Quản lý chặt chẽ đầu tư công

Giai đoạn 2016 - 2020 nhờ đổi mới trong quản lý đầu tư, hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công đã được nâng cao. Các dự án đầu tư công về cơ bản được thực hiện đúng mức vốn kế hoạch giao, góp phần hạn chế nợ đọng xây dựng cơ bản.

Căn cứ vào kế hoạch đầu tư trung hạn, kế hoạch đầu tư hằng năm do Trung ương giao, UBND tỉnh và UBND các huyện, thành phố, thị xã đã giao chi tiết vốn đầu tư cho các chương trình, dự án. Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, công tác quản lý, điều hành và chấp hành quy định pháp luật về đầu tư công giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn tỉnh ta đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Trong đó, công tác xây dựng kế hoạch bảo đảm tuân thủ theo quy định của Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước và các tiêu chí định mức phân bổ vốn đầu tư công giai đoạn 2016-2020 của Chính phủ. Về thực hiện giao kế hoạch đầu tư công hàng năm, tổng vốn đã phân bổ chi tiết 14.072,2 tỷ đồng, đạt 91,1% kế hoạch so với tổng nguồn vốn đầu tư công của tỉnh, trong đó, tỉnh quản lý 10.013,8 tỷ đồng, bằng 71% tổng vốn đã giao. 

Quản lý chặt chẽ đầu tư công
Dự án cải tạo đường Biên Hòa (TP Phủ Lý) đang được triển khai xây dựng. Ảnh: Trương Dũng

Vốn được huy động dành cho đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 được huy động từ các chương trình mục tiêu, các dự án vốn chương trình mục tiêu quốc gia, vốn cân đối ngân sách địa phương, vốn nguồn thu để lại, vốn trái phiếu Chính phủ và vốn ODA. Trong giai đoạn 2016-2020, tỉnh ta đã huy động được nhiều nguồn vốn thực hiện các dự án. Đối với các dự án vốn ngân sách địa phương do tỉnh quản lý, có 30 dự án chuyển tiếp từ giai đoạn 2011-2015 đã hoàn thành với số vốn 443,1 tỷ đồng; còn 21 dự án chuyển tiếp giai đoạn 2021-2025, với số vốn đã bố trí 958,7 tỷ đồng. Đối với các dự án ngân sách Trung ương, có 5 dự án hoàn thành và đưa vào sử dụng, với tổng số vốn bố trí 342,2 tỷ đồng, có 10 dự án khởi công mới thuộc nhóm B và C theo quy định của Luật Đầu tư công. Bên cạnh đó, còn hơn 30 dự án chuyển tiếp trong giai đoạn 2021-2025, trong đó có cả dự án vốn trong nước và vốn nước ngoài. 

Tính từ năm 2016 đến năm 2019, các địa phương trong tỉnh đã huy động, lồng ghép các nguồn lực đầu tư xây dựng nông thôn mới, với tổng vốn 7.119 tỷ đồng, đầu tư xây dựng đường giao thông, trường học, trạm y tế xã, kênh nội đồng... Hoạt động đầu tư công trong Chương trình xây dựng nông thôn mới đã góp phần quan trọng  vào phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. 

Cũng theo đánh giá về công tác quản lý, điều hành và chấp hành quy định pháp luật về đầu tư công giai đoạn 2016-2020 của Sở Kế hoạch và Đầu tư, sau hơn 5 năm thực hiện Luật Đầu tư công đã có sự chuyển biến rõ nét trong quản lý đầu tư công ở các cấp, ngành. Việc cân đối nguồn vốn đầu tư công, xây dựng phương án phân bổ vốn, thực hiện các giải pháp huy động nguồn lực được thực hiện đúng nguyên tắc và có sự ưu tiên nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. 
Quá trình phân bổ vốn có sự phân định rõ trách nhiệm và quyền hạn, tạo thêm quyền tự chủ, chủ động cho các ngành, địa phương. Công tác bố trí vốn đầu tư bước đầu có sự kiểm soát tốt, thận trọng ngay từ khâu phê duyệt chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư, có sự quản lý chặt chẽ ở tất cả các khâu, từ xây dựng quy hoạch, kế hoạch, chuẩn bị đầu tư, xây dựng phương án, bố trí vốn tập trung đến triển khai, giám sát thực hiện, kiểm soát, quyết toán đến nghiệm thu công trình, dự án. Việc sử dụng vốn đầu tư đúng theo mục đích, đối tượng; tuân thủ quy chuẩn, tiêu chuẩn trong thiết kế, giải pháp thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật có tính kinh tế; định mức đơn giá áp dụng cơ bản phù hợp với định mức được cơ quan có thẩm quyền công bố, hạn chế, giảm thiểu việc điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư dự án; chất lượng, hiệu quả của công tác thẩm định dự án ngày càng được nâng cao, qua đó tiết kiệm chi phí đầu tư đáng kể cho ngân sách nhà nước. 

Mới đây, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã có tờ trình trình HĐND tỉnh kỳ họp giữa năm 2020 về việc phê chuẩn điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 đối với nguồn vốn đầu tư từ nguồn thu để lại chưa đưa vào cân đối ngân sách nhà nước và vốn vay tín dụng ưu đãi. Tổng nguồn vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 sau khi điều chỉnh còn 15.630,5 tỷ đồng. Việc điều chỉnh và bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn cho thấy, công tác quản lý đầu tư công đã được siết chặt hơn, góp phần hạn chế tình trạng dàn trải, nâng cao hiệu quả đầu tư.
Dự kiến tổng nhu cầu vốn đầu tư công giai đoạn 2021-2025 ở tỉnh ta khoảng 19.491 tỷ đồng. Để nâng cao hiệu quả đầu tư công, nhiều ý kiến cho rằng, cần tiếp tục thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng thể chế quản lý đầu tư công. Thực hiện đúng nguyên tắc quản lý đầu tư công và phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh và của ngành; thực hiện đúng trách nhiệm và quyền hạn của cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức, cá nhân liên quan đến quản lý và sử dụng vốn đầu tư công. Trong đó, công tác quản lý sử dụng vốn đầu tư công phải theo đúng quy định đối với từng nguồn vốn, bảo đảm đầu tư tập trung, đồng bộ, chất lượng, tiết kiệm, hiệu quả và khả năng cân đối nguồn lực, không để thất thoát, lãng phí.

Trên cơ sở đánh giá cụ thể về tình hình nợ xây dựng cơ bản và kết quả thực hiện các dự án đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 và các dự án chuyển tiếp sang giai đoạn 2021-2025 có giải pháp huy động vốn hiệu quả; có kế hoạch rà soát để các chương trình, dự án được bố trí vốn phải bảo đảm đầy đủ các thủ tục đầu tư theo quy định của pháp luật, có sự ưu tiên vốn đầu tư cho các dự án có tính cấp thiết và cấp bách. Quá trình thực hiện có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, ngành để làm tốt ngay từ khâu xây dựng kế hoạch, theo dõi, đánh giá thực hiện kế hoạch hằng năm với các chương trình, dự án đầu tư cụ thể.  

Đầu tư xây dựng cơ bản là hoạt động quan trọng nhằm tạo nên hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại, phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế- xã hội. Vốn dành cho đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng không mang lại lợi nhuận trực tiếp mà tạo ra hiệu quả gián tiếp thúc đẩy tăng trưởng và phát triển. Do vậy, yêu cầu đặt ra đối với công tác quản lý đầu tư công không chỉ là quản lý chặt chẽ vốn dành cho các chương trình, dự án, mà còn bảo đảm nguồn vốn đầu tư được sử dụng hiệu quả nhất.  

Bích Huệ

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy