Sản phẩm OCOP khẳng định thương hiệu, tạo chỗ đứng trên thị trường

Thực hiện chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), năm đầu tiên 2019 cả tỉnh đã có 18 sản phẩm được công nhận. Năm 2020 (tính đến đầu tháng 12) tỉnh đã phê duyệt 25 ý tưởng sản phẩm đăng ký tham gia Chương trình OCOP. Sau thời gian được công nhận OCOP, cơ bản các sản phẩm đều duy trì và phát triển tốt. Nhiều sản phẩm khẳng định được thương hiệu, tạo chỗ đứng vững chắc trên thị trường. 

Nhìn từ một sản phẩm OCOP tiêu biểu

Công ty cổ phần sữa Hà Nam (Hanamilk), xã Mộc Nam (thị xã Duy Tiên) năm 2019 có 3 sản phẩm được công nhận OCOP, đều xếp hạng 4 sao cấp tỉnh, gồm: Sữa chua nếp cẩm, sữa chua và sữa tươi thanh trùng. Các sản phẩm này đều được chế biến bằng nguồn sữa bò tươi từ trang trại bò sữa của doanh nghiệp tại Khu trang trại bò sữa kiểu mẫu (Công ty Friesland Campina Hà Nam) thuộc xã Mộc Bắc. Chị Trần Thị Thanh Thoan, Giám đốc công ty cho biết: Sau một năm được công nhận OCOP, các sản phẩm của doanh nghiệp đã có sự phát triển, tạo chỗ đứng vững chắc trên thị trường.

Sản phẩm OCOP khẳng định thương hiệu tạo chỗ đứng trên thị trường
Kiểm tra sản phẩm sữa chua nếp cẩm của Công ty cổ phần sữa Hà Nam trước khi xuất ra thị trường. Ảnh: Hữu Thoan

Để được công nhận OCCP, doanh nghiệp đã tạo ra dòng sản phẩm từ nguồn nguyên liệu sữa bò tươi nuôi đạt tiêu chuẩn sạch. Theo đó, đàn bò sữa hơn 100 con nuôi tại trang trại áp dụng theo tiêu chuẩn “6 không”. Cụ thể, trong quá trình chăn nuôi bò doanh nghiệp không sử dụng cám công nghiệp, không hoocmon tăng trưởng, không thức ăn biến đổi gen, không tồn dư kháng sinh, không sử dụng thuốc diệt cỏ trong quá trình chăm sóc, khi chế biến sữa không dùng chất bảo quản và hương liệu.  Lượng thức ăn xanh, nhất là cây ngô sinh khối được ủ chua để đàn bò tiêu hóa và hấp thụ chất dinh dưỡng tốt nhất.

Cùng với việc nỗ lực xây dựng uy tín về chất lượng, có được chứng nhận sản phẩm OCOP đã giúp cho sản phẩm thâm nhập và mở rộng hơn vào thị trường. Trong đó, những hệ thống siêu thị lớn đã chấp nhận đưa sản phẩm sữa được công nhận OCOP của doanh nghiệp lên kệ hàng. Hiện nay, sản phẩm sữa mang nhãn hiệu Hanamilk có mặt tại hơn 300 hệ thống siêu thị, cửa hàng khắp các tỉnh khu vực miền Bắc và miền Trung, như: Hệ thống siêu thị BigC, Lan Chi,  Coopmart, coopfood, seveenfood, easymart; chuỗi cửa hàng sản phẩm sạch Bác Tôm, Ecofood, Bigreen, Đồng Xanh, Rau Quê - Bắc Bình, An Phú - Đà Nẵng; hệ thống thương mại điện tử, các đơn vị bán hàng online…

Cũng theo chị Trần Thị Thanh Thoan, được chứng nhận OCOP, sản phẩm sữa của doanh nghiệp được thị trường đón nhận rất tích cực. Mặc dù năm nay bị ảnh hưởng rất lớn từ dịch Covid - 19 nhưng sản lượng sữa cung cấp ra thị trường vẫn tăng trên 30% so với năm trước. Đây là điều kiện quan trọng để doanh nghiệp thúc đẩy phát triển sản xuất, tăng số lượng đàn bò sữa, dự kiến sang năm 2021 lên trên 120 con.

Sản phẩm OCOP khẳng định thương hiệu tạo chỗ đứng trên thị trường
Sản xuất rượu nếp của cơ sở Cường Hạnh (Thanh Nguyên, Thanh Liêm). Ảnh: Thành Nam

Khẳng định thương hiệu trên thị trường

Các sản phẩm khi được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP đều đang từng bước khẳng định được thương hiệu trên thị trường, như: cá kho Nhân Hậu; bánh đa nem làng Chều; bún, miến, phở chùm ngây… Cũng nhờ vậy đã giúp khách hàng nhiều nơi biết đến vùng đất Hà Nam với đa dạng các sản phẩm đặc trưng.

Các sản phẩm rượu được công nhận OCOP đang cho thấy khả năng tiếp cận tốt thị trường. Như với hai sản phẩm rượu nếp cái hoa vàng và rượu Vọc được xếp hạng 4 sao cấp tỉnh của HTX rượu Vọc xã Vũ Bản, sản lượng tăng hơn khoảng 10% so với năm trước. Hay sản phẩm rượu nếp Cường Hạnh được xếp hạng 3 sao cấp tỉnh của cơ sở sản xuất Bùi Mạnh Cường, xã Thanh Nguyên (Thanh Liêm) đã có bước đột phá trong sản xuất, kinh doanh. Tính trong năm 2020 cơ sở đã sử dụng 50 tấn nguyên liệu thóc nếp, sản lượng rượu sản xuất lên đến trên 20.000 lít, cao gấp hơn 2 lần so với trước khi được công nhận sản phẩm OCOP.

Theo ông Bùi Mạnh Cường, để được công nhận sản phẩm OCOP, về phía cơ sở phải đầu tư sản xuất bảo đảm chất lượng, được các cơ quan chức năng thẩm định, đánh giá. Khi có giấy chứng nhận giúp nâng tầm được thương hiệu sản phẩm, người tiêu dùng tin tưởng hơn và ngay trong năm đầu tiên số lượng khách hàng đến mua sản phẩm tăng lên. Nhiều khách hàng lấy số lượng lớn để dự trữ và làm quà biếu.

Thực tế, các sản phẩm sau khi được công nhận OCOP, những cơ sở sản xuất đã quan tâm hơn trong việc đầu tư nâng cao chất lượng, nhãn hiệu sản phẩm có mã số, mã vạch, tem truy xuất nguồn gốc. Do vậy, đã tự tin hơn trong việc tham gia xúc tiến thương mại, quảng bá giới thiệu sản phẩm tại những thị trường tiềm năng, được người tiêu dùng tin tưởng đón nhận. Ông Ngô Mạnh Ngọc, Phó Giám đốc Sở NN & PTNT đánh giá: Chương trình OCOP đang tạo động lực mới cho các sản phẩm làng nghề của tỉnh trong quá trình xây dựng thương hiệu. Trong đó, các chủ thể tham gia đầu tư phát triển sản phẩm của mình ngày một hoàn thiện hơn tạo sức cạnh tranh trên thị trường và gia tăng giá trị sản phẩm.

Tuy nhiên, cũng cần phải nhìn nhận việc thực hiện Chương trình OCOP thời gian qua vẫn còn những hạn chế nhất định. Trong đó, một bộ phận cán bộ, chủ thể sản xuất sản phẩm còn chưa nhận thức đầy đủ về sản phẩm được công nhận OCOP; các sản phẩm sản xuất tại địa phương còn nhỏ lẻ, chất lượng hạn chế dẫn đến sức cạnh tranh trên thị trường còn yếu…

Chương trình OCOP giúp phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp và dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị. Đồng thời, sản phẩm được công nhận OCOP mang tính cộng đồng, hướng đến lợi ích thiết thực của người sản xuất và người tiêu dùng. Được biết, theo định hướng phấn đấu, đến năm 2025 tỉnh ta có 150 sản phẩm OCOP được đánh giá, xếp hạng từ 3 sao cấp tỉnh trở lên. Một trong những biện pháp chính là đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP. Từ những thành công bước đầu đã đạt được, tin rằng những sản phẩm được công nhận OCOP của tỉnh sẽ xây dựng được thương hiệu mạnh, tạo chỗ đứng vững chắc trên thị trường.

Mạnh Hùng

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.