Hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ để thích ứng với tình hình mới

Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ phục vụ sản xuất, kinh doanh là động lực then chốt giúp doanh nghiệp phát triển bền vững, nhất là trong bối cảnh khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19. Nhận thức được điều này, thời gian qua, cùng với sự quan tâm, hỗ trợ của tỉnh, các sở, ngành chức năng, nhiều doanh nghiệp đã mạnh dạn đầu tư, làm chủ công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường.

Hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ để thích ứng với tình hình mới
Công ty TNHH PV Hà Nam, xã Kim Bình (TP Phủ Lý) nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nhờ được hỗ trợ mua máy trung tâm gia công phay đứng từ nguồn kinh phí khuyến công địa phương.

Mới thành lập và đi vào hoạt động trong lĩnh vực gia công cơ khí từ tháng 3/2021, Công ty TNHH PV Hà Nam, xã Kim Bình (TP Phủ Lý) còn nhiều khó khăn về tài chính, thị trường đầu ra và nhất là việc ứng dụng thiết bị máy móc, công nghệ hiện đại vào sản xuất. Hiểu rõ nhu cầu, khó khăn của doanh nghiệp, từ nguồn kinh phí khuyến công địa phương, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại Hà Nam (Sở Công thương) đã hỗ trợ công ty mua máy trung tâm gia công phay đứng – tự động đục khuôn kim loại định hình, cắt các chi tiết bằng kim loại theo những bản vẽ được thiết kế trên máy vi tính. Có tính năng vượt trội là thời gian gia công nhanh, cùng lúc cho ra nhiều sản phẩm với độ chính xác cao, các sản phẩm được tạo ra có sự đồng nhất về kích thước nên thích hợp để công ty sản xuất hàng loạt, đáp ứng yêu cầu cần nhanh của các đơn hàng. 

Ông Bùi Văn Đại, Giám đốc Công ty TNHH PV Hà Nam cho biết: So với làm thủ công trước đây, việc sử dụng máy gia công phay đứng cho năng suất cao gấp 6 lần. Khi làm thủ công, để đục ra một sản phẩm đòi hỏi người thợ làm tốn rất nhiều thời gian, công sức, sự tập trung cao độ. Từ khi có máy trung tâm gia công phay đứng, PV Hà Nam đã nâng cao được tính chủ động trong sản xuất, tạo ra sản phẩm đều, đẹp hơn. Trong bối cảnh khó khăn bởi ảnh hưởng của dịch Covid-19, với quyết tâm giữ ổn định sản xuất, thời gian tới, PV Hà Nam sẽ đầu tư thêm trang thiết bị máy móc hiện đại, đổi mới công nghệ ở các khâu sản xuất để tăng năng suất, sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường, cải thiện môi trường làm việc, tạo điều kiện tốt nhất cho người lao động.

Với 2 chiếc máy nhồi bông tự động vừa được hỗ trợ từ nguồn kinh phí khuyến công địa phương, Công ty TNHH May Anh Đức, xã Đồn Xá (Bình Lục) đã tiết kiệm được đáng kể chi phí thuê nhân lực, tăng năng suất lao động. Với việc sử dụng khí nén, chỉ cần thao tác đơn giản, máy nhồi bông tự động cho tốc độ nhồi bông nhanh gấp 2-4 lần so với phương thức nhồi tay.

Ông Nguyễn Ngọc Lưu, Giám đốc Công ty TNHH May Anh Đức chia sẻ: Với sản phẩm mùa đông, chúng tôi sản xuất đa dạng các mặt hàng từ bông như áo Jacket, chăn, gối... Vì vậy, việc ứng dụng máy nhồi bông tự động vào sản xuất đã giúp công ty đáp ứng được đầy đủ các tiêu chuẩn của đối tác về tính thẩm mỹ, chất lượng sản phẩm với giá thành hợp lý. Qua đó, đã giúp công ty thích ứng được với trạng thái bình thường mới: vừa tập trung phòng, chống dịch vừa khôi phục, phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoàn thành mục tiêu doanh thu năm 2021 tăng trưởng 20-30% so với năm 2020. 

Đổi mới máy móc thiết bị, công nghệ là cơ sở quan trọng giúp doanh nghiệp cải thiện, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Trong gần 2 năm qua, trước tình hình dịch bệnh Covid -19 diễn biến phức tạp khiến thị trường tiêu thụ đối với nhiều mặt hàng bị thu hẹp, việc ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất càng được các doanh nghiệp quan tâm thực hiện để tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm, không để đứt gãy chuỗi sản xuất.

Quan tâm, hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển, thời gian qua, tỉnh Hà Nam đã có nhiều cơ chế, chính sách nhằm tạo lực đẩy cho cộng đồng doanh nghiệp phát triển. Trong đó, chú trọng hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp với các nhóm giải pháp: Hỗ trợ về vốn, công nghệ, cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận các tiến bộ khoa học, kỹ thuật, công nghệ hiện đại... Cùng với đó là các chương trình, kế hoạch được UBND tỉnh chỉ đạo triển khai thực hiện nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư vào các lĩnh vực hạ tầng, công nghiệp công nghệ cao.

Theo thông tin từ Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại Hà Nam, từ năm 2020 đến nay, từ nguồn kinh phí khuyến công Trung ương và địa phương, trung tâm đã triển khai thực hiện 18 đề án hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất ứng dụng máy móc, công nghệ hiện đại vào sản xuất, kinh doanh với tổng số tiền trên 3,6 tỷ đồng. Trong đó, riêng năm 2021 thực hiện 12 đề án, tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất hoạt động trong một số lĩnh vực bị ảnh hưởng lớn bởi dịch Covid -19, như: sản xuất hàng may mặc, dệt lụa, mây tre đan, gỗ mỹ nghệ… Cùng với đó, Sở Công thương duy trì, phát triển Sàn giao dịch thương mại điện tử tỉnh Hà Nam nhằm tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu các tiềm năng, lợi thế của tỉnh, của các doanh nghiệp đến với bạn bè trong nước và quốc tế. Đặc biệt, từ năm 2020 tới nay, sở còn phối hợp với Trung tâm thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công thương) cung cấp các bản tin chuyên sâu về tình hình hoạt động thương mại với những thông tin hữu ích dành cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp xuất nhập khẩu và là cơ sở để các cơ quan quản lý nhà nước điều hành nền kinh tế thuận lợi.

Qua trao đổi với ông Nguyễn Liên Hồng, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại Hà Nam được biết, trước những khó khăn kéo dài của ngành dệt may do tác động của dịch Covid -19, trong năm 2022, trung tâm sẽ triển khai thực hiện đề án điểm: “Hỗ trợ phát triển ngành dệt may trên địa bàn tỉnh Hà Nam giai đoạn 2022-2024”. Theo đó, sẽ hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến vào sản xuất hàng dệt may cho khảng 24 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh; tổ chức một hội thảo chuyên ngành nhằm thức đẩy phát triển ngành dệt may của tỉnh; tư vấn, trợ giúp cho 5 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh; hỗ trợ một cơ sở mua sắm trang thiết bị để phục vụ trưng bày sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia tại phòng trưng bày của cơ sở. Bên cạnh đó, trung tâm cũng sẽ triển khai thực hiện một đề án nhóm: “Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất cơ khí” với việc hỗ trợ cho 3 doanh nghiệp đầu tư máy móc, công nghệ phục vụ sản xuất.

Việc hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư, ứng dụng công nghệ vào sản xuất là nhiệm vụ cấp thiết, thể hiện sự quan tâm, song hành của các cấp chính quyền, ngành công thương đối với các doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn, giúp các doanh nghiệp giảm một phần gánh nặng về kinh phí trong việc đầu tư mua máy móc, thiết bị hiện đại phục vụ sản xuất trong giai đoạn khó khăn. Đây được xem là chìa khóa quan trọng tiếp sức cho các doanh nghiệp có thêm động lực để đổi mới công nghệ, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Đổi mới công nghệ để sản xuất, kinh doanh hiệu quả, cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh cũng đã và đang đồng hành cùng cấp ủy, chính quyền và nhân dân thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 và cả giai đoạn 2021 - 2025 trong trạng thái bình thường mới.

Nguyễn Oanh

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy