nhái, hàng giả. Điều này, không chỉ nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã trong sản xuất ra sản phẩm OCOP mà còn bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng. 

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Chương trình OCOP trên địa bàn thị xã Duy Tiên còn một số tồn tại, như: trong sản xuất và chế biến vẫn chủ yếu ở khâu sơ chế, đơn giản, nguồn nguyên liệu không ổn định, mang tính thời vụ. Mặt khác, bộ tiêu chí đánh giá sản phẩm tương đối cao, các chủ thể còn vướng ở khâu làm hồ sơ công nhận. Bên cạnh đó, một số chủ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình chưa quan tâm nhiều đến Chương trình OCOP. Cá biệt, có những trường hợp sản phẩm có thể đạt chứng nhận OCOP nhưng e ngại trong việc làm hồ sơ, thủ tục công nhận.

Song, theo định hướng phát triển Chương trình OCOP của thị xã, những sản phẩm đã được đánh giá, phân hạng sẽ tiếp tục nâng cấp và cải thiện công nghệ, quy trình kỹ thuật; mở rộng vùng nguyên liệu tại chỗ, tăng cường quản lý chất lượng, hoàn thiện bao bì, nhãn mác đáp ứng nhu cầu thị trường. Đẩy mạnh thực hiện Chương trình OCOP năm 2021, thị xã đã rà soát, lựa chọn sản phẩm tiềm năng gắn với lợi thế của địa phương, ưu tiên các ý tưởng sản phẩm mới, đặc biệt sản phẩm chế biến, sản phẩm truyền thống.  Năm 2021, thị xã Duy Tiên phấn đấu có thêm 16 ý tưởng sản phẩm được UBND tỉnh công nhận OCOP.

Phùng Thống

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.