Bước đột phá về thu ngân sách

Sau 20 năm tái lập tỉnh, thu ngân sách nhà nước (NSNN) trên địa bàn Hà Nam tăng gần 70 lần. Nền kinh tế chuyển từ thuần nông nhỏ lẻ, manh mún sang sản xuất công nghiệp, dịch vụ với quy mô ngày càng lớn, được xem là nguyên nhân quan trọng làm tăng nguồn thu NSNN.

Biểu đồ về kết quả thu ngân sách nhà nước qua 20 năm tái lập tỉnh.

Từ 67,3 tỷ đồng...

Vượt lên khó khăn của ngày đầu tái lập, những người làm công tác thu NSNN trên địa bàn tỉnh luôn tâm niệm cần thực hiện tốt nhiệm vụ thu NSNN phục vụ xây dựng đất nước và kiến thiết tỉnh nhà. Ngay sau ngày tái lập, tỉnh chỉ đạo các ngành và địa phương tập trung cải thiện môi trường đầu tư, tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển sản xuất kinh doanh, thị trường dịch vụ nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo nguồn thu bền vững cho ngân sách. Bên cạnh đó, tỉnh chỉ đạo ngành tài chính, thuế phối hợp với các ngành, địa phương liên quan triển khai và thực hiện nghiêm các chế độ, chính sách thu, trong đó đặc biệt là các chế độ, chính sách thu mới của trung ương và của tỉnh; thực hiện thu đúng, thu đủ, thu kịp thời vào NSNN; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về thuế, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm chính sách thuế.

Phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức dự toán thu NSNN năm 1997, ngành tài chính đã tập trung triển khai thực hiện quyết liệt  các giải pháp quản lý thu trên địa bàn. Ông Nguyễn Thế Mạo, nguyên Giám đốc Sở Tài chính cho biết: Khó khăn lớn nhất đối với công tác thu NSNN lúc này là hạ tầng phát triển kinh tế của tỉnh hầu như chưa có gì đáng kể. Sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, manh mún, độc canh cây lúa. Công nghiệp lạc hậu đã ảnh hưởng lớn đến nguồn thu ngân sách. Kết thúc năm 1997, thu NSNN của tỉnh chỉ đạt 67,3 tỷ đồng. Ông Mạo cho biết thêm: Tỉnh luôn chỉ đạo sát sao các đơn vị khai thác tốt nguồn thu trên địa bàn. Song cũng phải khó khăn lắm, năm đầu tiên tái lập tỉnh mới có được số thu đó.

Nhiều năm liền sau tái lập tỉnh, thu NSNN tuy có tăng, nhưng mức tăng chậm. Năm 1998 tăng 32 tỷ đồng, năm 1999 tăng 17 tỷ đồng, năm 2000 tăng 16 tỷ đồng, năm 2001 tăng 4 tỷ đồng. Kể ra một vài con số để thấy thu NSNN nhiều năm sau tái lập tỉnh vẫn rất nhỏ bé và khó khăn, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển.

Một góc dây chuyền sản xuất tại Công ty TNHH dây dẫn Sumi, KCN Đồng Văn II (Duy Tiên). Ảnh: T.T

...đến 1.000 tỷ đồng

Phải mất hơn mười năm sau ngày tái lập, lần đầu tiên số thu NSNN của tỉnh mới chạm ngưỡng 1.000 tỷ đồng. Cụ thể, năm 2009, số thu ngân sách đạt 904 tỷ đồng; đến năm 2010, con số đó là hơn 1.300 tỷ đồng. Theo ông Trịnh Văn Thế, Giám đốc Sở Tài chính, kết quả này là thành quả đặc biệt quan trọng, thể hiện sự nhất quán của việc nuôi dưỡng, khai thác và quản lý nguồn thu thông qua công tác xúc tiến thu hút đầu tư, cải cách thủ tục hành chính theo hướng thông thoáng, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và thực hiện tốt các chính sách đối với người nộp thuế.

Khi đã đạt mốc 1.000 tỷ đồng, điều đáng chú ý từ những năm 2011 - 2015, thu NSNN của tỉnh có tốc độ tăng trưởng khá nhanh. Thu cân đối ngân sách của cả giai đoạn 2011 - 2015 đạt 13.711 tỷ đồng, gồm (thu nội địa 10.607 tỷ đồng; thuế xuất nhập khẩu 3.033 tỷ đồng) gấp 3,825 lần so với giai đoạn 2006 - 2010. Tốc độ tăng thu bình quân năm trong 5 năm là 22%, vượt chỉ tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh khoá XVIII (nhiệm kỳ 2011 - 2015) đề ra (chỉ tiêu Đại hội là 17,8%). Xét về số tuyệt đối, chỉ đến năm thứ 3 (năm 2013) của nhiệm kỳ, kết quả thu cân đối ngân sách đã vượt chỉ tiêu Đại hội đề ra, đạt 2.850 tỷ đồng (chỉ tiêu Đại hội là 2.800 tỷ đồng). Đến năm 2015, thu cân đối ngân sách đạt 3.464 tỷ đồng. Và dự kiến năm 2016, thu ngân sách đạt 4.500 tỷ đồng.

Con số này khẳng định chính sách phát triển đúng, trúng của tỉnh. Cùng với hỗ trợ của Trung ương, tỉnh tập trung nghiên cứu và ban hành nhiều chính sách phát triển kinh tế mang tính đòn bẩy, quyết định như: Nghị quyết 03 về chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, phát triển ngành nghề dịch vụ ở nông thôn; Nghị quyết 08 về đẩy mạnh phát triển sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp… là những khâu đột phá để đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Nhờ vậy, nền kinh tế non trẻ sau tái lập tỉnh đã từng bước chuyển dịch mạnh mẽ theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ.

Phấn đấu tổng thu vượt tổng chi

Thu NSNN trong 20 năm qua liên tục tăng trưởng; đặc biệt trong giai đoạn 2011-2015, thu ngân sách đã bảo đảm kịp thời chi theo dự toán, an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh, phòng chống thiên tai, dịch bệnh và các nhiệm vụ chính trị đột xuất của các cấp, các ngành trên tinh thần tiết kiệm, hiệu quả, công khai, minh bạch. Ngoài ra, còn dành ra nguồn đáng kể thực hiện 6 nhiệm vụ trọng tâm Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII đề ra và hỗ trợ xây dựng nông thôn mới.

Điều đáng quan tâm trong giai đoạn 2011-2015 có số thu từ thuế, phí và lệ phí đạt tới 8.513 tỷ đồng, chiếm 62,09% tổng thu cân đối, 80,2% tổng thu nội địa và gấp 3,7 lần so với giai đoạn 2006 - 2010. Trong đó, thu từ sản xuất, kinh doanh đạt 7.867 tỷ đồng, chiếm 57,38% tổng thu cân đối và 74,17% tổng thu nội địa; thu từ khai thác khoáng sản đạt 646 tỷ đồng, chiếm 4,8% tổng thu cân đối và 6,09% tổng thu nội địa; thu tiền sử dụng đất đạt 1.870 tỷ đồng, chiếm 13,8% tổng thu nội địa và 17,9% tổng thu cân đối. Thuế xuất, nhập khẩu đạt 3.033 tỷ đồng, gấp 7 lần so với giai đoạn 2006 - 2010. Đây là cơ sở quan trọng để tỉnh đặt ra mục tiêu phấn đấu trong giai đoạn 2016-2020 tiếp tục duy trì tốc độ tăng thu ngân sách, đến năm 2020 có tổng thu cân đối vượt tổng chi cân đối.

Theo tính toán, mức huy động vào ngân sách (thu cân đối) của giai đoạn 2016-2020 cần đạt 9,68% so với GDP theo giá hiện hành. Tốc độ tăng thu bình quân hằng năm là 15%. Việc tăng thu này là hoàn toàn có căn cứ dựa trên quy mô của nền kinh tế ngày càng được mở rộng và định hướng đổi mới thu hút đầu tư đã được ban hành với hướng phát triển công nghiệp, dịch vụ là chủ đạo. Ông Trịnh Văn Thế cho biết: Để đạt được mục tiêu này, thời gian tới cần đổi mới công tác thu hút đầu tư, lựa chọn nhà đầu tư. Tích cực, chủ động nắm bắt và tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, hỗ trợ thị trường, bảo đảm các dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh trên địa bàn đều phát huy hiệu quả, đúng tiến độ, có số thu nộp ngân sách sát với dự án được chấp thuận đầu tư. Tăng cường quản lý, thanh tra, kiểm tra để chấn chỉnh kịp thời những vi phạm về đầu tư. Hạn chế thấp nhất tình trạng chấm dứt đầu tư, thu hồi giấy phép đầu tư.

Dự kiến đến năm 2020, thu cân đối đạt trên 7.000 tỷ đồng vượt tổng chi cân đối, trong đó chỉ tiêu thu thuế, phí và lệ phí (không kể tiền sử dụng đất và thu tại xã) đạt trên 4.900 tỷ đồng. Thu cân đối từ nội địa đáp ứng được trên 80% tổng chi cân đối.

Thanh Bình

 

Tiến Đoàn, Thế Tuân

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.