Tăng cường các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường vùng tây Đáy

Thời gian qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng tăng cường chấn chỉnh hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản của các doanh nghiệp, nhằm bảo vệ môi trường khu vực tây Đáy. Tuy nhiên, sau nhiều năm triển khai thực hiện, đến nay môi trường ở khu vực tây Đáy vẫn chưa được cải thiện nhiều, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống dân sinh.

Ô nhiễm môi trường ở khu vực tây Đáy bao gồm nhiều nguồn phát thải khác nhau, như: Khói bụi của các nhà máy xi măng, bụi đá của các doanh nghiệp chế biến vật liệu xây dựng, bụi từ xe chở quá tải chạy rơi vãi vật liệu xây dựng trên đường, bụi từ xe đổ vật liệu xây dựng trên các cầu cảng tập trung. Ô nhiễm môi trường nhiều nhất vẫn tập trung ở các xã: Thanh Hải, Thanh Nghị, Thanh Tân, Thanh Thủy, thị trấn Kiện Khê (Thanh Liêm). 

Tăng cường các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường vùng tây Đáy
Ô nhiễm môi trường do khói bụi ở khu vực tây Đáy.

Để giảm thiểu ô nhiễm môi trường ở khu vực tây Đáy, nhiều năm qua UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng tăng cường kiểm soát chặt chẽ nguồn xả thải của những cơ sở khai thác, chế biến đá; kiên quyết xử lý, thậm chí đóng cửa mỏ đối với doanh nghiệp cố tình không thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường. Trong quá trình khai thác, chế biến đá, các doanh nghiệp phải đầu tư hệ thống phun sương, thực hiện nghiêm các quy định về bảo vệ môi trường và thường xuyên có sự giám sát của các cơ quan chức năng.

Đối với các nhà máy xi măng yêu cầu lắp đặt quan trắc tự động hệ thống xả thải, công khai chỉ số xả thải trước nhân dân. Lực lượng Cảnh sát giao thông, Thanh tra giao thông tăng cường xử lý xe quá tải, quá khổ. Ngoài các giải pháp trên, UBND tỉnh đã cho xóa bỏ phần lớn cầu cảng tự phát và chỉ đạo, tạo điều kiện để các doanh nghiệp nhanh chóng đưa cầu cảng mới vào hoạt động để giảm thiểu ô nhiễm môi trường vùng tây Đáy. Tuy nhiên, tình trạng ô nhiễm môi trường ở khu vực tây Đáy cũng không giảm nhiều, thậm chí có những vị trí ô nhiễm môi trường còn tăng lên. Vậy nguyên nhân do đâu? 
Qua tìm hiểu thực tế chúng tôi được biết, ý thức chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường và Luật Khoáng sản, Luật Giao thông đường bộ của hầu hết các doanh nghiệp, cơ sở khai thác đá chưa nghiêm túc. Cụ thể, nhiều doanh nghiệp có đầy đủ báo cáo đánh giá tác động môi trường, song khi triển khai sản xuất lại không nghiêm túc thực hiện. Theo lý giải của nhiều doanh nghiệp, nếu như dùng hệ thống phun nước trong khi nghiền đá hoặc phun nước khi đổ đá từ ô tô xuống tàu thuyền thì sẽ làm xấu đá, ảnh hưởng đến giá trị sản phẩm. Chính vì vậy, nhiều doanh nghiệp lắp đặt hệ thống phun sương, nhưng lại không thực hiện nghiêm túc.

Cũng tại khu vực tây Đáy, nhiều doanh nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản chưa làm tốt công tác phân loại, thu gom, quản lý và xử lý chất thải theo đúng quy định của pháp luật; chưa tiến hành đo giám sát môi trường đúng định kỳ, đúng tần suất, vị trí theo đúng quy định. Hơn nữa, tại khu vực tây Đáy, xe chở vật liệu xây dựng từ các mỏ đá ra máng rót thường xuyên quá tải, gây bụi trên diện rộng, trong khi đó việc kiểm soát của lực lượng chức năng trong khu vực này rất ít. Tình trạng gây ô nhiễm môi trường đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống dân sinh. 

Ông Nguyễn Văn Hùng ở xã Thanh Tân (Thanh Liêm) bức xúc nói: Bụi bay mù mịt, xe quá tải chạy rầm rầm không che phủ bạt; tiếng động của máy cẩu, máy nghiền đá gầm rú cả ngày lẫn đêm là tình trạng diễn ra nhiều năm ở khu vực tây Đáy. Trước đây người dân chúng tôi còn dám đi xe máy dọc tuyến đường phân lũ khu vực tây Đáy, nhưng hiện nay không ai dám vào. Nếu chỉ cần đi vài km bụi bẩn của xe tải, của máy nghiền đá phát tán sẽ bám trắng xóa. Nguy hiểm hơn, đi gần xe tải đất đá văng ra rất nguy hiểm. 

Cũng như ông Hùng, hàng nghìn hộ dân ở khu vực tây Đáy bức xúc về tình trạng ô nhiễm môi trường diễn ra nhiều năm qua song vẫn chưa được cải thiện. Ông Nguyễn Xuân Ảnh, Chủ tịch UBND xã Thanh Tân cho biết: Các lần tiếp xúc cử tri, hoặc nhân dân phản ánh trực tiếp, chính quyền xã đều kiến nghị các ngành chức năng có giải pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường vùng tây Đáy. Cùng với việc tiếp thu và đề nghị các ngành chức năng sớm vào cuộc giải quyết, hằng năm chính quyền xã vẫn thường xuyên đề nghị, yêu cầu các doanh nghiệp trên địa bàn quan tâm xử lý ô nhiễm môi trường trong quá trình sản xuất, hạn chế phát tán bụi ảnh hưởng đến đời sống dân sinh.  

Để giảm thiểu ô nhiễm môi trường vùng tây Đáy, chính quyền các xã, thị trấn trên địa bàn đề nghị các ngành chức năng cần quản lý chặt chẽ việc nổ mìn theo đúng quy định, kiên quyết xử lý những doanh nghiệp vi phạm thời gian nổ mìn, sử dụng thuốc nổ không đúng trọng lượng được cấp; thường xuyên rà soát những nội dung cam kết về bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp và yêu cầu các đơn vị thực hiện nghiêm túc; tổ chức kiểm tra, thanh tra môi trường, thanh tra hoạt động khai thác khoáng sản, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp, kiên quyết dừng hoạt động của các cơ sở vi phạm; xử lý nghiêm các phương tiện chở vật liệu xây dựng quá tải, không che phủ bạt, gây ô nhiễm môi trường. Đối với các cầu cảng tập trung, cần đánh giá hiệu quả, mức phát thải ô nhiễm để có giải pháp khắc phục. 

Trần Thoan

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.