Các ngân hàng thương mại tích cực triển khai thực hiện các biện pháp giảm nợ xấu

Đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp. Điều này cũng đồng nghĩa với việc tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng thương mại (NHTM) đang có nguy cơ tăng cao, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động kinh doanh của các tổ chức tín dụng. Trong thời gian này, các NHTM trên địa bàn tỉnh đang nỗ lực triển khai thực hiện các giải pháp xử lý, khắc phục những khó khăn về vốn cho khách hàng, nhằm giảm tối đa nợ xấu.

Theo tổng hợp của Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh Hà Nam đến đầu tháng 11/2021, nợ xấu nội bảng của các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh là 383 tỷ đồng, chiếm 0,69% tổng dư nợ. Một số chi nhánh ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu cao, như: Ngân hàng Hàng hải nợ xấu chiếm 2,13%, Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng nợ xấu chiếm 6,99%, Ngân hàng Bắc Á nợ xấu chiếm 2,69%… trên tổng dư nợ của các chi nhánh. 

Các ngân hàng thương mại tích cực triển khai thực hiện các biện pháp giảm nợ xấu
Khách hàng giao dịch tại Chi nhánh Agribank Duy Tiên.

Trước tình hình nợ xấu ở một số ngân hàng đang có xu hướng tăng cao, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh đã tập trung chỉ đạo các NHTM trên địa bàn, hệ thống quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô triển khai và báo cáo kết quả thực hiện xử lý nợ xấu. Trên cơ sở đó, các tổ chức tín dụng đánh giá toàn diện tình hình tài chính, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hồ sơ pháp lý của khách hàng phát sinh nợ xấu và đề ra các biện pháp xử lý phù hợp đối với từng khách hàng, từng khoản nợ; thực hiện các giải pháp hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn tạm thời để khôi phục sản xuất, kinh doanh, tạo nguồn trả nợ; giảm lãi suất đối với một số khoản vay cũ cho khách hàng; thực hiện tái cơ cấu lại nợ vay đối với trường hợp đủ điều kiện giúp khách hàng vượt qua khó khăn; thường xuyên làm việc với khách hàng, đôn đốc, gửi văn bản thông báo đề nghị khách hàng tìm kiếm mọi nguồn thu trả nợ vay. 

Ông Nguyễn Thành Trung, Phó Giám đốc Chi nhánh Agribank Hà Nam II cho biết: Mặc dù bị ảnh hưởng của dịch Covid – 19, song đến thời điểm này chi nhánh đã hoàn thành kế hoạch tăng trưởng tín dụng cấp trên giao năm 2021. Chất lượng tín dụng bảo đảm, nợ xấu ở mức thấp dưới 1%.

Để tháo gỡ khó khăn cho khách hàng, triển khai các biện pháp phòng ngừa, hạn chế tối đa nợ xấu mới phát sinh,  nâng cao chất lượng tín dụng bảo đảm duy trì tỷ lệ nợ xấu ở mức an toàn, Chi nhánh Agribank Hà Nam đã bám sát vào chỉ đạo của hệ thống, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch   Covid – 19, khách hàng nuôi lợn bị dịch tả lợn châu Phi. Nhiều khách hàng sau khi được ngân hàng cơ cấu lại thời gian trả nợ, miễn giảm lãi suất đã nhanh chóng phục hồi sản xuất, tạo việc làm cho người lao động, bảo đảm khả năng thanh khoản với ngân hàng. 

Để giảm thiểu rủi ro, hạn chế nợ xấu phát sinh, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh thực hiện thanh tra, kiểm tra hoạt động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn. Chỉ đạo các tổ chức tín dụng có tỷ lệ nợ xấu cao: Chủ động xây dựng phương án, kế hoạch xử lý nợ xấu và có giải pháp ngăn chặn nợ xấu phát sinh; rà soát việc phân loại nợ, phản ánh đúng chất lượng các khoản vay, trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ theo quy định; tăng cường công tác quản lý, thanh tra, giám sát hoạt động cho vay tiêu dùng, cho vay phục vụ đời sống và việc thu hồi nợ của các chi nhánh; chấn chỉnh, củng cố hoạt động và tập trung thanh tra, kiểm tra đột xuất đối với các quỹ tín dụng nhân dân; đẩy mạnh và nâng cao chất lượng công tác giám sát đối với hệ thống quỹ tín dụng nhân dân để kịp thời cảnh báo, ngăn ngừa rủi ro, sai phạm. 

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh Hà Nam cho biết: Sự giám sát chặt chẽ, theo dõi sát sao các khoản vay sẽ giúp cho ngân hàng giảm thiểu được rủi ro, đồng thời giúp ngân hàng chủ động trong việc xác định nợ xấu chuẩn xác, đưa ra những biện pháp hợp lý để xử lý nợ xấu một cách hiệu quả nhất. Các NHTM cần tiến hành phân tích, rà soát phân loại các khoản nợ xấu để từ đó đề ra biện pháp đôn đốc, thu hồi, xử lý phù hợp với từng khoản vay. Ngoài ra, cần theo dõi tình hình tài chính của khách hàng có nợ xấu một cách chặt chẽ, trong từng giai đoạn, thực hiện biện pháp đôn đốc thu hồi chỉ trong một khoảng thời gian nhất định, nhằm kết hợp với một số biện pháp khác để tránh trường hợp khoản nợ xấu trở nên nghiêm trọng hơn.

Trong thời gian tới, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là tháo gỡ khó khăn về vốn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid – 19, phấn đấu giảm tỷ lệ nợ xấu, nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức tín dụng.

Trần Hữu

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.