Tập trung phòng trừ sâu, bệnh cho lúa xuân

Hiện nay, đang là thời điểm quan trọng nhất, quyết định đến năng suất lúa xuân. Để phòng trừ sâu, bệnh hiệu quả, ngành chức năng đã triển khai các biện pháp phòng trừ sâu bệnh đến cơ sở, HTXDVNN; đồng thời, các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn kỹ thuật cho người dân...

Trên cánh đồng thôn Nha Tiến, xã Nhân Bình (Lý Nhân), chị Trần Thị Thơm cùng người dân trong thôn đang tập trung phun thuốc trừ bệnh khô vằn trên lúa xuân. Đây là một trong số ít vụ sản xuất chị Thơm phải trừ bệnh khô vằn trước không kết hợp với các bệnh khác như những vụ trước.

Được biết, qua việc đi thăm ruộng chị Thơm thấy bệnh khô vằn có chiều hướng phát triển mạnh đến ngưỡng phải phòng trừ theo khuyến cáo của cơ quan chuyên môn nên chị đã phun trừ ngay. Theo chị Thơm, bệnh khô vằn trên lúa vụ xuân năm nay nặng hơn vụ xuân trước. Cây lúa đang giai đoạn làm đòng cần phải phun trừ sớm nếu không sẽ ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển. Sau đợt này, khoảng hơn 10 ngày nữa thời điểm lúa bắt đầu trỗ bông sẽ tiếp tục phun phòng bệnh đạo ôn cổ bông, kết hợp với trừ sâu cuốn lá nhỏ, rầy.

Tập trung phòng trừ sâu bệnh cho lúa xuân
Chị Trần Thị Thơm, thôn Nha Tiến (Nhân Bình, Lý Nhân) phun trừ bệnh khô vằn cho diện tích lúa xuân của gia đình.

Cũng như chị Thơm, người dân xã Nhân Bình nói riêng và các địa phương trong tỉnh nói chung đang bước vào thời gian chính phòng trừ sâu bệnh cho lúa xuân. Với huyện Thanh Liêm, các đối tượng sâu, bệnh đang có chiều hướng gia tăng. Bệnh đạo ôn lá vẫn phát sinh trên các giống nhiễm đến giai đoạn trước trỗ (sau 10/5). Cùng với đó, một số đối tượng dịch hại khác đang gây hại rải rác, như: sâu cuốn lá nhỏ, rầy nâu – rầy lưng trắng, khô vằn… Nông dân trong huyện tập trung phun thuốc cho những diện tích lúa xuân bị nhiễm sâu, bệnh đến ngưỡng phòng trừ theo hướng dẫn. Đồng thời, theo dõi sát các đối tượng dịch hại khác, nhất là bệnh đạo ôn cổ bông phải phun phòng cho toàn bộ diện tích khi lúa trỗ.

Ông Lý Ngọc Hội, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp Thanh Liêm cho biết: Do tình hình sâu, bệnh diễn biến phức tạp, đơn vị đã  triển khai đến toàn bộ nhân viên bảo vệ thực vật cơ sở, HTXDVNN theo dõi, kiểm tra sát đồng ruộng. Từ đó, nắm bắt kịp thời quá trình sinh trưởng từng lứa sâu và các loại bệnh trên cây lúa để hướng dẫn nông dân phòng, trừ. 

Tại  huyện Kim Bảng, nơi lúa xuân gieo cấy sớm, công tác phòng trừ sâu, bệnh giai đoạn quan trọng nhất của mùa vụ đang được triển khai. Một số xã lúa xuân trỗ sớm trước ngày 5/5 đã tổ chức phun phòng bệnh đạo ôn cổ bông, với diện tích gần 2.000 ha. Bắt đầu bước vào giai đoạn lúa trỗ tập trung là thời điểm chính phun trừ bệnh đạo ôn cổ bông, HTXDVNN Lê Hồ đã chỉ đạo sát sao đến từng thôn, trên từng cánh đồng để lúa trỗ đến đâu phun phòng ngay đến đấy, kết hợp phun phòng trừ các đối tượng dịch hại khác khi đến ngưỡng. Được biết, trước ngày 30/4, Xã Lê Hồ đã có 15% diện tích cấy bằng các giống lúa lai trỗ sớm được phun phòng bệnh đạo ôn cổ bông.

Trao đổi về phòng trừ sâu, bệnh cho lúa xuân trên địa bàn, ông Nguyễn Văn Hùng, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp Kim Bảng cho biết: Đây là giai đoạn quyết định trong việc phòng trừ dịch hại để lúa xuân đạt năng suất cao. Do đó, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp đã tham mưu UBND huyện chỉ đạo các địa phương, HTXDVNN tập trung phòng trừ triệt để các đối tượng sâu, bệnh, không để phát sinh và gây hại trên diện rộng.

Theo Chi cục Trồng trọt, bảo vệ thực vật và kiểm lâm (Sở NN & PTNT), diễn biến sâu, bệnh giai đoạn chuẩn bị trỗ của lúa xuân khá phức tạp với nhiều đối tượng phát sinh và gây hại. Trong đó, đối tượng trọng tâm số 1 là bệnh đạo ôn cổ bông, khả năng phát sinh và gây hại mạnh trên lúa, đặc biệt là các giống nhiễm và những diện tích đã bị bệnh đạo ôn lá; bệnh khô vằn, vàng lá - lem lép hạt phát triển và gây hại trên diện rộng từ giai đoạn lúa đòng già trở đi, nhất là diện tích lúa xanh tốt, gieo cấy dày, có nơi tỷ lệ bệnh lên đến 80 – 100% số dảnh; sâu cuốn lá nhỏ lứa 2 có hiện tượng rải lứa, sâu non nở rộ từ ngày 30/4 đến ngày 7/5 gây hại cục bộ, mật độ sâu nơi cao 8 – 10 con/m2, cục bộ hơn 30 con/m2, ước diện tích lúa phải phòng trừ 1.000 ha; rầy nâu – rầy lưng trắng nở rộ từ ngày 30/4 đến ngày 10/5, mật độ rầy trung bình 400 – 600 con/m2, nơi cao 1.500 – 2.000 con/m2, cục bộ trên 3.000 con gây hại trên diện rộng…

Theo ông Nguyễn Hải Nam, Phó Chị cục trưởng phụ trách Chi cục Trồng trọt, bảo vệ thực vật và kiểm lâm (Sở NN & PTNT), lúa xuân năm nay bị tác động bởi thời tiết rét đậm, rét hại đầu vụ nên thời gian sinh trưởng chậm, trỗ khoảng 7 – 10 ngày. Điều này dẫn đến phát sinh sâu bệnh kéo dài gây khó khăn phòng trừ. Vì thế, công tác chỉ đạo phòng trừ sâu bệnh cho lúa của các địa phương, HTXDVNN cần bám sát theo từng cánh đồng, trà lúa.

Hiện nay, đang là thời điểm quan trọng nhất, quyết định đến năng suất lúa xuân. Để phòng trừ sâu, bệnh hiệu quả, ngành chức năng đã triển khai các biện pháp phòng trừ sâu bệnh đến cơ sở, HTXDVNN; đồng thời, các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn kỹ thuật cho người dân. Trong quá trình triển khai phòng trừ, cán bộ kỹ thuật chuyên ngành các cấp từ tỉnh đến huyện tăng cường bám sát đồng ruộng kiểm tra, đôn đốc và trực tiếp hướng dẫn nông dân phun thuốc bảo đảm đúng thuốc, đúng liều lượng, đúng kỹ thuật và đúng thời điểm để phòng trừ sâu bệnh trên lúa xuân triệt để và đạt hiệu quả cao nhất.

Mạnh Hùng

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy