Tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn cho hộ chăn nuôi lợn

Giá lợn hơi xuống thấp, hơn chục nghìn hộ nông dân trong tỉnh lâm vào cảnh khó khăn, trong đó có hàng nghìn hộ khó có thể trả nợ vốn vay ngân hàng theo đúng kỳ hạn.

Trong thời gian này, các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh tiến hành rà soát lại các hộ nuôi lợn, xác định từng khoản nợ và có phương án cơ cấu lại nợ, tạo điều kiện cho bà con duy trì chăn nuôi, chuyển đổi sản xuất để có cơ hội phục hồi kinh tế cho gia đình và trả nợ ngân hàng.

Hướng dẫn khách hàng làm thủ tục vay vốn tại Chi nhánh Agribank huyện Lý Nhân. Ảnh: Tân Xuân

Hàng nghìn tỷ đồng có nguy cơ nợ quá hạn

Đầu tư gần 4 tỷ đồng xây dựng chuồng trại để nuôi 200 con lợn nái, song không may cho gia đình ông Nguyễn Văn Nghĩa ở thôn Cát Lại, xã Bình Nghĩa (Bình Lục), khi đàn lợn nái bắt đầu sinh sản thì giá lợn hơi lại xuống thấp kỷ lục, dẫn tới giá lợn giống cũng xuống theo. Ông Nghĩa cho biết: Gia đình tôi vay 2 tỷ đồng của ngân hàng cộng với vốn của gia đình đầu tư xây dựng trang trại chăn nuôi lợn từ năm 2016. Khi lợn nái bắt đầu sinh sản thì giá lợn giống lại xuống quá thấp dẫn tới gia đình tôi gặp rất nhiều khó khăn. Toàn bộ vốn liếng của gia đình đã đổ vào trang trại lợn, nếu như bây giờ không được vay tiếp vốn đề duy trì đàn lợn thì gia đình tôi khó có thể thu hồi vốn và trả nợ ngân hàng theo đúng kỳ hạn.

Theo ông Nghĩa, giá lợn hơi xuống thấp, nhiều hộ gia đình bỏ đàn không nuôi nữa, vài ba tháng tới có thể giá lợn lại tăng. Tính vậy, lợn giống chưa xuất bán được, ông giữ lại để nuôi thành lợn thịt đến khi trưởng thành mới xuất bán. Chi phí riêng tiền thức ăn nuôi lợn thịt phải chiếm tới 40% giá thành, cộng với tiền nuôi 200 lợn nái nên gia đình ông tiếp tục cần một khoản vốn khoảng gần 1 tỷ đồng. Sau khi xem xét các khoản nợ, phương án đầu tư chăn nuôi, ông Nghĩa đã được Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) huyện Bình Lục cho vay thêm 500 triệu đồng nữa để đầu tư mua thức ăn cho đàn lợn.

Cũng như gia đình ông Nghĩa, hàng nghìn hộ dân nuôi lợn hiện nay gặp rất nhiều khó khăn khi đến kỳ trả nợ ngân hàng song không xoay được vốn. Theo tổng hợp của Chi nhánh Agribank huyện Bình Lục, tổng dư nợ của chi nhánh cho vay chăn nuôi lợn 570 tỷ đồng, với khoảng 4.000 hộ vay, trong đó hộ nhiều nhất dư nợ hơn 3 tỷ đồng, hộ ít cũng từ 50 - 100 triệu đồng. Đến nay, đã có 1.400 hộ đến kỳ phải trả nợ song không có tiền để trả ngân hàng.

Ông Nguyễn Hữu Mạnh, Giám đốc Chi nhánh Agribank huyện Bình Lục cho biết: Thực hiện chỉ đạo của ngân hàng cấp trên, chi nhánh đã đi khảo sát từng khách hàng, nắm rõ từng khoản nợ và xây dựng phương án cơ cấu lại các khoản vay và có giải pháp đề nghị Nhà nước hỗ trợ lãi suất, tạo điều kiện cho bà con hạn chế bỏ đàn lợn, chuyển đổi sản xuất, kinh doanh lĩnh vực khác để có điều kiện trả nợ. Qua khảo sát bước đầu cho thấy, hàng nghìn hộ chăn nuôi trong mấy lứa lợn vừa qua đều bị thua lỗ, trong đó có những hộ thua lỗ tới 3 tỷ đồng và phải giảm đàn từ 1.400 con xuống còn 700 con. Khó khăn nhất vẫn là những hộ mới chăn nuôi, lãi được 1 lứa song lỗ tới 2- 3 lứa, toàn bộ nguồn vốn của gia đình và ngân hàng đổ hết vào chuồng trại, bây giờ đến kỳ trả nợ không biết lấy đâu ra tiền. Chi nhánh Agribank Bình Lục đề nghị Nhà nước hỗ trợ 50 tỷ đồng tiền lãi suất cho bà con và chi nhánh cũng có phương án cơ cấu lại nợ cho các hộ chăn nuôi.

Theo thống kê dư nợ của các ngân hàng cho các hộ vay nuôi lợn gần 2.425 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là tiền cho nông dân vay đầu tư xây dựng chuồng trại, mua giống và cho các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi vay vốn kinh doanh.

Giải pháp hỗ trợ tín dụng cho người chăn nuôi lợn

Nếu như năm 2016, tổng đàn lợn trên địa bàn tỉnh đạt gần 720 nghìn con, tăng 60% so với cùng kỳ năm 2015, thì đến nay tổng đàn lợn chỉ còn trên 508 nghìn con, giảm 212 nghìn con. Từ tháng 10/2016, giá lợn hơi bắt đầu giảm mạnh, trong đó có thời điểm giảm xuống còn 14 - 16 nghìn đồng/kg (giảm 40 nghìn đồng/kg so với thời điểm giá cao nhất) làm cho các hộ dân nuôi lợn thua lỗ nặng. Theo tính toán của người chăn nuôi nếu như thịt lợn hơi giữ từ mức 30 - 32 nghìn đồng/kg, thì người chăn nuôi sẽ hòa vốn, còn giá tụt xuống từ 14- 16 nghìn đồng/kg, người chăn nuôi thua lỗ hơn một triệu đồng/con lợn, trọng lượng từ 1,2-1,6 tạ/con). Giá thịt lợn hơi xuống thấp đã khiến cho kinh tế của nhiều hộ nông dân nuôi lợn trong tỉnh khó khăn, trong đó khó khăn nhất vẫn là những hộ mới đầu tư nuôi lợn.

Anh Trần Tuấn Tú, xóm 3, xã Hòa Hậu (Lý Nhân) cho biết: Nhà tôi nuôi cả trăm con lợn, con nào con đấy cũng xấp xỉ tạ rưỡi, tạ sáu, mấy tháng trước người ta trả 28 nghìn đồng/kg tiếc rẻ không bán, giờ lợn hơi xuống dưới 20 nghìn đồng/kg, không bán được và cũng không dám cho lợn ăn cám công nghiệp. Hằng ngày, tôi chỉ bỏ ít ngô cho lợn ăn cầm cự chờ khi nào lợn hơi tăng vài giá nữa sẽ xuất chuồng. Theo tính toán của anh Tú, lứa lợn vừa qua anh đầu tư cả giống, cám (chưa tính khấu hao chuồng trại), nếu bán bây giờ được hơn 300 triệu đồng, lỗ khoảng 150 triệu đồng.

Giá thịt lợn xuống thấp, nhiều hộ chăn nuôi đã giảm đầu lợn. Ảnh: T.L

Cũng như gia đình anh Tú, hàng nghìn hộ nuôi lợn trên địa bàn tỉnh rơi vào hoàn cảnh khó khăn khi giá lợn hơi xuống thấp. Những hộ nuôi lợn có kinh nghiệm thì lấy lãi 5-6 lứa trước bù lại mấy lứa gần đây coi như hoà vốn, còn những hộ mới xây chuồng trại nuôi được 1- 2 lứa thì lỗ nặng, phải bỏ đàn, chấp nhận nợ ngân hàng. Theo tổng hợp của ngành nông nghiệp, đến nay toàn tỉnh có 3.255 hộ nuôi lợn đã bỏ trống chuồng.

Nhằm tháo gỡ khó khăn cho người chăn nuôi lợn, UBND tỉnh đề nghị Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh Hà Nam nắm chắc những món vay dư nợ của các ngân hàng thương mại đối với đầu tư cho vay nuôi lợn. Các món vay cho nuôi lợn từ quý IV/2016 đến hết quý III/2017 và nếu có phát sinh tiếp, các ngân hàng duy trì mức lãi suất 7%. Ngoài ra, các ngân hàng thương mại cũng cần tính toán, cơ cấu, đáo hạn vốn cho bà con nuôi lợn, tính toán thu vốn, lãi cho phù hợp.

Trong số các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh, Chi nhánh Agribank Hà Nam đầu tư cho lĩnh vực chăn nuôi lớn nhất. Ông Vũ Dương Quỳnh, Phó Giám đốc Chi nhánh Agribank Hà Nam cho biết: Đơn vị đã giải ngân vốn cho hơn 12.000 khách hàng vay nuôi lợn, với nguồn vốn dư nợ 1.456 tỷ đồng và cho 4 doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi vay 150 tỷ đồng. Khi giá lợn xuống thấp, chi nhánh đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc xuống trực tiếp làm việc với các hộ chăn nuôi, nắm toàn bộ nợ gốc, lãi suất và những khó khăn của bà con để có hướng tháo gỡ cho bà con. Quan điểm chỉ đạo của chi nhánh là tập trung thu nợ gốc trước, thu lãi sau và cơ cấu lại nợ cho những khách hàng thực sự khó khăn. Đến nay, chi nhánh đã cơ cấu lại nợ cho vay chăn nuôi hơn 34 tỷ đồng, bảo đảm cho các hộ chăn nuôi vẫn có thể duy trì nuôi lợn hoặc chuyển đổi sản xuất để có cơ hội trả cả gốc lẫn lãi.

Cùng với giải pháp hỗ trợ tín dụng cho người chăn nuôi lợn, UBND tỉnh chỉ đạo ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tập trung hướng dẫn người chăn nuôi quy trình chăm sóc, pha trộn thức ăn nuôi dưỡng đàn lợn hợp lý để hạ giá thành chăn nuôi ở mức thấp nhất. Các ngành chức năng tăng cường công tác quản lý thị trường, quản lý tốt giá cả, hỗ trợ bà con nông dân tiêu thụ sản phẩm.

Trần Hữu

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy