Tập trung tháo gỡ khó khăn về vốn cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid - 19

Ảnh hưởng của dịch Covid - 19, các ngân hàng thương mại (NHTM) trên địa bàn tỉnh đã chủ động tiếp cận, bám sát quá trình sản xuất, kinh doanh và xây dựng phương án cơ cấu các khoản nợ, tháo gỡ khó khăn về vốn vay cho doanh nghiệp.

Trong đợt dịch thứ 4 này, nhiều doanh nghiệp tiếp tục kiến nghị các ngân hàng cơ cấu lại thời gian trả nợ, giảm lãi suất và mở rộng nguồn vốn cho vay... để từng bước tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho người lao động. 

Tập trung tháo gỡ khó khăn về vốn cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid  19
Khách hàng giao dịch tại Chi nhánh Agribank thị xã Duy Tiên.

Trong đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 này nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh gặp khó khăn về sản xuất, kinh doanh. Khó khăn nhất vẫn là các doanh nghiệp chuyên kinh doanh vận tải, nhà hàng, khách sạn, xuất nhập khẩu hàng hóa. Cụ thể, Công ty cổ phần Vận tải ô tô Hà Nam, trong đợt dịch lần thứ 4 này đã phải cho khoảng 50% công nhân nghỉ việc; kinh doanh của doanh nghiệp cũng đang bị thua lỗ nặng.

Ông Bùi Tiến Hiệp, cán bộ Phòng Kế hoạch (Công ty cổ phần Vận tải ô tô Hà Nam) cho biết: Trong thời điểm chưa có dịch, công ty có 20 xe buýt các loại, một ngày chạy khoảng 40 chuyến Hà Nội – Phủ Lý. Khi dịch bùng phát, công ty phải cho hơn 10 xe nghỉ; một ngày số chuyến xe của doanh nghiệp cũng giảm 50%, trong khi số lượng hành khách đi lại rất ít, có chuyến chỉ 3 người, thậm chí có chuyến không có hành khách. Chúng tôi kiến nghị Nhà nước, các ngân hàng tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid – 19  bằng các hình thức cơ cấu lại thời gian trả nợ, miễn giảm lãi suất, hỗ trợ lao động bị thất nghiệp.  
Cũng như Công ty cổ phần Vận tải ô tô Hà Nam, trong thời gian này nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng gặp rất nhiều khó khăn trong sản xuất, kinh doanh do ảnh hưởng của dịch Covid – 19. Trước tình trạng này, các NHTM trên địa bàn tỉnh đã tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh. Cụ thể, tính từ khi có dịch Covid – 19 đến tháng 5 năm 2021, các NHTM đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ 1.284 tỷ đồng cho 364 khách hàng; miễn, giảm lãi và giữ nguyên nhóm, với dư nợ 7.593 tỷ đồng, trong đó số lãi được miễn giảm hơn 50 tỷ đồng cho 2.080 khách hàng. Ngoài ra, các NHTM còn cho 9.765 khách hàng vay doanh số vốn lũy kế từ 23/01/2020 đến nay đạt 24.366 tỷ đồng. 

Nhiều ngân hàng trên địa bàn tỉnh đã tích cực tháo gỡ khó khăn về vốn cho các doanh nghiệp, tiêu biểu như: Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) Hà Nam II. Đến thời điểm này, dư nợ của chi nhánh được khoảng hơn 5.400 tỷ đồng, trong đó có khoảng 15% nguồn vốn giải ngân cho doanh nghiệp vay đầu tư sản xuất, kinh doanh. Trong thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của hệ thống ngân hàng cấp trên, chi nhánh đã có nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid - 19.

Ông Nguyễn Thành Trung, Phó Giám đốc Chi nhánh Agribank Hà Nam II cho biết: Trước tình hình dịch bệnh Covid – 19 đang có diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến quá trình sản xuất của nhiều doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp kinh doanh các nhóm ngành nghề: nhà hàng, khách sạn, du lịch, dịch vụ vận tải, thương mại... sẽ bị gián đoạn trong sản xuất, kinh doanh. Để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, đơn vị chỉ đạo các chi nhánh trực thuộc bám sát quá trình hoạt động của khách hàng, nắm bắt kịp thời những khó khăn vướng mắc, xây dựng phương án cơ cấu lại thời gian trả nợ và có kế hoạch miễn giảm lãi suất cho khách hàng. Nhiều khách hàng sau khi được ngân hàng cơ cấu lại thời gian trả nợ, miễn giảm lãi suất đã nhanh chóng phục hồi sản xuất, tạo việc làm cho người lao động, bảo đảm khả năng trả nợ ngân hàng. 

Cũng giống như Chi nhánh Agribank Hà Nam II, Chi nhánh NHTM Cổ phần Công thương (Viettin Bank) Hà Nam, từ đầu năm 2020 đến nay cũng đã cơ cấu lại thời gian trả nợ hơn 100 tỷ đồng cho khách hàng, giảm lãi suất hàng chục tỷ đồng, trong đó khách hàng được giảm sâu nhất với mức lãi suất 1%/năm. Ông Trần Duy Vinh, Giám đốc Chi nhánh ViettinBank Hà Nam cho biết: Dư nợ của chi nhánh đến thời điểm này đạt hơn 14 nghìn tỷ đồng, trong đó phần lớn nguồn vốn giải ngân cho doanh nghiệp vay đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh. Để tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid - 19, chi nhánh thường xuyên nắm bắt thông tin, bám sát quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, kịp thời cơ cấu lại thời gian trả nợ, miễn giảm lãi suất, giữ nguyên lại nhóm nợ... cho nhiều khách hàng. 

Trong quý II và III/2021, Chi nhánh ViettinBank Hà Nam tiếp tục rà soát những khách hàng gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh, có giải pháp cơ cấu lại thời gian trả nợ, mở rộng nguồn vốn cho vay, miễn giảm lãi suất. Nhóm khách hàng mà chi nhánh ưu tiên hỗ trợ tín dụng đó là doanh nghiệp chuyên kinh doanh lữ hành, nhà hàng khách sạn, một số doanh nghiệp xuất nhập khẩu hàng hóa và các doanh nghiệp khác bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch bệnh.

Thực hiện chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thời gian tới Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh Hà Nam tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng: Tập trung nghiên cứu đề xuất các chương trình nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn và dịch vụ ngân hàng phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, thuận lợi hơn. Thường xuyên bám sát vào quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, chủ động xây dựng phương án tháo gỡ khó khăn về vốn cho khách hàng theo đúng quy định. Thiết lập đường dây nóng tiếp nhận thông tin từ các doanh nghiệp để xử lý kịp thời những khó khăn vướng mắc. Tích cực cải cách thủ tục hành chính khi giải ngân vốn và dịch vụ ngân hàng; đơn giản hóa quy trình, thủ tục, rút ngắn thời gian thẩm định cho vay nhưng vẫn bảo đảm an toàn vốn vay và phù hợp với quy định của pháp luật. 

Ngoài ra, các NHTM cũng cần thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng gặp khó khăn do dịch Covid-19; đưa ra những gói sản phẩm, chương trình giảm lãi suất, hỗ trợ doanh nghiệp; tiếp tục triển khai có hiệu quả các giải pháp mở rộng tín dụng đối với các lĩnh vực sản xuất kinh doanh. Trong đó, ưu tiên cho vay để duy trì và khôi phục các ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi dịch; kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; tăng cường thực hiện chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp để thường xuyên nắm bắt khó khăn vướng mắc từ phía khách hàng; xây dựng các phương án bảo đảm giao dịch và thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch Covid - 19.

Trần Thoan

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.