Phát huy hiệu quả chính sách tín dụng học sinh, sinh viên

Chính sách cho học sinh, sinh viên (HSSV) vay vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) để theo học tại các trường đại học, cao đẳng và dạy nghề đã giúp nhiều HSSV có hoàn cảnh khó khăn trang trải chi phí học tập, sinh hoạt. Tuy nhiên, không phải HSSV nào cũng ý thức được việc trả nợ ngân hàng sau khi ra trường.

Bà Phạm Thị Tuyết, xã Nhân Chính (Lý Nhân) đến giờ vẫn không thể tin được cả 4 người con của bà đều được học đại học và tìm được công việc tốt với mức lương mơ ước tại Hà Nội.

Bà Tuyết chia sẻ: Nhà đông con, mọi khoản chi tiêu chỉ trông vào mấy sào ruộng nên gia đình tôi nhiều năm liền thuộc diện hộ nghèo của xã. Trước đây, mỗi khi đi họp phụ huynh cho con, thấy các con học tốt tôi vừa mừng lại vừa lo. Lúc nào tôi cũng nghĩ không thể cho cả 4 đứa học đại học được bởi kinh tế gia đình quá khó khăn. Được các hội, đoàn thể của xã quan tâm, tín chấp cho vay vốn từ một số chương trình tín dụng dành cho hộ nghèo từ Phòng Giao dịch NHCSXH huyện, trong đó có chương trình cho vay HSSV, gia đình tôi đã lo được cho các con ăn học đến nơi đến chốn.

Nhân viên Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Thanh Liêm thông tin về chính sách vay vốn cho học sinh, sinh viên năm 2018 tại điểm giao dịch xã Thanh Tâm.

Tương tự, gói vay HSSV cũng là nguồn lực giúp em Phạm Thị Như Ý (xã Thi Sơn, Kim Bảng) thực hiện được ước mơ trở thành bác sĩ. Với số tiền vay trên 10 triệu đồng/năm, Ý đã có điều kiện mua máy tính, trang thiết bị phục vụ việc học tập, nghiên cứu.

Chia sẻ về niềm vui có con gái đang học năm thứ 3 tại Trường Đại học Y Hà Nội, bà Cao Thị Hay - mẹ của Ý phấn khởi nói: Nhờ có nguồn vốn vay ưu đãi mà tôi không phải chạy đôn chạy đáo vay mượn tiền để đóng học phí cho con hằng năm. Con gái thấy mẹ hay lo lắng đã thường xuyên động viên, an ủi để mẹ yên tâm. Con gái còn hứa với tôi rằng, sau khi ra trường đi làm sẽ lo trả nợ và giúp bố mẹ nuôi em út học lên đại học.

Rõ ràng, vốn vay ưu đãi đã giúp cánh cửa đại học rộng mở hơn với nhiều tân sinh viên. Tuy nhiên, không phải ai sau khi ra trường cũng tự vận động trả được nợ trước thời hạn như các con của bà Tuyết. Cũng không có nhiều bạn trẻ ý thức rõ trách nhiệm của bản thân khi vay vốn đi học như em Ý. Vì nhiều lý do, họ đã để lại khoản nợ không nhỏ cho bố mẹ… lo.

Năm 2011, bà P.T.T (xã Đinh Xá, TP. Phủ Lý) cũng đã vay vốn ưu đãi từ chương trình cho vay HSSV để cho cô con gái cả học đại học. Đến năm 2013, bà P.T.T tiếp tục vay cho cô con gái thứ 2 lên Hà Nội học. Thế nhưng, sau khi ra trường, các con bà đều chưa tìm được việc làm, sau đó lại kết hôn sớm, mải lo cho gia đình riêng mà quên đi khoản nợ cần trả. Bà P.T.T phải đi làm thuê, làm mướn khắp nơi để trả nợ số tiền xấp xỉ 90 triệu đồng từ gói tín dụng cho vay HSSV.

"Ngày làm hồ sơ vay vốn cho con đi học, tôi suy nghĩ đơn giản rằng, lãi suất cho vay thấp, cộng với thời gian trả kéo dài bằng số năm con đi học thì sau này khi ra trường, đi làm, các con sẽ trích một phần thu nhập từ tiền lương để trả dần cho ngân hàng. Cũng chỉ mất khoảng 3-4 năm là hết nợ. Thế nhưng, bây giờ tôi vẫn phải còng lưng đi làm, chắt chiu, tiết kiệm từng đồng để lo trả nợ cho các con…", bà P.T.T cho hay.

Qua tìm hiểu thực tế cho thấy, tại nhiều xã, thị trấn, niềm vui ngày con đậu đại học nhiều bao nhiêu thì nỗi buồn của cha mẹ khi con ra trường không có việc làm, kéo theo sự lo lắng về khoản nợ NHCSXH cũng lớn bấy nhiêu.

Nói về vấn đề này, bà Đinh Thị Nga, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Thi Sơn (Kim Bảng) cho biết: Đời sống của người dân trên địa bàn xã còn khá khó khăn. Để nuôi con học đại học, cao đẳng, nhiều hộ phải dựa vào nguồn vốn vay HSSV, nhất là đối với những hộ có đến 2, 3 con đi học cùng thời điểm. Trong số những trường hợp vay vốn sinh viên, nhiều bạn trẻ sau khi ra trường đã lo trả nợ đúng và sớm hơn so với thời hạn. Tuy nhiên cũng có bạn trẻ không quan tâm đến khoản nợ và coi đó là việc của bố mẹ.

Theo Chi nhánh NHCSXH tỉnh, từ thời điểm chuyển sang phương thức cho vay hộ gia đình, các chính sách cho vay HSSV tiếp tục có nhiều thay đổi về đối tượng vay, cũng như mức vay hằng tháng tăng liên tục, hỗ trợ ngày càng hiệu quả cho nhiều HSSV nghèo, khó khăn. Cụ thể, không chỉ có hộ nghèo mới được vay mà sinh viên thuộc gia đình có hoàn cảnh khó khăn cũng được vay vốn để đi học.

Cùng với đó, mức cho vay cũng được Chính phủ điều chỉnh nhiều lần để phù hợp với giá cả thị trường và mức học phí tại các trường với lãi suất ưu đãi chỉ tương đương với lãi suất cho vay hộ nghèo (0,55%/tháng). Hiện dư nợ cho vay vốn HSSV toàn tỉnh đạt trên 108 tỷ đồng với trên 4.500 hộ vay. Số tiền nợ quá hạn là trên 730 triệu đồng (chiếm 0,67%), cao hơn bình quân tỷ lệ nợ xấu của toàn tỉnh ở các chương trình. Nguyên nhân chính là do các tân cử nhân, tân kỹ sư chưa thực sự ý thức được nghĩa vụ trả nợ sau khi ra trường. Phần lớn là để bố mẹ tự vay, tự trả.

Không thể phủ nhận, nhờ chính sách tín dụng HSSV mà nhiều bạn trẻ có cơ hội được học tập trên các giảng đường đại học, cao đẳng. Thế nhưng, việc tích lũy để trả lại khoản tiền vay sau khi ra trường của nhiều tân sinh viên vẫn chưa thực hiện được. Để hạn chế thực trạng này, thiết nghĩ, các xã, thị trấn, nòng cốt là các hội, đoàn thể cần đẩy mạnh tuyên truyền tới các hộ vay vốn ngay tại điểm giao dịch, đặc biệt hướng tới đối tượng là các tân sinh viên về ý nghĩa cũng như trách nhiệm, nghĩa vụ phải trả nợ sau tốt nghiệp. Ngoài ra, cũng rất cần sự quan tâm, tạo điều kiện của các cấp, ngành trong việc bố trí, tạo việc làm cho sinh viên sau khi ra trường…

Hân Hân

Nguyễn Oanh

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.