Sản xuất công nghiệp thích ứng, phục hồi trong bối cảnh đại dịch Covid-19

Năm 2021 là năm thứ hai liên tiếp hoạt động sản xuất công nghiệp bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch Covid -19. Từ những bài học, kinh nghiệm đúc rút ở các đợt bùng phát dịch trong năm 2020, năm 2021, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự chung tay vào cuộc của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh đã nỗ lực vượt khó, linh hoạt thích ứng với điều kiện dịch bệnh để phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh.

Sản xuất công nghiệp thích ứng phục hồi trong bối cảnh đại dịch Covid19
Sản xuất linh kiện điện tử tại Công ty TNHH CU-Tech Việt Nam (KCN Hòa Mạc, Duy Tiên). Ảnh: Thanh Bình

Thực tế cho thấy, trong năm qua, dưới tác động trực tiếp của các “làn sóng” dịch Covid-19, cộng đồng DN trong tỉnh đã đối mặt với nhiều khó khăn do chuỗi cung ứng nguyên vật liệu và tiêu thụ sản phẩm bị gián đoạn, tồn kho nhiều, chi phí xuất khẩu và vận tải biển tăng, phát sinh chi phí xét nghiệm Covid-19 cho lái xe qua các chốt kiểm dịch. Bên cạnh đó, giá nguyên vật liệu đầu vào ở một số ngành tăng cao cũng tạo thêm nhiều áp lực cho DN, nhất là giá than, đất giàu sắt, thạch cao, phôi sắt thép, các loại ngũ cốc phục vụ sản xuất thức ăn chăn nuôi...

Song, với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, cộng đồng DN và nhân dân toàn tỉnh, tình hình dịch bệnh cơ bản được kiểm soát. Ngành công nghiệp đang dần lấy lại đà tăng trưởng, các DN nỗ lực đẩy mạnh sản xuất trong những tháng cuối năm 2021 để hoàn thành các đơn hàng cũ, tích cực tìm kiếm đối tác mới để tạo tiền đề thúc đẩy phát triển sản xuất trong năm 2022. 

Để thích ứng an toàn, linh hoạt, duy trì sản xuất, kinh doanh ổn định, năm 2021, Công ty cổ phần Casablanca Việt Nam, KCN Châu Sơn (TP Phủ Lý) chuyên sản xuất túi siêu thị xuất khẩu đã phải thay đổi kế hoạch sản xuất gắn với đẩy mạnh phòng, chống dịch Covid -19; đổi mới công nghệ, cải tiến các dây chuyền sản xuất; khuyến khích, phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật trong công nhân lao động để nâng cao năng suất, chất lượng, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường…

Ông Nguyễn Viết Thạo, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Casablanca Việt Nam cho biết: Năm 2021, nhờ làm tốt công tác phòng, chống dịch, công ty đã duy trì hoạt động thường xuyên, ổn định. Hết năm 2021, doanh thu, lợi nhuận của công ty cơ bản hoàn thành so với mục tiêu đề ra. Cùng với việc chủ động tìm các phương thức giao thương mới để mở rộng thị trường tiêu thụ, thời gian qua, công ty còn tăng cường tìm kiếm thêm đối tác mới tại thị trường truyền thống và cũng là thị trường tiềm năng của Casablanca Việt Nam là Mỹ. Điều này sẽ giúp Casablanca Việt Nam giữ vững tốc độ tăng trưởng trong năm 2022. 

Điều dễ nhận thấy là trong năm qua, các DN trong tỉnh đã chủ động ứng phó với diễn biến phức tạp của dịch Covid–19 bằng việc tổ chức triển khai thực hiện nhiều biện pháp, như áp dụng phương án sản xuất: “3 tại chỗ”, “1 cung đường, 2 điểm đến”; thường xuyên tổ chức xét nghiệm nhanh Covid -19 cho người lao động; thực hiện nghiêm khuyến cáo “5K” của Bộ Y tế…

Riêng đối với các KCN trên địa bàn tỉnh, cùng với sự chủ động ứng phó với dịch bệnh, các DN còn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ tích cực của Ban Quản lý (BQL) các KCN tỉnh trong việc tuyển dụng lao động, nhập cảnh chuyên gia, nhập khẩu nguyên liệu, máy móc, trang thiết bị, cải cách thủ tục hành chính… Bên cạnh đó, BQL các KCN tỉnh cũng chỉ đạo các đơn vị kinh doanh hạ tầng KCN nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ DN; phối hợp với Sở Y tế đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc-xin phòng Covid -19 cho người lao động; tham mưu UBND tỉnh giảm một số khoản phí, lệ phí, tiền thuê đất; giảm giá điện, giảm tiền điện… 

Ông Trần Văn Kiên, Trưởng BQL các KCN tỉnh cho biết: Năm 2021, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng hầu hết DN trong các KCN đều hoàn thành kế hoạch sản xuất, có đóng góp lớn cho ngân sách nhà nước, điển hình là các DN sản xuất xe máy, sữa, dây dẫn điện, điện tử… Giá trị sản xuất công nghiệp của DN trong các KCN năm 2021 ước đạt 129.000 tỷ đồng, tăng 22,9% so với năm 2020.

Theo Sở Công thương, năm 2021, giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh ước đạt 152.795 tỷ đồng, tăng 14%, đạt 101,3% kế hoạch năm; chỉ số sử dụng lao động ngành công nghiệp tăng 2,2%  và chỉ số sản xuất công nghiệp toàn tỉnh tăng 10,8% (so với năm 2020), đây được xem là mức tăng khá trong điều kiện tình hình bất ổn của đại dịch Covid-19. Hầu hết các sản phẩm công nghiệp chủ yếu của tỉnh trong năm 2021 đều tăng so với năm trước, nổi bật là: sản phẩm nhựa, dược mỹ phẩm, linh kiện phụ tùng ô tô, hàng may mặc, sản xuất xi măng, thức ăn chăn nuôi... 

Năm 2022, trong bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường với nhiều biến chủng mới lây lan nguy hiểm, dự báo vẫn còn tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế nói chung và các hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh nói riêng. Để đạt mục tiêu  năm 2022 giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh đạt 174.186 tỷ đồng (tăng 14% so với năm 2021), các ngành chức năng cần triển khai kịp thời chính sách hỗ trợ DN khôi phục sản xuất, kinh doanh; tích cực đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; nâng cao chất lượng các hoạt động hỗ trợ DN, trong đó quan tâm nâng cao chất lượng dịch vụ như: điện, nước, xử lý nước thải, tiêu thoát nước… nhằm đáp ứng yêu cầu của DN trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Nguyễn Oanh

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy