Nâng mức cho vay ưu đãi đến 100 triệu đồng không phải bảo đảm tiền vay

Từ ngày 1/3/2019, một số đối tượng như: hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo được Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) cho vay tối đa 100 triệu đồng không phải bảo đảm tiền vay. Phóng viên (P.V) Báo Hà Nam đã có cuộc trao đổi với bà Lê Thị Kim Dung, Phó Giám đốc Chi nhánh NHCSXH tỉnh về chủ trương trên của Nhà nước.

P.V: Xin bà cho biết đối tượng, thời gian, lãi suất và mức vay vốn ưu đãi của hệ thống NHCSXH ?

Bà Lê Thị Kim Dung: Thực hiện sự chỉ đạo của Tổng Giám đốc NHCSXH Việt Nam về nâng mức cho vay và thời hạn cho vay tối đa với một số đối tượng từ 50 triệu đồng/hộ lên 100 triệu đồng/hộ, người vay không phải bảo đảm tiền vay bắt đầu được triển khai thực hiện từ ngày 1/3/2019. Trong đợt này, các đối tượng được thụ hưởng chính sách tín dụng ưu đãi là hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo tiếp tục được quan tâm cho vay vốn ưu đãi.

Lãi suất cho vay hiện được áp dụng đối với hộ nghèo là 6,6%/năm, hộ cận nghèo 7,92%/năm và hộ mới thoát nghèo là 8,25%/năm. Trong đó, chương trình cho vay hộ nghèo và hộ cận nghèo được nâng thời hạn tối đa lên 120 tháng để phù hợp với quá trình đầu tư vốn dài hạn. Mức cho vay và thời hạn cho vay cụ thể đối với từng hộ vay được căn cứ vào mục đích sử dụng vốn vay, chu kỳ sản xuất, kinh doanh, vốn tự có, khả năng trả nợ và nguồn vốn cho vay của NHCSXH.

Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Kim Bảng giải ngân kịp thời vốn vay hộ cận nghèo trên địa bàn.

P.V: Việc nâng mức vay vốn ưu đãi ở tỉnh ta sẽ có khoảng bao nhiêu hộ được thụ hưởng chương trình này, thưa bà ?

Bà Lê Thị Kim Dung: Thực tế, chương trình tín dụng ưu đãi trên địa bàn những năm qua đã giải quyết cho 13.804 hộ nghèo, 20.896 hộ cận nghèo và 1.620 hộ mới thoát nghèo vay  vốn với tổng dư nợ gần 1.100 tỷ đồng. Các hộ nghèo và gia đình chính sách được vay vốn của NHCSXH đã kịp thời đầu tư phát triển chăn nuôi, trồng trọt, nhờ đó góp phần cải thiện cuộc sống gia đình.

Theo báo cáo của ngành chức năng, đến hết năm 2018 toàn tỉnh có 7.540 hộ nghèo và 11.595 hộ cận nghèo. Như vậy, khi các hộ nói trên đúng đối tượng theo quy định, được bình xét tại tổ tiết kiệm và vay vốn (TTK&VV) nếu có nhu cầu được giải quyết cho vay kịp thời.

P.V: Để chương trình cho vay bảo đảm đúng quy định, đạt hiệu quả, đáp ứng kịp thời, Ban đại diện Hội đồng Quản trị NHCSXH tỉnh đã chỉ đạo các cấp, ngành triển khai thực hiện những biện pháp gì?

Bà Lê Thị Kim Dung: Về phía Chi nhánh NHCSXH tỉnh thời gian qua đã phối hợp với các cấp chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác tập trung tuyên truyền rộng rãi về việc nâng mức cho vay và thời hạn cho vay tối đa đối với các chương trình tín dụng nói trên. Đồng thời, đặc biệt coi trọng công tác kiểm tra, giám sát trước, trong và sau khi cho vay nhằm bảo đảm nguồn vốn cho vay đúng đối tượng thụ hưởng, hộ vay sử dụng đúng mục đích.

Đối với các hội đoàn thể nhận ủy thác ở cấp cơ sở chúng tôi thống nhất biện pháp về nâng cao trách nhiệm của chi hội trưởng trong việc bình xét hoạt động cho vay tại tổ tiết kiệm và vay vốn. Khâu bình xét phải được rà soát kỹ đối tượng theo đúng quy định. Cùng với đó, các hội, đoàn thể tăng cường phối hợp với các cấp, ngành thực hiện lồng ghép công tác cho vay vốn với hoạt động chuyển giao khoa học kỹ thuật, tiêu thụ sản phẩm, tư vấn, hướng dẫn hộ vay để nâng cao hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách trên địa bàn.

Về phía Trưởng Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH các huyện, thành phố, chúng tôi đề nghị chỉ đạo nghiêm túc công tác cho vay phải đúng đối tượng; trong đó tập trung ngay từ khâu kiểm tra việc bình xét, xác nhận đối tượng vay vốn tại địa phương. Công khai, dân chủ, minh bạch chế độ chính sách ưu đãi, mức vay, thời hạn, lãi suất để người dân biết. Yêu cầu UBND các xã, thị trấn thường xuyên rà soát nhằm bảo đảm đúng, trúng, không để sót đối tượng, từ đó giúp hộ vay kịp thời phát triển sản xuất, kinh doanh. Cùng với đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền ở các thôn, xóm về việc nâng mức cho vay, thời hạn cho vay tối đa đối với từng chương trình tín dụng.

Đối với những trường hợp hộ vay thuộc các chương trình tín dụng nói trên đang sử dụng vốn vay hiệu quả, thực hiện trả lãi đúng kỳ hạn theo thỏa thuận nếu có nhu cầu vay thêm thì được vay bổ sung nhưng mức dư nợ không vượt quá 100 triệu đồng/hộ. Thực tế cho thấy, việc nâng mức cho vay và không phải bảo đảm tiền vay rất phù hợp với tình hình hiện nay, đáp ứng mục tiêu giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định tình hình phát triển kinh tế - xã hội ở mỗi địa phương. Và hơn nữa, đây cũng là giải pháp quan trọng góp phần đẩy lùi hoạt động tín dụng đen trên địa bàn.

P.V: Xin cảm ơn bà!

Phùng Thống (Thực hiện)

Phùng Thống

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy