Nhiều sản phẩm có lợi thế nhưng khó phát triển thành sản phẩm OCOP

Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (chương trình OCOP) là nhằm phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị. Trọng tâm của chương trình OCOP là phát triển các sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương. Tỉnh còn nhiều sản phẩm có lợi thế, nhưng không dễ để phát triển thành sản phẩm OCOP.

Trà ướp sen Trưởng An của cơ sở sản xuất Nguyễn Thanh, phường Duy Minh (thị xã Duy Tiên) từ lâu đã nổi tiếng về chất lượng và hương vị trà. Trà ướp sen Trưởng An được làm từ 2 loại nguyên liệu chính, trà và sen (gạo sen, nhụy sen). Anh Nguyễn Thanh, Chủ cơ sở sản xuất Trà ướp sen Trưởng An chia sẻ: Sản phẩm Trà ướp sen Trưởng An đã được đăng kí sở hữu trí tuệ từ nhiều năm trước, được đóng gói bao bì nhãn mác, được phân phối rộng rãi trên thị trường. Mới đây, Trà ướp sen Trưởng An được cấp mã QR để truy xuất nguồn gốc. Mỗi năm cơ sở cung cấp cho khách hàng khoảng 3 tấn sản phẩm.

Được đánh giá là nông sản chế biến chất lượng cao, nhưng Trà ướp sen Trưởng An khó phát triển thành sản phẩm OCOP, một phần là do nguồn nguyên liệu trà không được sản xuất tại địa phương. Mà được cơ sở Nguyễn Thanh chọn lọc và lấy từ tỉnh Hà Giang và Thái Nguyên. Trong suy nghĩ của nhiều người, nguồn gốc sản phẩm trà ướp sen chủ yếu là trà. Tuy nhiên, trên thực tế, giá trị gia tăng của trà được nâng cao hơn nhiều nhờ ướp sen. Một kg trà chất lượng tốt dùng làm nguyên liệu có giá khoảng 500 nghìn đồng, nhưng khi được ướp sen,  giá tăng lên gấp 2, gấp 3, thậm chí gấp 10 lần tùy thuộc vào độ đậm, nhạt của hương sen. Ví dụ, để làm ra một kg trà thượng hạng giá 5 triệu đồng, cần từ 2.000-3.000 bông sen bách diệp, tương đương với khoảng từ 2-3 triệu đồng nguyên liệu từ sen. Để bảo đảm nguồn nguyên liệu sen ướp trà, cơ sở Nguyễn Thanh đã hợp tác với nhiều hộ trồng sen trong vùng thu mua hoa sen hằng năm. 

Nhiều sản phẩm có lợi thế nhưng khó phát triển thành sản phẩm OCOP
Công đoạn lấy nhụy và gạo sen để ướp trà ở Cơ sở sản xuất Nguyễn Thanh trong mùa sen năm 2020.

Không chỉ có trà ướp sen, trên địa bàn thị xã Duy Tiên còn có nhiều sản phẩm lợi thế khác, bao gồm cả sản phẩm làng nghề, như: lụa Nha Xá, trống Đọi Tam, bồn rượu, bồn tắm gỗ sồi... Huyện Bình Lục cũng có sản phẩm sừng mỹ nghệ được sản xuất ở xã An Lão, hương thắp được sản xuất tại xã Vũ Bản... Ông Phạm Văn Thập, Trưởng phòng Kinh tế thị xã Duy Tiên chia sẻ: Một trong những nguyên nhân khiến cho sản phẩm có lợi thế chưa phát triển thành sản phẩm OCOP là bởi người sản xuất chưa chứng minh được nguồn gốc nguyên liệu làm sản phẩm. Phần lớn nguyên liệu ở làng nghề đều được lấy từ địa phương khác. Sẽ rất tiếc nếu như các sản phẩm có lợi thế mà chưa được cơ sở sản xuất  quan tâm đầu tư hoàn thiện theo yêu cầu để phát triển và công nhận là sản phẩm OCOP. 

Những sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP ở tỉnh ta trong 2 năm trở lại đây phần lớn được chế biến từ nông sản, như: sữa tươi, sữa chua, sấu chua ngọt, ngô nếp, kẹo Sìu Châu, miến chùm ngây, rượu, cá kho, chả cá, ruốc cá... thuộc nhóm hàng thực phẩm, đồ uống, chỉ một số ít sản phẩm từ làng nghề (bình rượu rồng phượng Phú Thỏa, khay tròn mây giang đan). 

Theo quy định, sản phẩm tham gia Chương trình OCOP phải chứng minh được nguồn gốc sản phẩm. Để chứng minh nguồn gốc sản phẩm, chủ cơ sở phải có giấy xác nhận, hợp đồng, hóa đơn... chứng minh việc mua bán nguyên vật liệu. Ngoài ra có hợp đồng, thỏa thuận liên kết, cam kết, xác nhận về phân phối sản phẩm, xuất khẩu sản phẩm, hoạt động xúc tiến thương mại, có bản sao tờ rơi, hình ảnh, phim, ghi âm... minh chứng về câu chuyện của sản phẩm. Đây là quá trình đòi hỏi cần sự đầu tư nhiều về thời gian và cẩn trọng trong từng khâu. Chính vì vậy, nhiều cơ sở sản xuất, nhất là cơ sở sản xuất quy mô nhỏ, hộ gia đình ngại hoặc không muốn làm để hoàn thiện hồ sơ đăng kí tham gia Chương trình OCOP.

Truy xuất nguồn gốc nguyên liệu có phải là trở ngại lớn nhất trong việc phát triển thành sản phẩm OCOP hay không? Chia sẻ với chúng tôi về những vấn đề có liên quan, ông Nguyễn Quang Nghiệp, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn (Sở NN&PTNT) khẳng định: Nguồn gốc sản phẩm chỉ được tối đa 3 điểm/100 điểm, tức là chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ trong thang điểm 100. Tuy nhiên, nếu không chứng minh được nguồn gốc sản phẩm thì rất khó có thể hoàn thiện hồ sơ đăng kí tham gia Chương trình OCOP.

Thực tế cho thấy, nhiều sản phẩm dù có lợi thế nhưng chưa được phát triển để công nhận thành sản phẩm OCOP còn do nhiều yếu tố khác. Vấn đề khó hiện nay chính là việc yêu cầu đối với cơ sở sản xuất tham gia Chương trình OCOP phải có đánh giá tác động môi trường/kế hoạch bảo vệ môi trường theo quy định hiện hành. Nếu không có đánh giá tác động môi trường thì không được tham gia chương trình chứ chưa nói đến được chấm điểm.

Cũng theo ông Nguyễn Quang Nghiệp, việc chấm điểm sản phẩm OCOP để được công nhận đạt 3 sao, hay 4 sao căn cứ vào số điểm sản phẩm đạt được ở các phần. Phần A: Các tiêu chí đánh giá sản phẩm và sức mạnh cộng đồng (35 điểm), gồm: Tổ chức sản xuất; phát triển sản phẩm; sức mạnh cộng đồng. Phần B: Các tiêu chí đánh giá về khả năng tiếp thị (25 điểm), gồm: Tiếp thị; câu chuyện về sản phẩm. Phần C: Các tiêu chí đánh giá về chất lượng sản phẩm (40 điểm), gồm: Chỉ tiêu cảm quan, dinh dưỡng, tính độc đáo của sản phẩm; tiêu chuẩn sản phẩm; khả năng xuất khẩu, phân phối tại thị trường quốc tế. Những sản phẩm của các doanh nghiệp có sự đầu tư bài bản hơn so với các cơ sở sản xuất nhỏ, nên đạt số điểm cao hơn. Muốn phát triển thành sản phẩm OCOP thì cơ sở sản xuất phải đáp ứng được yêu cầu theo quy định, không chỉ là chứng minh nguồn gốc sản phẩm mà còn có các yêu cầu khác.  

Qua tìm hiểu thực tế chúng tôi thấy, nhiều cơ sở chưa bảo đảm được nguồn hàng thường xuyên, sản lượng ổn định. Chưa kể, vì quy mô sản xuất của nhiều đơn vị còn nhỏ, đầu tư cho công nghệ còn thấp nên giá trị sản phẩm chưa thể đạt được thứ hạng cao trong Chương trình OCOP. Và cũng vì nhiều lý do khác nhau, nên sản phẩm dù rất độc đáo, đặc sắc, nhưng chưa thể tham gia vào Chương trình OCOP. Rõ ràng, có sản phẩm tiềm năng là lợi thế, nhưng để được công nhận là sản phẩm OCOP thì sự quan tâm, đầu tư của cơ sở sản xuất mới là yếu tố quyết định đến việc có phát triển thành sản phẩm OCOP hay không?

Bích Huệ

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.