Giúp vốn cho hộ mới thoát nghèo

Là một trong những hộ nghèo của xã Bình Nghĩa (Bình Lục), năm 2011 gia đình bà Lương Thị Lan, xóm 1 - Ngô Khê được vay 20 triệu đồng để đầu tư nuôi lợn thịt. Nhờ chịu khó làm ăn, tích cực tham gia các lớp tập huấn về chăn nuôi do địa phương tổ chức, nhiều lứa lợn thịt của gia đình bà Lan cho thu nhập khá. Đến năm 2013, gia đình bà Lan đã trả hết nợ ngân hàng và được xét ra khỏi diện hộ nghèo.

Nhờ có nguồn vốn tín dụng ưu đãi dành cho hộ mới thoát nghèo, chị Lê Thị Truyền, thôn Do Lễ, xã Liên Sơn (Kim Bảng) có điều kiện tiếp tục phát triển kinh tế, ngày càng ổn định cuộc sống. Ảnh: Thế trang

Nắm bắt được chương trình tín dụng cho vay hộ mới thoát nghèo của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), cuối năm 2015, bà Lan lại làm hồ sơ vay 40 triệu đồng để tiếp tục mở rộng quy mô đàn lợn. Dẫn chúng tôi đi tham quan một vòng khu chuồng trại nuôi lợn của gia đình, bà Lan phấn khởi cho biết: Nhờ có đồng vốn ưu đãi của Nhà nước mà tôi mới có vốn để phát triển chăn nuôi như hôm nay. Trước đây, dù đã thoát nghèo nhưng  tôi vẫn thiếu vốn để đầu tư mua thêm con giống. Năm 2015, với số tiền vay được từ chương trình tín dụng hộ mới thoát nghèo, tôi đã có tiền để mua cám cho lợn và mua được gần chục con lợn giống về nuôi. Hiện giờ, đàn lợn của gia đình đã lên tới 60-70 con mỗi lứa, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Cũng là hộ mới thoát nghèo ở xóm 1 - Ngô Khê, gia đình anh Lê Văn Khoa luôn canh cánh nỗi lo tái nghèo khi đầu năm 2015, đàn lợn của gia đình anh bị bệnh và chết gần hết. Sau đó ít lâu, anh lại được thụ hưởng nguồn vốn vay mới dành cho hộ mới thoát nghèo với số tiền 30 triệu đồng. Anh Khoa mua một con bò giống về nuôi, dự kiến đầu năm 2017, gia đình anh có thu nhập hơn chục triệu đồng từ việc bán bê con. Số tiền còn lại, anh Khoa đầu tư sửa lại chuồng trại để chuẩn bị mua lợn giống về nuôi.

Không giấu được niềm vui, anh Khoa hồ hởi cho biết: Trước đây, gia đình tôi luôn thuộc diện hộ nghèo vì cả nhà 4 miệng ăn chỉ trông vào gần 2 sào ruộng cấy. Năm 2015, gia đình tôi dù đã thoát nghèo nhưng nguồn vốn tái sản xuất không còn do đàn lợn cứ lăn ra chết. May mà ngay thời điểm đó, tôi lại được NHCSXH huyện giải ngân cho vay 30 triệu đồng từ chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo để mua bò về nuôi. Nguồn vốn này thực sự tiếp sức giúp gia đình tôi đầu tư phát triển kinh tế, tránh tái nghèo.

Trao đổi với lãnh đạo xã Bình Nghĩa được biết, thực hiện chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo, xã đã chỉ đạo các hội, đoàn thể phối hợp với Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Bình Lục triển khai chương trình tín dụng cho hộ mới thoát nghèo đúng quy trình, thủ tục vay vốn, giúp hộ mới thoát nghèo sớm có vốn đầu tư sản xuất.

Đến nay, trên địa bàn xã đã có 46 hộ mới thoát nghèo được vay vốn với dư nợ đạt gần 1,8 tỷ đồng. Dù triển khai chưa lâu nhưng chính sách cho vay hộ mới thoát nghèo trên địa bàn đã bước đầu có hiệu ứng tốt. Nông dân tỏ ra rất phấn khởi, hăng say lao động sản xuất bởi ngay cả khi đã thoát nghèo vẫn tiếp tục nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của Nhà nước. Vốn vay chủ yếu được các hộ dân đầu tư chăn nuôi lợn, bò, gia cầm.

Tại huyện Kim Bảng, thời điểm này cũng đã có trên 300 hộ được vay vốn từ chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo với số tiền gần 14 tỷ đồng. Hầu hết các hộ vay đều sử dụng đồng vốn đúng mục đích, phát huy được hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh, điển hình như hộ gia đình chị Lê Thị Truyền, thôn Do Lễ, xã Liên Sơn. Hoàn cảnh gia đình chị Truyền rất khó khăn. Chồng chị mất sớm, mình chị phải làm thuê, làm mướn để nuôi hai cô con gái đang tuổi ăn, tuổi học. Dù đã được vay vốn hộ nghèo và vốn vay học sinh, sinh viên nhưng chị Truyền vẫn thiếu vốn để sản xuất. Tháng 10/2015, được vay 49 triệu đồng từ chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo, chị Truyền vui mừng đi mua bò, dê giống về nuôi. Đến nay, bò, dê đều đã sinh sản, cho thu hoạch. Đời sống của gia đình chị Truyền đã được cải thiện, nâng cao.

Đánh giá về hiệu quả chương trình tín dụng đối với hộ mới thoát nghèo, bà Lê Thanh Huế, Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Kim Bảng cho biết: Phòng Giao dịch Những hộ mới thoát nghèo là đối tượng rất cần được hỗ trợ nguồn vốn vay để tiếp tục sản xuất, thoát nghèo bền vững. Thế nhưng trước đây, các hộ này không được vay ưu đãi của NHCSXH và cũng không có khả năng tiếp cận tín dụng từ các ngân hàng thương mại nên số hộ tái nghèo là có. Chương trình tín dụng đối với hộ mới thoát nghèo thực sự rất có ý nghĩa, giúp cho chương trình giảm nghèo của các địa phương được bền vững hơn.

Theo số liệu thống kê của Chi nhánh NHCSXH tỉnh, tính đến cuối tháng 11/2016, toàn tỉnh đã có trên 3.100 hộ mới thoát nghèo được vay vốn với tổng dư nợ trên 122 tỷ đồng. Trong đó, tập trung nhiều nhất là các huyện: Thanh Liêm, Lý Nhân, Bình Lục… Với nguồn vốn vay ưu đãi này, phần nào đáp ứng được nhu cầu về vốn làm ăn, đầu tư phát triển sản xuất của các hộ mới thoát nghèo.

 Ông Lê Văn Hoạch, Giám đốc Chi nhánh NHCSXH tỉnh cho biết: So với các đối tượng vay là hộ nghèo, cận nghèo thì các hộ thoát nghèo có khả năng quản lý và sử dụng đồng vốn vay tốt hơn, vì phần lớn trong số họ đã có kinh nghiệm sản xuất từ đồng vốn vay ưu đãi cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trước đó. Hơn nữa, do không còn trong tình cảnh thiếu đói nên các hộ mới thoát nghèo sẽ dành toàn bộ nguồn lực để tập trung sản xuất, phát triển kinh tế gia đình. Phương thức cho vay hộ thoát nghèo cũng thuận tiện, đơn giản như các chương trình tín dụng khác. Quy trình cho vay thông qua các tổ chức chính trị, xã hội, thông qua tổ tiết kiệm và vay vốn ở các địa phương. Số tiền cho vay tùy theo nhu cầu của người vay, khả năng trả nợ và nguồn vốn của NHCSXH nhưng không quá 50 triệu đồng/hộ.

Như vậy, có thể thấy, tín dụng đối với hộ mới thoát nghèo là một chủ trương mới nhưng có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc thực hiện các giải pháp giúp hộ nghèo có điều kiện thoát nghèo bền vững. Tuy nhiên, nguồn vốn cho vay đối với hộ mới thoát nghèo hiện nay vẫn còn hạn chế, nhiều hộ mới thoát nghèo có nhu cầu nhưng chưa được vay vốn.

Để nâng cao hiệu quả nguồn vốn tín dụng cho hộ mới thoát nghèo, thời gian tới, Chi nhánh NHCSXH tỉnh tiếp tục tham mưu với UBND tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo triển khai chương trình tín dụng chính sách đối với hộ mới thoát nghèo. Đồng thời, tổ chức tuyên truyền, phổ biến về chính sách tín dụng mới đến các đối tượng thụ hưởng; đẩy mạnh tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho các cán bộ trong đơn vị, các hội, đoàn thể cấp xã nhận ủy thác, tổ tiết kiệm và vay vốn; công khai chính sách, quy trình, thủ tục cho vay và danh sách các hộ được vay vốn theo chương trình hộ mới thoát nghèo tại điểm giao dịch các xã…

Nguyễn Oanh

Nguyễn Oanh, Thế Trang

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy