Hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu tăng trưởng trở lại

Nếu như  năm 2020, nhiều mặt hàng thủ công mỹ nghệ trong tỉnh bị sụt giảm nghiêm trọng về sản lượng và doanh thu thì trong năm 2021, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh đã linh hoạt, thích ứng với tình hình dịch bệnh để phục hồi, phát triển.

Hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu tăng trưởng trở lại
Mỗi tháng, doanh nghiệp tư nhân Thanh Hằng, tổ dân phố Ngọc Động, phường Hoàng Đông (Duy Tiên) xuất bán khoảng 15.000 sản phẩm mây tre các loại.

Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid – 19, năm 2020, Công ty TNHH Mây tre xuất khẩu Ngọc Động Hà Nam, phường Hoàng Đông (Duy Tiên) liên tục phải cho công nhân nghỉ làm và làm việc luân phiên vì không xuất được hàng, cũng như không tìm kiếm được thêm đơn hàng mới để sản xuất.

Được sự quan tâm, hỗ trợ của Chính phủ, các bộ, ngành và của tỉnh về xúc tiến thương mại, các ưu đãi về thuế, tài chính, Công ty TNHH Mây tre xuất khẩu Ngọc Động Hà Nam đã có thêm “lực đẩy” để duy trì sản xuất với việc chủ động tìm kiếm các đối tác mới tại thị trường trong và ngoài nước. Từ những tháng đầu năm 2021, công ty đã ký kết được nhiều đơn hàng mới để bảo đảm duy trì ổn định sản xuất trong cả năm 2021 với lượng hàng tiêu thụ tăng trên 20% so với năm 2020. 

Ông Nguyễn Xuân Mai, Giám đốc Công ty TNHH Mây tre xuất khẩu Ngọc Động Hà Nam cho biết: Từ ảnh hưởng của đại dịch Covid – 19, Mây tre xuất khẩu Ngọc Động Hà Nam hiểu được tầm quan trọng của hoạt động marketing, xúc tiến thương mại và việc đa dạng mẫu mã sản phẩm theo hướng an toàn, gần gũi với con người, thân thiện với môi trường để tiếp cận với nhiều thị trường khác nhau. Trong thời gian tới, ngoài đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Mỹ, châu Âu, công ty sẽ nghiên cứu, tìm hiểu thị trường để tăng lượng hàng hóa tiêu thụ nội địa và mở rộng đối tác sang các nước khác. 

Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường, kéo dài và chưa từng có trong tiền lệ cũng đã khiến cho các cơ sở sản xuất sừng mỹ nghệ ở thôn Đô Hai, xã An Lão (Bình Lục) mất thời gian dài loay hoay với “bài toán” tìm thị trường đầu ra cho sản phẩm. Nâng cao tính thẩm mỹ, đa dạng hóa sản phẩm để tăng sức cạnh tranh, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng trong từng giai đoạn chính là “chìa khoá” giúp làng nghề sừng mỹ nghệ Đô Hai vượt khó, phát triển trong năm 2021 với tổng doanh thu làng nghề đạt xấp xỉ 16 tỷ đồng, tăng gần 20% so với năm 2020.

Đơn cử như xưởng sản xuất sừng mỹ nghệ xuất khẩu của gia đình ông Nguyễn Văn Đệ, thôn Đô Hai. Từ khi dịch Covid-19 bùng phát trên diện rộng, sản lượng hàng tiêu thụ tại các điểm du lịch trong nước gần như bị “đóng băng”, ông Đệ đã tích cực nghiên cứu thị trường, sáng tạo ra những mẫu mã mới để tăng cường xuất khẩu. Dưới bàn tay tài hoa của mình, thợ giỏi Nguyễn Văn Đệ đã tạo ra những sản phẩm vốn quen thuộc của làng nghề như: chim cầu, vẹt, đại bàng, cò, vịt sen… mang những nét mới đầy sáng tạo, độc đáo, lạ mắt. Được thị trường Trung Quốc ưa chuộng, trong năm qua, ông Nguyễn Văn Đệ đã tạo việc làm ổn định cho 15 lao động địa phương với mức thu nhập từ 3,5 triệu đồng đến gần 10 triệu đồng mỗi tháng. 

Hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu tăng trưởng trở lại
Ông Nguyễn Văn Đệ, thôn Đô Hai, xã An Lão, Bình Lục giới thiệu về sản phẩm sừng mỹ nghệ được thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng.

Qua trao đổi với ông Trần Trọng Ban, Chủ tịch UBND xã An Lão được biết, thời gian qua, xã An Lão phát triển tốt các mặt hàng thủ công mỹ nghệ. Riêng đối với mặt hàng sừng mỹ nghệ, hiện thôn Đô Hai đang có 85 hộ tham gia sản xuất, thu hút khoảng 250 lao động làm nghề với thu nhập từ 7-8 triệu đồng/người/tháng. Qua nhiều năm làm nghề với kinh nghiệm của mình, thợ làm sừng mỹ nghệ ở Đô Hai đã sáng tạo ra mẫu mã đa dạng, tạo thương hiệu trên thị trường trong và ngoài nước. Trong đó, nhóm sản phẩm: hổ, đại bàng, công, phượng, lược chải đầu… đang được sản xuất, tiêu thụ với số lượng lớn nhất.

Bên cạnh nghề sừng mỹ nghệ Đô Hai, năm 2021, các xưởng sản xuất mộc mỹ nghệ ở thôn Bói Kênh cũng mạnh dạn ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất, sáng tạo ra nhiều mặt hàng có chất lượng tốt phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng nên đã khắc phục được khó khăn do ảnh hưởng từ dịch Covid -19 để phát triển mạnh sản xuất, tạo việc làm thường xuyên cho người lao động với thu nhập từ 10-15 triệu đồng/người/tháng.

Hà Nam là một trong những địa phương có nhiều làng nghề, mặt hàng thủ công mỹ nghệ có giá trị. Đã có không ít sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Hà Nam được xuất khẩu ra nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với năm 2020, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng thủ công mỹ nghệ, như: gốm, sứ; mây, tre, cói thảm; gỗ và các sản phẩm từ gỗ; sừng mỹ nghệ… trong năm 2021 đạt mức tăng trưởng khá cao với mức tăng từ 10% đến trên 80%. 

Theo đánh giá của Sở Công thương, năm 2021, trong khi kim ngạch xuất khẩu của nhiều loại hàng hóa, kể cả những mặt hàng có kỹ thuật, công nghệ hiện đại (điện thoại, linh kiện điện thoại, thủy tinh…), mặt hàng nông, thủy sản có mức tăng chậm, thậm chí là kim ngạch xuất khẩu bị giảm so với năm 2020 do đại dịch Covid – 19 thì hầu hết các mặt hàng thủ công mỹ nghệ đã phát huy tốt lợi thế về lao động, sáng tạo ra các sản phẩm mới để tồn tại, phát triển với tổng giá trị hàng hóa xuất khẩu trong năm 2021 đạt xấp xỉ 6 triệu USD.

Đặc biệt, sự tăng trưởng các mặt hàng này thường không dẫn đến nhập siêu hay phụ thuộc vào nước ngoài do sản xuất hàng thủ công phần lớn khai thác nguồn nguyên liệu tại chỗ, không phụ thuộc nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Theo đó, nhóm hàng thủ công như gỗ, sừng, mây, tre, gốm, sứ, dệt lụa… thuộc nguồn hàng hóa có tính nội lực rất cao, góp phần quan trọng trong thực hiện chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế của địa phương.

Nguyễn Oanh

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy