Quỹ Hỗ trợ nông dân giúp nhà nông làm giàu

Những năm qua, có hàng nghìn lượt hộ hội viên nông dân trên địa bàn tỉnh được vay vốn từ nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND) các cấp để phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao thu nhập. Đặc biệt, thông qua nguồn vốn này, tại các địa phương đã hình thành tổ hợp tác hay các nhóm hộ hợp tác liên kết với nhau trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, nâng cao giá trị sản xuất.

Nhờ được vốn vay từ Quỹ HTND, gia đình bà Trần Thị Thu, xóm 14, xã Phú Phúc (Lý Nhân) đầu tư trồng cây ăn quả mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Theo Hội Nông dân tỉnh, hiện nay, tổng dư nợ vốn vay của Quỹ HTND các cấp trên địa bàn tỉnh đạt trên 25,7 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ nguồn vốn của Trung ương Hội ủy thác là 11,8 tỷ đồng; nguồn vốn của tỉnh là 1,1 tỷ đồng; dư nợ nguồn vốn quỹ cấp huyện là trên 1,5 tỷ đồng; còn lại 11,3 tỷ đồng là dư nợ từ nguồn vốn Quỹ HTND cấp xã. Nguồn vốn của tỉnh và Trung ương đang triển khai 37 dự án cho gần 400 hộ vay để đầu tư các mô hình liên kết sản xuất, kinh doanh theo chuỗi giá trị trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản gắn với bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm, góp phần phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới. Ngoài ra, có trên 1.400 hội viên nông dân trong tỉnh đang được vay vốn từ Quỹ HTND cấp huyện và xã để phát triển sản xuất.

Với lãi suất thấp, tiến độ giải ngân nhanh, thủ tục đơn giản, nguồn vốn tín dụng từ Quỹ HTND ngày càng phát huy hiệu quả, có ý nghĩa thiết thực trong phát triển kinh tế hộ gia đình, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển các hình thức kinh tế tập thể ở nông thôn, tạo việc làm, thúc đẩy việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất nông nghiệp, nâng cao chất lượng và giá trị nông sản. Qũy cũng tạo điều kiện để hội nông dân các cấp đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, tập hợp nông dân thực hiện thắng lợi các chương trình phát triển kinh tế gắn với phát triển nông nghiệp tại địa phương.

Trên thực tế, nhiều dự án sau khi triển khai đã xây dựng được các mô hình tổ hợp tác sản xuất, kinh doanh, góp phần làm thay đổi nhận thức của người dân từ phương thức sản xuất nhỏ lẻ sang liên kết nhóm, đầu tư thâm canh, tăng năng suất, từng bước giải quyết hiệu quả đầu ra cho sản phẩm, tạo việc làm và thu nhập cho người dân. Điển hình  là các mô hình tổ hợp tác: chăn nuôi lợn nái sinh sản và lợn thịt theo hướng an toàn sinh học ở xã Bối Cầu (Bình Lục); chăn nuôi bò sinh sản ở xã Phú Phúc, phát triển nghề dệt vải ở xã Hòa Hậu (Lý Nhân); trồng và chăm sóc bưởi Diễn chất lượng cao ở xã Trác Văn (Duy Tiên); chăn nuôi lợn ở xã Đồng Hóa (Kim Bảng)... Bằng hình thức cho vay vốn sản xuất thông qua các dự án, kết hợp với xây dựng các mô hình theo đối tượng cây, con, Quỹ HTND các cấp đã giúp hàng nghìn lượt hộ hội viên nông dân trong tỉnh có điều kiện mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh.

Năm 2015, gia đình ông Chu Văn Nguyên, xóm 5 là một trong 10 hộ hội viên nông dân xã Đồng Hóa (Kim Bảng) tham gia dự án phát triển chăn nuôi lợn và được vay 50 triệu đồng từ Quỹ HTND Trung ương. Với nguồn vốn này, gia đình ông đã đầu tư mua thêm lợn giống, tăng quy mô đàn nuôi từ vài chục con lên trên 100 con mỗi lứa. Ông Nguyên phấn khởi cho biết: Năm 2015-2016, chăn nuôi lợn phát triển khá mạnh, thị trường, giá cả và đầu ra cho sản phẩm ổn định. Nguồn vốn Quỹ HTND đã hỗ trợ rất thiết thực, kịp thời cho gia đình tôi mở rộng chăn nuôi. Bên cạnh đó, các hộ tham gia dự án, các hộ chăn nuôi còn có dịp được trao đổi kinh nghiệm, hỗ trợ nhau về giống và đầu ra cho sản phẩm, đồng thời được hội nông dân các cấp quan tâm, chuyển giao kỹ thuật chăm sóc, phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi...

Cũng giống như gia đình ông Nguyên, từ một hộ khó khăn không có vốn đầu tư để mở rộng mô hình nuôi chim bồ câu, sáu năm trước bà Đinh Thị Hiến, xóm 10, xã Đồng Hóa (Kim Bảng) được Hội Nông dân xã xét cho vay 17 triệu đồng từ nguồn Quỹ HTND xã để mua thêm con giống. Hiện, gia đình bà đã nhân đàn chim bồ câu từ trên 50 cặp lên gần 200 cặp bố mẹ, từng bước nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống.

Theo ông Tạ Văn Trường, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đồng Hóa, năm 2015, với tổng nguồn vốn vay 500 triệu đồng từ Quỹ HTND Trung ương, 10 hộ dân tham gia dự án phát triển chăn nuôi lợn trên địa bàn xã đã có vốn để phát triển chăn nuôi, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nắm bắt được nhu cầu về vốn sản xuất của các hộ hội viên nông dân, những năm qua, Hội Nông dân xã cũng chú trọng xây dựng, phát triển nguồn Quỹ HTND xã. Hiện, nguồn quỹ này đang cho 7 hộ vay với số tiền 80 triệu đồng để phát triển kinh tế gia đình, trong đó, tập trung chủ yếu là phát triển chăn nuôi lợn, gà, chim bồ câu...

Còn tại huyện Thanh Liêm, từ nguồn vốn của Quỹ HTND huyện, năm 2014, gia đình anh Dương Văn Độ, tiểu khu Châu Giang, thị trấn Kiện Khê là một trong 3 hộ hội viên nông dân được vay 20 triệu đồng để phát triển kinh tế. Cộng với số tiền tiết kiệm của gia đình, anh Độ đã sửa lại chuồng trại, mua lợn, gà giống về nuôi. Kinh tế gia đình ngày càng phát triển, năm 2016, anh còn mở đại lý cung cấp phân bón trả sau cho bà con nông dân trên địa bàn. Mỗi năm, gia đình anh Độ bán ra thị trường trên dưới 40 tấn phân bón các loại, cho thu lãi hàng trăm triệu đồng từ chăn nuôi và bán phân bón.

Theo Hội Nông dân huyện Thanh Liêm, tổng dư nợ nguồn vốn Quỹ HTND các cấp trên địa bàn huyện hiện đạt xấp xỉ 2 tỷ đồng với 11 dự án đang được triển khai, tạo điều kiện cho gần 100 hộ hội viên được vay vốn. Hầu hết các hộ vay vốn để sản xuất đa canh, chăn nuôi lợn nái, lợn sinh sản, trồng nấm... với số tiền vay từ 5 triệu đồng/hộ (đối với nguồn quỹ cấp xã) và từ 20-30 triệu đồng/hộ, đối với nguồn vốn quỹ cấp huyện, tỉnh và trung ương, thời hạn cho vay từ 2-3 năm, tùy thuộc vào mục đích sử dụng vốn, đối tượng nuôi trồng... Quy trình cho vay, thu hồi vốn được bảo đảm, không có nợ quá hạn, các hộ vay đều sử dụng nguồn vốn đúng mục đích, phát huy được hiệu quả kinh tế.

Đánh giá về hiệu quả của Quỹ HTND, ông Nguyễn Văn Đạo, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết: Thời gian qua, các cấp hội nông dân trong tỉnh đã gắn kết việc cho vay vốn với các chương trình khác như khuyến nông, khuyến lâm, đào tạo nghề... để nâng cao hiệu quả đồng vốn. Bên cạnh việc hỗ trợ về vốn, hội nông dân các cấp còn phối hợp với các ngành tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho bà con nông dân, tạo điều kiện cho các hộ tham gia dự án từ Quỹ HTND đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm các mô hình sản xuất có hiệu quả trong và ngoài tỉnh để có thể áp dụng tại gia đình mình. Nhờ đó, tất cả các hộ đều sử dụng vốn vay đúng mục đích, hoàn trả vốn đúng kỳ hạn. Từ nguồn vốn này, nhiều hộ có thu nhập mỗi năm trên 100 triệu đồng, thoát nghèo bền vững và trở thành hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, nhu cầu vay vốn của hội viên nông dân hiện nay là rất lớn, trong khi nguồn Quỹ HTND các cấp còn hạn chế, mức cho vay thấp. Để nguồn quỹ này phát huy hiệu quả hơn nữa, các cấp, ngành cần quan tâm đầu tư ngân sách mở rộng nguồn vốn, đồng thời vận động hộ sản xuất, kinh doanh giỏi, doanh nghiệp trên địa bàn ủng hộ xây dựng quỹ nhằm huy động thêm nguồn vốn hỗ trợ nông dân đầu tư mở rộng sản xuất, tăng thu nhập, hướng đến phát triển bền vững.

Nguyễn Oanh

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy