Xây dựng nền nông nghiệp hàng hóa

Những năm qua, ngành nông nghiệp của Hà Nam có những bước tiến dài, quan trọng. Từ một nền nông nghiệp lạc hậu, tự cung, tự cấp chuyển sang phát triển nông sản hàng hóa, năng suất, chất lượng cao. Nông nghiệp hàng hóa phát triển, đã tạo ra sức “đề kháng” tốt hơn trước khủng hoảng kinh tế và sự tác động của kinh tế thị trường. 

Xây dựng nền nông nghiệp hàng hóa
Thu hoạch lúa mùa 2020 tại xã Thanh Phong (Thanh Liêm). Ảnh: Mạnh Hùng

Bí thư Đảng ủy xã Mộc Bắc (thị xã Duy Tiên) Phạm Công Sứ khoát tay chỉ về phía cánh đồng lúa đang được phun thuốc trừ sâu bằng máy bay không người lái và nói với chúng tôi: Đây là bước tiến rất lớn trong sản xuất nông nghiệp. Mộc Bắc đã sử dụng máy bay không người lái phun thuốc trừ sâu cho lúa và ngô trong nhiều vụ. Phải đưa máy móc vào sản xuất mới hiện đại hóa nông nghiệp được! Nông dân cũng vì có máy móc hỗ trợ nên có thêm động lực để sản xuất quy mô lớn, tạo ra nông sản chất lượng tốt. 

Cũng như những địa phương khác, gần 20 năm trước, Mộc Bắc là vùng quê nghèo. Sông Hồng bao năm hào phóng bồi đắp cho Mộc Bắc cả một vùng bãi bồi rộng lớn, đất đai phì nhiêu, màu mỡ. Sông Hồng mỗi năm lùi xa một chút, co lòng sông lại cho bãi bồi rộng hơn một chút. Nhưng ngày đó, nông dân Mộc Bắc chỉ trồng ngô, đỗ, lạc là chủ yếu. Khoảng những năm 2004-2005, ông Tống Văn Bính, một người dân trong xã đưa bò sữa về nuôi tại vùng đất này. Vài năm sau, đàn bò sữa ở Mộc Bắc tăng dần, người dân trồng cỏ để nuôi bò sữa chứ không trồng đỗ và lạc như trước. Giờ đây, Mộc Bắc trở thành xã trọng điểm về nuôi bò sữa của tỉnh. Chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển nông nghiệp hàng hóa ở địa phương được thực hiện có hiệu quả đã góp phần thúc đẩy nông nghiệp phát triển lên một bước cao hơn. Thay vì chỉ trồng cây lương thực, người Mộc Bắc chuyển đổi cây trồng sang trồng cây ăn quả và cây dược liệu, nuôi bò sữa cho thu nhập cao. Có những hộ dân mỗi năm thu vài trăm triệu đồng từ vùng bãi không còn là chuyện lạ. 

Chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đã trở thành động lực quan trọng để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Bắt đầu từ những năm 2000, nhiều diện tích đất trũng sản xuất lúa kém hiệu quả đã được tỉnh cho chủ trương chuyển đổi sang sản xuất đa canh. Thực tế cho thấy, mô hình sản xuất đa canh cho hiệu quả kinh tế cao gấp 3-5 lần so với trồng lúa. Mô hình đa canh chính là cơ sở để nhiều địa phương quy hoạch phát triển vùng nuôi trồng thủy sản tập trung, chuyên canh, nâng cao hiệu quả sản xuất. Ngành chăn nuôi từng bước thể hiện được vị trí quan trọng, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng thực phẩm của nhân dân trong tỉnh. Đến nay, khoảng 50% sản phẩm thịt hơi được xuất bán ra ngoài thị trường tỉnh. Giai đoạn 2016-2020, các mô hình chăn nuôi theo chuỗi tiếp tục được thực hiện. Trên địa bàn tỉnh có 17 trại chăn nuôi lợn, 23 trại chăn nuôi gà và nhiều trại chăn nuôi bò sữa, bò sinh sản, bò thịt chất lượng cao… Sự đổi mới phương thức chăn nuôi đã góp phần nâng cao giá trị sản xuất ngành chăn nuôi, đạt mức tăng trưởng bình quân 2,5%/năm, chiếm khoảng 52,3% tỷ trọng trong cơ cấu nông nghiệp. 

Ở lĩnh vực trồng trọt, hạt thóc được nâng tầm giá trị. Năng suất lúa bình quân đạt hơn 60 tạ/ha/vụ. Không chỉ bảo đảm yêu cầu về an ninh lương thực, ngành nông nghiệp đã thành công trong việc chuyển đổi cơ cấu giống lúa. Nhiều bộ giống lúa mới được đưa vào sản xuất thay thế các giống lúa thuần năng suất, chất lượng thấp. Lúa thơm, gạo ngon được liên kết sản xuất trong mô hình cánh đồng mẫu và được nhân rộng diện tích ở hầu hết các địa phương trong tỉnh. Lúa đã trở thành một trong những mặt hàng nông sản hàng hóa chủ lực. Năm 2019, diện tích lúa chất lượng ở tỉnh ta chiếm 40,4% (25.061ha), tăng 10,3% so với năm 2015, cho hiệu quả kinh tế cao gấp từ 1,2-1,4 lần so với lúa thường. 

Có thể thấy, sản xuất nông nghiệp đã chuyển dần từ trạng thái sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, tự cung tự cấp, trình độ kỹ thuật, năng suất, chất lượng thấp sang sản xuất nông sản hàng hóa, tập trung, quy mô lớn, gắn với công nghiệp chế biến và thị trường. Quá trình này mang tính quy luật tất yếu. Tuy nhiên, cũng phải nói rằng, những điều kiện tác động trực tiếp, như: chủ trương, chính sách của Nhà nước, của tỉnh đối với nông nghiệp, sự phát triển lực lượng sản xuất, thị trường, năng lực tổ chức và quản lý, tài chính, các yếu tố về mặt khoa học, kỹ thuật và công nghệ sinh học, cơ khí hóa, thủy lợi hóa… đã và đang làm cho quá trình này đi nhanh hơn, hiệu quả hơn, tác động lớn hơn đến chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở nông thôn. 

Trong những yếu tố đóng vai trò là động lực thúc đẩy, yếu tố quan trọng chính là định hướng chủ trương, cơ chế, chính sách của tỉnh. Cơ chế, chính sách hỗ trợ của tỉnh  đã được cụ thể hóa thông qua các chương trình, đề án về khuyến khích phát triển sản xuất cây hàng hóa vụ đông, cây xuất khẩu; tái cơ cấu nông nghiệp; phát triển chăn nuôi tập trung; chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa… Vấn đề  xây dựng quan hệ sản xuất phù hợp với lực lượng sản xuất  trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp đã được các cấp, ngành, địa phương quan tâm đầu tư. Nhờ đó từng bước hoàn thiện và phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn, nâng cao tỷ lệ cơ giới hóa trong nông nghiệp; đẩy mạnh tích tụ, tập trung đất đai phục vụ nhu cầu sản xuất hàng hóa lớn, đưa khoa học và công nghệ vào sản xuất tạo nên bước phát triển mới về năng suất và chất lượng nông sản; chuyên môn hóa trong sản xuất gia tăng. 

Trước yêu cầu phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa trong giai đoạn tới, giải pháp phát triển lực lượng sản xuất phù hợp với quan hệ sản xuất được xem là yếu tố quan trọng, nhằm tác động và làm thay đổi tính chất, quy mô và phân công trình độ lao động ở khu vực nông nghiệp hiện nay, góp phần đổi mới phương thức sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh đó, việc thúc đẩy xây dựng chuỗi sản xuất, nâng cao khả năng cạnh tranh cho nông sản và tăng cường đầu tư tài chính, đầu tư ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất cũng đóng vai trò rất lớn để đưa nền nông nghiệp hàng hóa phát triển ở mức cao hơn. 

Phát triển hơn nữa sản xuất nông nghiệp, giai đoạn 2020-2025, chủ trương của tỉnh là tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa nông nghiệp, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với bảo vệ môi trường; phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, quy mô lớn, tổ chức sản xuất theo chuỗi đối với những sản phẩm chủ lực; tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật và nâng cao tỷ lệ cơ giới hóa trong sản xuất lúa gắn với chuyển dịch lao động nông nghiệp sang lĩnh vực công nghiệp - dịch vụ; đẩy mạnh thu hút đầu tư trong lĩnh vực chế biến nông sản theo công nghệ hiện đại, bền vững; tiếp tục thực hiện hiệu quả kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng và phát triển các vùng chăn nuôi tập trung. 

Thực tiễn cho thấy, nền kinh tế nông nghiệp hàng hóa thể hiện rõ sự ưu việt, tiến bộ hơn hẳn so với nền kinh tế nông nghiệp tự cấp, tự túc và có khả năng đáp ứng được nhiều nhu cầu, đem lại không ít lợi ích cho xã hội và người lao động. Bởi vậy, xây dựng nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa lớn, hiệu quả và bền vững, có năng suất, chất lượng cạnh tranh cao vẫn là một trong những mục tiêu tổng quát và lâu dài của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. 

Bích Huệ

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy