Tăng cường bảo đảm vệ sinh môi trường tại các chợ

Vấn đề ô nhiễm môi trường tại các khu vực chợ đã và đang trở thành mối lo về mất vệ sinh an toàn thực phẩm, ảnh hưởng đến sức khỏe của cộng đồng.

Trong những năm qua, cùng với sự đầu tư, hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng thương mại, nhất là mạng lưới chợ, công tác vệ sinh môi trường tại các khu vực chợ cũng đã được quan tâm triển khai và đạt nhiều kết quả. Đặc biệt, từ ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, vấn đề này càng được chính quyền địa phương và ban quản lý (BQL) các chợ quan tâm nhằm bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng.

Tăng cường bảo đảm vệ sinh môi trường tại các chợ
Chợ Phường Trần Hưng Đạo, thành phố Phủ Lý thu hút khá đông người dân đến mua sắm.

Theo Sở Công thương, trên địa bàn tỉnh hiện có 110 chợ, trong đó có một chợ đầu mối, một chợ hạng 1 và ba chợ hạng 2, còn lại là chợ hạng 3. Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, trong những năm qua, hầu hết các chợ đều đã được cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất để hoàn thành tiêu chí về cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn. Mạng lưới chợ đang thu hút hàng nghìn hộ dân tham gia kinh doanh, buôn bán. Bên cạnh việc nâng cao chất lượng, đa dạng hóa các sản phẩm phục vụ tốt nhu cầu tiêu dùng của người dân, trong những năm gần đây, công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường chợ cũng được các cơ quan chức năng đánh giá là có nhiều chuyển biến tích cực. Phần lớn các chợ đã khắc phục được hạn chế về hệ thống xử lý nước thải. Rác thải trong chợ được thu gom, xử lý thường xuyên. Ý thức về giữ gìn vệ sinh môi trường của các tiểu thương và người dân khi tham gia mua bán tại các chợ cũng được nâng lên đáng kể... 

Tại các chợ tập trung số lượng lớn người tham gia kinh doanh, mua bán, như: chợ Bầu, chợ Phường Trần Hưng Đạo (thành phố Phủ Lý), chợ Thi Sơn (Kim Bảng), chợ Đồng Văn, Hòa Mạc (thị xã Duy Tiên), chợ Bình Mỹ (Bình Lục)..., công tác vệ sinh môi trường đã được chính quyền địa phương và BQL các chợ quan tâm triển khai hiệu quả với việc thuê dịch vụ thu gom, vận chuyển rác thải theo ngày; quy hoạch, bố trí các khu quầy hàng, ki ốt bán hàng hợp lý, bảo đảm về mật độ hộ kinh doanh; bố trí riêng biệt khu kinh doanh, buôn bán các mặt hàng tươi sống, phát sinh nhiều chất thải có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, phát tán dịch bệnh cao như: thủy, hải sản, gia cầm tươi sống... Đặc biệt, kể từ khi dịch bệnh Covid – 19 bùng phát, BQL các chợ đều tổ chức phun khử khuẩn định kỳ hằng ngày, hằng tuần toàn bộ các khu vực, gian hàng trong chợ, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, nhắc nhở người kinh doanh chú ý giữ gìn vệ sinh xung quanh quầy hàng của mình.

Chợ Phường Trần Hưng Đạo hiện có khoảng 250 hộ đang tham gia kinh doanh, buôn bán. Hằng ngày, chợ thu hút rất đông người dân trên địa bàn thành phố đến mua sắm. Dù chưa được xây dựng, cải tạo khang trang nhưng điều dễ dàng nhận thấy là toàn bộ các khu vực trong chợ đều khá sạch sẽ, không có rác thải ứ đọng sau mỗi buổi họp chợ. Nói về vấn đề này, ông Trần Nam Trung, Chủ tịch UBND Phường Trần Hưng Đạo cho biết: Bình quân mỗi ngày, chợ có đến trên 2 tấn rác thải các loại. Để bảo đảm vệ sinh môi trường tại khu vực chợ, UBND phường đã thuê hai người chuyên làm nhiệm vụ quét dọn, thu gom rác thải tập kết tại một điểm tập trung trong chợ. Đồng thời, ký hợp đồng với Công ty cổ phần Môi trường và Công trình đô thị Hà Nam thực hiện xử lý nước thải và vận chuyển rác thải 2 lần/ngày; chỉ đạo, nhắc nhở BQL chợ thường xuyên tuyên truyền, vận động các hộ kinh doanh, buôn bán trong chợ thực hiện tốt việc gìn giữ môi trường, phân loại rác thải tại nguồn, tạo thuận tiện cho việc thu gom, xử lý. Ngoài ra, UBND phường còn thuê dịch vụ phun thuốc khử trùng toàn bộ khu vực chợ, nạo vét cống rãnh từ 1-2 lần/quý. 

Qua tìm hiểu thực tế cho thấy, trong khi công tác vệ sinh môi trường tại các chợ trung tâm xã, phường, thị trấn đã và đang được quan tâm thực hiện khá hiệu quả thì tại một số chợ tạm, chợ cóc quy mô nhỏ ở các vùng nông thôn, tình trạng rác thải trong chợ vẫn chưa được xử lý triệt để do nhiều nguyên nhân, như: ý thức của người tham gia kinh doanh, mua bán còn hạn chế; chợ hình thành từ nhiều năm và chưa được nâng cấp, cải tạo nên hệ thống thoát nước chưa bảo đảm, nhất là vào mùa mưa; đội ngũ cán bộ quản lý chợ thiếu kiến thức, chưa được đào tạo nghiệp vụ nên công tác quản lý chợ còn hạn chế… Đơn cử như tại chợ Khê, xã Liêm Chung (thành phố Phủ Lý), tình trạng rác thải chất thành đống ngay tại trung tâm chợ vẫn tồn tại thời gian dài. Quan sát thấy, các loại hoa quả hỏng, đồ nhựa, bìa cát tông, túi nilon các loại… vương vãi khắp khu vực chợ. Theo phản ánh của một số tiểu thương tại chợ, vài năm về trước, khi môi trường chợ chưa ô nhiễm như bây giờ, lượng khách đến chợ ăn uống, mua bán khá đông. Thế nhưng, thời gian gần đây, nhiều người có tâm lý không yên tâm về an toàn thực phẩm khi đến chợ mua đồ, nhất là vào mùa mưa, nước dâng cao khiến cho rác thải nổi lềnh bềnh, bốc mùi hôi thối khó chịu. Trao đổi về vấn đề này, đồng chí Phạm Văn Hoành, Bí thư Đảng ủy xã Liêm Chung cho hay: Chợ Khê là một trong 2 chợ tạm trên địa bàn xã. Do quy mô nhỏ nên mỗi chợ chỉ thu hút trên 20 hộ dân buôn bán cố định với một số mặt hàng chính là thực phẩm tươi sống, rau củ, hoa quả, đồ gia dụng, quần áo… Những năm qua, xã giao cho các cá nhân đứng ra quản lý, thu phí chợ, thuê dịch vụ thu gom, dọn dẹp vệ sinh trong chợ. Tuy nhiên, do lượng rác thải ra khá lớn, trong khi phí chợ lại thấp, chỉ trên 100.000 đồng/hộ/năm nên công tác vệ sinh, vận chuyển rác thải chưa được thường xuyên, liên tục. Hiện, xã đã quy hoạch xây dựng mới chợ trung tâm xã, diện tích trên 3.000 m2 với hệ thống cơ sở hạ tầng, kỹ thuật bảo đảm, đáp ứng tốt nhu cầu mua bán hàng hóa của nhân dân.

Vấn đề ô nhiễm môi trường tại các khu vực chợ đã và đang trở thành mối lo về mất vệ sinh an toàn thực phẩm, ảnh hưởng đến sức khỏe của cộng đồng. Để khắc phục tình trạng này, bên cạnh công tác quản lý của chính quyền địa phương và ngành chức năng, người tham gia buôn bán, kinh doanh trong chợ cũng cần nâng cao hơn nữa ý thức, trách nhiệm trong việc gìn giữ, bảo vệ môi trường chung. Đặc biệt, các quầy bán hàng thực phẩm tươi sống và thực phẩm chế biến sẵn cần trang bị đầy đủ dụng cụ che chắn, bảo quản thực phẩm nhằm bảo đảm sự hài hòa giữa phát triển thương mại với bảo vệ môi trường, góp phần thúc đẩy hoạt động giao thương, mua bán theo hướng văn minh, hiện đại. 

Nguyễn Oanh

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy