Quản lý chặt chẽ hoạt động khuyến mại

Những năm gần đây, hoạt động khuyến mại của các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh diễn ra ngày càng thường xuyên hơn, nhất là từ sau tác động tiêu cực của đại dịch Covid - 19 đối với lĩnh vực dịch vụ, thương mại trong hơn một năm qua. Bên cạnh hiệu ứng kích cầu tiêu dùng, tăng doanh thu cho doanh nghiệp, công tác quản lý hoạt động khuyến mại cũng còn tồn tại nhiều bất cập, ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng, chất lượng hoạt động dịch vụ, thương mại.

Trong giai đoạn 2015-2020, bình quân mỗi năm Sở Công thương xác nhận đăng ký thực hiện cho khoảng 10 chương trình khuyến mại may rủi và tiếp nhận khoảng 6.000 thông báo khuyến mại thông thường của các doanh nghiệp có tổ chức hoạt động khuyến mại trên địa bàn tỉnh. Tổng giá trị hàng hóa dùng để khuyến mại và giá trị giải thưởng của các chương trình khuyến mại lên đến hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm.

Các chương trình khuyến mại được tổ chức bằng nhiều hình thức hấp dẫn để thu hút sự chú ý và tham gia mua sắm của khách hàng, như: giảm giá trực tiếp từ 10-50% tổng giá trị sản phẩm; mua hàng được tặng kèm thêm các món quà; mua nhiều hơn một sản phẩm sẽ được giảm giá từ 10-50% từ sản phẩm thứ hai; khách hàng tham dự bốc thăm trúng thưởng với giá trị quà thưởng lên tới hàng triệu đồng nếu đơn mua hàng có giá trị lớn; tặng sản phẩm mới ra mắt để khách hàng dùng thử; tích điểm cho khách hàng sau mỗi lần mua sắm để quy đổi điểm thành tiền và thanh toán cho lần mua hàng sau… 

Quản lý chặt chẽ hoạt động khuyến mại
Khách hàng mua sắm tại  Cửa hàng thời trang Yody (TP Phủ Lý).

Ông Lê Nguyên Ngọc, Giám đốc Sở Công thương khẳng định: Hoạt động khuyến mại đã góp phần nâng cao tổng mức doanh thu dịch vụ tiêu dùng toàn tỉnh hằng năm. Tính riêng trong năm 2020, Sở Công thương đã xác nhận đăng ký thực hiện khuyến mại cho 7 chương trình khuyến mại may rủi và tiếp nhận gần 6.300 thông báo khuyến mại của các doanh nghiệp có tổ chức hoạt động khuyến mại trên địa bàn tỉnh với tổng giá trị quà tặng, hàng hoá dùng để khuyến mại trên 1.000 tỷ đồng. Không chỉ có ý nghĩa về mặt kinh tế, hoạt động khuyến mại còn góp phần tuyên truyền hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Thông qua nhiều chương trình khuyến mại, người tiêu dùng đã có cơ hội sử dụng và đánh giá cao chất lượng hàng Việt hiện nay. 

Các quy định về các hình thức khuyến mại được quy định rất rõ tại Luật Thương mại 2005. Cụ thể, hoạt động khuyến mại phải bảo đảm các yêu cầu: Thương nhân phải thông báo về chương trình khuyến mại với Sở Công thương nơi tổ chức khuyến mại ít nhất 3 ngày trước khi thực hiện khuyến mại; hình thức khuyến mại mang tính may rủi (bốc thăm trúng thưởng, quay số trúng thưởng…) phải được đăng ký tại cơ quan Nhà nước có thẩm quyền; thời gian khuyến mại một loại nhãn hiệu hàng hóa, dịch vụ không quá 120 ngày/năm. Với hình thức giảm giá thì mức giảm giá tối đa của hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại không vượt quá 50% giá bán trước đó; thương nhân phải bảo đảm chất lượng hàng hóa áp dụng khuyến mại. Nếu các chương trình khuyến mại thực hiện đúng quy định sẽ mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp và khách hàng. 

Tuy nhiên, qua công tác kiểm tra, giám sát của Sở Công thương cho thấy, đã có không ít cửa hàng, cơ sở kinh doanh tự ý thực hiện khuyến mại, không thông qua cơ quan chức năng và sử dụng các chiêu trò để “móc túi” khách hàng, như: lợi dụng chương trình khuyến mại để đưa hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng gần hết hạn sử dụng vào tiêu thụ; tự ý nâng giá sản phẩm lên cao rồi thực hiện giảm giá nhằm đánh lừa tâm lý người tiêu dùng. Một số cửa hàng kinh doanh còn lợi dụng tâm lý muốn mua hàng giá rẻ của người dân để trà trộn sản phẩm cũ, hàng đã sản xuất từ nhiều năm, thậm chí là hàng đã qua sử dụng vào bán cùng với hàng mới…

Chị Trần Thị Kim, Phường Trần Hưng Đạo (thành phố Phủ Lý) chia sẻ: Mới đây, tôi vào một cửa hàng bán quần áo khá lớn trên Đường Lê Công Thanh (thành phố Phủ Lý) để tìm mua đồ vì thấy cửa hàng treo biển giảm giá 30-50% toàn bộ sản phẩm. Tôi mua được một chiếc áo sơ mi khá ưng ý với giá trị khuyến mại giảm 30%. Về nhà tôi phát hiện áo bị ố vàng một góc và qua một người quen cũng từng mua sản phẩm đó tại cửa hàng, tôi biết đó là hàng cũ mà cửa hàng đã bán cách đây 2 năm. Giá bán cũng đã được nâng lên 20% so với thời điểm đầu trước khi thực hiện mức giảm giá 30%. Như vậy, cửa hàng đã giải quyết được hàng cũ bị tồn mà lợi nhuận giảm không đáng kể. Các cửa hàng đều quy định sản phẩm khuyến mại không được đổi, trả hàng nên nếu người tiêu dùng không thông thái thì sẽ là người chịu thiệt. 

Được biết, theo quy định trước đây, việc thông báo khuyến mại phải gửi bằng văn bản đến cơ quan quản lý nhà nước chậm nhất là 7 ngày trước khi thực hiện khuyến mại. Hiện nay, theo Nghị định 81/2018/NĐ-CP ngày 22/5/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại 2005 về hoạt động xúc tiến thương mại, hồ sơ thông báo khuyến mại có thể được gửi theo đường bưu điện, chậm nhất 3 ngày trước khi thực hiện khuyến mại. Một số doanh nghiệp đã lợi dụng việc tạo điều kiện của Nhà nước để nộp hồ sơ cốt cho đúng thủ tục, không bảo đảm yêu cầu về thời gian theo quy định, thiếu Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, không có hình ảnh sản phẩm khuyến mại... Điều này đã khiến cho việc thẩm định, hướng dẫn doanh nghiệp hoàn thiện hồ sơ của cơ quan chức năng gặp khó khăn.

Ngoài ra, những vi phạm trên hình thức khuyến mại giảm giá cũng đang khiến các cơ quan chức năng khó kiểm soát vì hầu hết những nhà phân phối lớn như Siêu thị Lan Chi, Micom Plaza, Vinmart hay các siêu thị điện máy, trung tâm mua sắm tại các huyện, thành phố thực hiện giảm giá hàng nghìn sản phẩm với nhiều mẫu mã khác nhau trong cùng một thời điểm. 

Trước thực trạng những hành vi vi phạm trong hoạt động khuyến mại vẫn diễn ra khá phổ biến, thời gian tới, Sở Công thương sẽ tăng cường công tác theo dõi, giám sát hoạt động khuyến mại trên địa bàn; công khai địa chỉ thư điện tử tiếp nhận hồ sơ thông báo, đăng ký thực hiện khuyến mại để các doanh nghiệp tiện liên hệ. Thực hiện đăng tải thông báo đầy đủ thông tin về thời gian, hình thức khuyến mại, sản phẩm khuyến mại và số lượng sản phẩm cũng như những cam kết về chương trình khuyến mại của doanh nghiệp, tổ chức trên địa bàn. Qua đó, nhằm cung cấp thông tin khuyến mại rộng rãi đến người tiêu dùng và hỗ trợ doanh nghiệp tổ chức chương trình khuyến mại hiệu quả hơn. Đồng thời, phối hợp với Cục Quản lý thị trường, UBND các địa phương nơi diễn ra hoạt động khuyến mại tổ chức kiểm tra, kiểm soát về chất lượng, nhãn mác, xuất xứ hàng hóa khuyến mại…

Thiết nghĩ, để hoạt động khuyến mại đi vào nền nếp, bên cạnh việc siết chặt quản lý của các cơ quan chức năng, người tiêu dùng cũng cần tìm hiểu kỹ về chương trình khuyến mại, yêu cầu người bán hàng thực hiện nghiêm túc nội dung khuyến mại như đã cam kết, chủ động thông báo cho các cơ quan chức năng, Hội Bảo vệ người tiêu dùng tỉnh Hà Nam khi thấy dấu hiệu vi phạm, lừa đảo trong hoạt động khuyến mại… 

Nguyễn Oanh

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.