Chủ động diệt trừ lúa cỏ ngay từ đầu vụ

Vụ xuân năm nay, việc diệt trừ lúa cỏ được các địa phương quan tâm triển khai ngay từ đầu vụ bằng nhiều biện pháp nhằm ngăn chặn, không để lúa cỏ phát sinh và gây hại lúa xuân trên diện rộng.

HTX Nông nghiệp Đạo Lý (Lý Nhân) gieo cấy 280 ha lúa xuân. Vụ này, Hội đồng quản trị HTX chỉ đạo đẩy mạnh phương pháp lúa cấy, thay cho phương pháp gieo thẳng dễ bị nhiễm lúa cỏ. Trong đó, trọng tâm áp dụng phương pháp cấy lúa bằng máy để đồng thời giải quyết vấn đề lao động thời vụ, diện tích lên đến 147 ha, chiếm trên 50% tổng diện tích và 54 ha lúa cấy thủ công; số diện tích còn lại gần 80ha thực hiện phương pháp gieo thẳng, bằng  khoảng 27% diện tích.

Được biết, đồng ruộng của HTX Nông nghiệp Đạo Lý là một trong những nơi lúa cỏ xuất hiện sớm tại huyện Lý Nhân. Vào thời gian cao điểm, khi lúa gieo thẳng còn chiếm 70% diện tích, lúa cỏ đã phát sinh mạnh trên khoảng 25 ha và đã có diện tích lúa mất mùa do lúa cỏ gây hại nặng. Do vậy, từ năm 2021, nhất là  hơn 1 năm trở lại đây HTX Nông nghiệp Đạo Lý đã thay đổi phương thức sản xuất bằng việc áp dụng lúa cấy. Như trong vụ mùa 2022, lúa cấy được triển khai trên 50% diện tích, những cánh đồng nhiễm lúa cỏ trước đây được chuyển hẳn sang lúa cấy. Do vậy, hạn chế đáng kể được lúa cỏ phát sinh, gây hại, không còn tình trạng có diện tích mất mùa.

Ông Trương Đăng Dũng, Giám đốc HTX Nông nghiệp Đạo Lý cho biết: HTX đã chỉ đạo mở rộng diện tích lúa cấy để ngăn ngừa lúa cỏ phát sinh phát triển, đồng thời tạo điều kiện đẩy mạnh đưa cơ giới vào khâu gieo cấy. Hiện nay, HTX tiếp tục chỉ đạo người dân trong quá trình sản xuất, khi thấy có lúa lạ mọc bên ngoài hàng lúa cấy cần nhổ bỏ và tiêu hủy ngay…

Không chỉ riêng xã Đạo Lý, những địa phương khác của huyện Lý Nhân và trong tỉnh đều áp dụng các biện pháp ngăn ngừa lúa cỏ phát sinh, gây hại cho lúa xuân. Điển hình ở huyện Thanh Liêm, nơi lúa cỏ phát sinh gây hại đầu tiên và mạnh nhất của tỉnh, khi xây dựng kế hoạch sản xuất đã chú trọng diệt trừ lúa cỏ ngay từ đầu vụ. Biện pháp chính được các địa phương ở Thanh Liêm triển khai là áp dụng hình thức cấy lúa với tổng diện tích lên gần 2.200 ha, bằng 42% diện tích lúa toàn huyện, chủ yếu là lúa cấy bằng máy. Nhiều địa phương có diện tích lúa cấy bằng máy lớn, như: Thị trấn Tân Thanh 246 ha và các xã Liêm Sơn 203 ha, Thanh Thủy 190 ha, Thanh Tân 180 ha, Liêm Cần 176 ha… (Trước đây, có thời điểm toàn huyện diện tích lúa gieo thẳng chiếm trên 90% diện tích). Toàn bộ diện tích lúa gieo thẳng bị nhiễm lúa cỏ trước đây được thay thế bằng lúa cấy.

Chủ động diệt trừ lúa cỏ ngay từ đầu vụ
Cấy lúa bằng máy, một trong những biện pháp diệt trừ lúa cỏ tại HTX Nông nghiệp Đạo Lý (Lý Nhân).

Cùng với thay đổi phương pháp gieo cấy, các HTXDVNN trong huyện tuyên truyền và hướng dẫn người dân chủ động diệt trừ lúa cỏ phát hiện được trong quá trình chăm sóc lúa bằng việc nhổ và tiêu hủy lúa cỏ theo đúng kỹ thuật.

Theo bà Đỗ Thị Thanh Nga, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN & PTNT) huyện Thanh Liêm, Phòng NN & PTNT đã tham mưu với UBND huyện chỉ đạo các địa phương đặc biệt quan tâm đến phòng trừ lúa cỏ. Với những diện tích đã bị nhiễm lúa cỏ nặng trong những vụ trước chuyển sang lúa cấy, không thực hiện gieo thẳng; các cơ quan chuyên môn tăng cường khuyến cáo, hướng dẫn người dân khi phát hiện lúa cỏ phải nhổ bỏ sớm, triệt để, tránh trở thành nguồn lây lan trong những vụ tiếp theo.

Về phía ngành NN & PTNT, trong chỉ đạo sản xuất đã đề nghị các địa phương coi lúa cỏ là một trong những đối tượng dịch hại cần phòng trừ. Theo đó, cùng với biện pháp thay đổi hình thức gieo cấy để hạn chế lúa cỏ, tích cực phát hiện, diện trừ trong quá trình sản xuất. Cụ thể, ở giai đoạn lúa đẻ nhánh từ 7 – 20 ngày sau cấy nông dân cần kiểm tra phát hiện và nhổ bỏ lúa cỏ triệt để nhằm giảm nguồn lây lan trên đồng ruộng. Với những diện tích khi phát hiện lúa cỏ có trên 70% số cây, ảnh hưởng lớn đến sinh trưởng của cây lúa và cây lúa không thể phục hồi thì nhổ bỏ, tiêu hủy và chuyển sang trồng cây khác, tập trung vào cây ngô (ngô nếp, ngô ngọt, ngô sinh khối)…

Ông Nguyễn Hải Nam, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Kiểm lâm (Sở NN & PTNT) đánh giá: Vụ lúa xuân này, các địa phương đã có nhiều biện pháp quyết liệt ngăn ngừa lúa cỏ; người dân tuân thủ và thực hiện khá tốt các hướng dẫn kỹ thuật diệt trừ lúa cỏ.

Lúa xuân hiện nay đang trong giai đoạn đẻ nhánh tập trung trùng với thời điểm lúa cỏ phát sinh trên đồng ruộng. Thực hiện tốt, đồng bộ các biện pháp phòng trừ lúa cỏ trong từng giai đoạn sản xuất, tin rằng lúa cỏ sẽ được kiểm soát, không gây hại nặng trên lúa xuân năm nay và những vụ tiếp theo.

Mạnh Hùng

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.