Nhiều dịch vụ gặp khó do ảnh hưởng của dịch Covid-19

Số ca nhiễm Covid-19 tăng trở lại trên địa bàn tỉnh trong thời gian gần đây, nhất là trong tháng 4 đã tác động tiêu cực đến hoạt động kinh doanh nhiều mặt hàng hóa, dịch vụ. Trong đó, bị ảnh hưởng lớn nhất là các dịch vụ làm đẹp, lưu trú, ăn uống, du lịch, lữ hành…

Bình thường, vào những giờ tan tầm, ngày cuối tuần, hay dịp nghỉ lễ, Tết, cửa hàng chăm sóc da mặt và uốn tóc của chị Nguyễn Thu Hồng, Đường Lý Thái Tổ, Phường Lê Hồng Phong (thành phố Phủ Lý) rất đông khách. Tuy nhiên, trong những ngày vừa qua, lượng khách đến cửa hàng đã giảm đáng kể. Mỗi ngày, chỉ thưa thớt vài khách hàng đến để gội đầu, cắt tóc. Ngay cả trong dịp nghỉ lễ 30/4, 1/5 vừa qua, cửa hàng cũng thưa vắng khách.

Chị Hồng cho biết: Trước khi số ca nhiễm Covid-19 tăng trở lại trong những ngày gần đây, lượng khách đến chăm sóc da và uốn, nhuộm tóc tại cửa hàng rất đông. Thời điểm năm 2019 trở về trước, khi dịch bệnh chưa bùng phát, vào các dịp nghỉ lễ, Tết trong năm, ngoài nhân viên, tôi còn phải huy động cả người thân trong gia đình phụ giúp việc gội đầu, sấy tóc cho khách, thế mà nhiều hôm cửa hàng làm từ sáng sớm đến tối muộn vẫn không hết việc. Năm nay, số ca nhiễm lại tăng mạnh đúng vào dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 khiến khách hàng hạn chế đến cửa hàng làm đẹp vì sợ bị lây nhiễm bệnh, cửa hàng đã giảm đi nguồn thu lớn. Hiện, bình quân mỗi ngày cũng chỉ có vài khách đến cửa hàng yêu cầu được gội đầu nhanh.

Do dịch Covid-19 quay trở lại, trong tháng 4, không chỉ có dịch vụ làm đẹp, mà các loại hình dịch vụ khác cũng có doanh thu giảm so với tháng trước với mức giảm từ 0,6% đến trên 20%. Ông Phan Thanh Sơn, Trưởng phòng Quản lý thương mại, Sở Công thương cho biết: Số ca nhiễm Covid-19 trên cả nước tăng nhanh trong thời gian qua cũng là nguyên nhân gây tâm lý e ngại cho người dân trong việc di chuyển, đi du lịch, nghỉ dưỡng trong dịp lễ 30/4, 1/5. Điều này thể hiện rõ ở số lượng khách du lịch đến Hà Nam trong tháng 4 đạt thấp nhất từ đầu năm 2023 đến nay và chỉ bằng xấp xỉ 31% so với tháng 3; tổng doanh thu du lịch, lữ hành trong tháng 4 giảm trên 20%; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống giảm 0,6% so với tháng 3.

Nhiều dịch vụ gặp khó do ảnh hưởng của dịch Covid19
Khách hàng mua sắm hàng hóa thiết yếu tại siêu thị Vinmart, thành phố Phủ Lý. Ảnh: Hân Hân

Tháng 4 cũng là thời điểm học sinh các cấp trong toàn tỉnh tập trung ôn luyện để phục vụ các kỳ thi học sinh giỏi, thi hết năm học. Vì vậy, người dân đều hạn chế đi mua sắm những vật dụng, đồ dùng không thật sự thiết yếu, như hàng thời trang, đồ gia dụng, đồ trang trí, làm đẹp cho gia đình để hạn chế tiếp xúc với đông người, phòng dịch, bảo đảm sức khỏe cho các con học tập, thi cử. Ngoài ra, nhiều gia đình cũng lựa chọn phương thức mua sắm trực tuyến để tránh tiếp xúc. Theo đó, hoạt động của ngành bán lẻ cũng đang bị ảnh hưởng. Hầu hết các nhóm ngành bán lẻ, như gỗ và vật liệu xây dựng; hàng may mặc; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình; đá quý, kim loại quý và sản phẩm; vật phẩm văn hóa, giáo dục; xăng, dầu các loại… đều có doanh thu giảm từ 0,3%-10,7% so với tháng trước. Từ đó, kéo theo doanh thu ngành bán lẻ trên địa bàn tỉnh trong tháng 4 giảm 2,7% so với tháng 3.

Bà Lê Thị Mai, chủ cửa hàng Phương Mai - một trong những cơ sở bán lẻ có quy mô lớn và hàng hóa đa dạng nhất trên địa bàn thành phố Phủ Lý cho hay: Với việc kinh doanh đa dạng các mặt hàng tiêu dùng, như hàng thời trang, hóa mỹ phẩm, đồ gia dụng, đồ chơi trẻ em, cửa hàng thu hút hàng trăm lượt khách đến mua sắm mỗi ngày. Thế nhưng, trong các đợt dịch Covid-19 bùng phát và có diễn biến phức tạp, lượng khách đến cửa hàng đều sụt giảm. Khoảng một tháng nay, khách đến cửa hàng phần lớn là để mua hóa mỹ phẩm, đồ dùng thiết yếu cho gia đình, gồm nước giặt, dầu gội đầu, sữa tắm… Một số mặt hàng khác như quần áo, giày dép, kính, mỹ phẩm có doanh thu giảm so với những tháng trước. Trong dịp nghỉ lễ 30/4, người dân ít đi du lịch hơn so với mọi năm nên cửa hàng tiêu thụ chậm những sản phẩm phục vụ du lịch, như kính bơi, kính chống nắng, quần áo bơi, kem chống nắng, mũ các loại. 

Dịch Covid-19 quay trở lại và đang có những diễn biến phức tạp với số ca nhiễm bệnh tăng từ tháng 4 trở lại đây. Điều này khiến cho hoạt động thương mại, dịch vụ trên địa bàn tỉnh “nguội” hơn so với thời gian trước. Để bảo đảm duy trì ổn định hoạt động, các cơ sở, cửa hàng kinh doanh hàng hóa, dịch vụ cần tiếp tục nâng cao ý thức, trách nhiệm trong công tác phòng, chống dịch; hướng dẫn, nhắc nhở nhân viên, người dân, khách hàng sử dụng khẩu trang trong suốt quá trình tiếp xúc, sử dụng dịch vụ và mua sắm tại cửa hàng để hạn chế dịch bệnh lây lan trong cộng đồng.

Nguyễn Oanh

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy