Vì sao thủy sản chưa được sản xuất theo chuỗi giá trị ?

Hiện nay, tại Hà Nam đã và đang hình thành các khu nuôi trồng thủy sản tập trung với sản lượng khá lớn nhưng vấn đề đầu ra lại phụ thuộc hoàn toàn vào thị trường tự do, chưa được ký kết bao tiêu sản phẩm. Đây là trăn trở của không chỉ hộ nuôi trồng thủy sản mà cả với ngành chức năng trong việc giải bài toán cho ngành thủy sản phát triển.

Đầu tháng 4 vừa qua, anh Hoàng Văn Thường, HTX chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản Bình Thành, xã Tiêu Động (Bình Lục) thu hoạch vụ cá đầu tiên trong mô hình nuôi cá “sông trong ao” tại 3 bể nuôi. Sản lượng cá thu được khá cao, lên đến hơn 20 tấn, toàn bộ là cá trắm trắng. Đây là hình thức nuôi mới, có cả hệ thống lọc phân cá và tạo dòng nước luân chuyển liên tục trong bể nhằm tăng chất lượng cho sản phẩm cá thịt.

Tuy nhiên, toàn bộ lượng cá thu được anh Thường đều bán ra thị trường tự do. Trong ngày thu hoạch có nhiều đầu mối đến mua cá theo 2 dạng, cá giống (với những con loại nhỏ) và cá thương phẩm. Giá bán vẫn tương đương với hình thức nuôi ao truyền thống, chưa phát huy hết được hiệu quả của cách làm mới.

Anh Thường chia sẻ: Khi đầu tư mô hình nuôi cá “sông trong ao” tôi rất muốn ký kết với các đơn vị thu mua để có đầu ra ổn định, kể cả nuôi theo tiêu chuẩn an toàn. Tuy nhiên, với thủy sản hiện nay rất khó khăn do chưa có doanh nghiệp chế biến, cũng không thể đưa vào các cửa hàng nông sản sạch hay siêu thị...

Thu hoạch cá tại mô hình “sông trong ao” của gia đình anh Hoàng Văn Thường, HTX chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản Bình Thành, xã Tiêu Động (Bình Lục).

Với hình thức nuôi cá lồng trên sông Hồng, người dân tập trung vào một số loại có giá trị cao như cá lăng, chép giòn... Với số lượng hiện tại khoảng 500 lồng cá, sản lượng cá thu được khá lớn khi bình quân mỗi lồng cá lăng thịt cho năng suất khoảng 7 – 8 tấn cá. Mặc dù vậy, việc tiêu thụ cá lăng của các hộ vẫn chưa qua hợp đồng. Với cá lăng, tuy đã xuất hiện tại một vài cửa hàng nông sản an toàn trên địa bàn thành phố Phủ Lý, nhưng chỉ có số lượng ít, không đều. Còn ở các khu nuôi trồng thủy sản tập trung việc tiêu thụ sản phẩm đều qua thương lái. Thường thì các thương lái cung cấp cá giống, sau đó quay lại mua cá thịt theo giá tại thời điểm thu mua.

Nhìn lại cách đây hơn 10 năm, nhiều địa phương trong tỉnh đã đưa tôm càng xanh, một trong những loại thủy đặc sản vào sản xuất. Diện tích mặt nước nuôi tôm càng xanh lúc cao điểm lên đến hơn 100 ha. Tuy nhiên, do tiêu thụ bấp bênh cả về giá và sản lượng dẫn đến hiện nay tôm càng xanh đã không còn được lựa chọn nuôi.

Theo những hộ nuôi thủy sản, việc không có được đầu ra ổn định, nên không thể phát triển các loại đặc sản mà chỉ tập trung vào các đối tượng nuôi truyền thống, như cá trắm, chép, trôi, mè… Ngay cá rô phi đơn tính đực là loại thủy sản dễ nuôi và có năng suất cao, nhưng cũng không thể mở rộng diện tích nuôi vì khi thu hoạch bán ra thị trường giá trị rất thấp.

Sản xuất thủy sản của tỉnh những năm qua được quan tâm đầu tư phát triển khá mạnh. Tổng diện tích nuôi thủy sản đạt 5.700 ha, gồm cả diện tích ao, hồ, đầm và ruộng trũng chuyển đổi nuôi thủy sản. Trên địa bàn tỉnh đã hình thành nhiều khu nuôi trồng thủy sản tập trung… Sản lượng thủy sản mỗi năm đạt hơn 22 nghìn tấn. Tuy nhiên, thủy sản hiện nay đa phần vẫn sản xuất theo hình thức nhỏ lẻ, tiêu thụ trên thị trường tự do, chưa hình thành được chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, nhất là chưa gắn với thương hiệu nông sản an toàn.

Qua tìm hiểu được biết, việc sản xuất thủy sản theo chuỗi giá trị đang gặp nhiều khó khăn. Thực tế, sản phẩm thủy sản khi đưa ra thị trường chủ yếu ở 2 loại là tươi sống và đông lạnh. Do thói quen người tiêu dùng miền Bắc chủ yếu dùng cá tươi sống nên đã gây ra khó khăn cho cả người sản xuất và các cửa hàng tiêu thụ trong việc vận chuyển và bảo quản cá khi đến tay người tiêu dùng. Không những vậy, số lượng bán của các cửa hàng ít, khó lấy sản phẩm khi việc thu hoạch cá thường phải đồng loạt tại 1 thời điểm nhất định. Như với cá lăng, các cửa hàng bán nông sản an toàn của thành phố Phủ Lý nhập về đều phải chờ thời điểm thu hoạch lấy cùng với các thương lái. Trong khi đó, tại miền Bắc hiện chưa có doanh nghiệp chế biến và tiêu thụ thủy sản như các doanh nghiệp phía Nam (chế biến xuất khẩu tôm, cá tra, cá ba-sa). Ngay cả việc dán tem, nhãn cho sản phẩm thủy sản an toàn gặp khó khăn do là hàng tươi sống.

Được biết, để phát triển nuôi trồng thủy sản trở thành ngành mũi nhọn, ngành nông nghiệp đang tích cực triển khai các mô hình sản xuất mới nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, đạt tiêu chuẩn an toàn. Mô hình nuôi cá “sông trong ao” là một trong những hướng đi chính sẽ được mở rộng lên 7 mô hình tại các địa phương trong năm 2019. Và các mô hình đều hướng đến tạo sự liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị với các đơn vị, doanh nghiệp. Cụ thể, sẽ liên kết với HTX thủy sản Xuyên Việt (Hải Dương) để tiêu thụ toàn bộ sản phẩm. Đây là tín hiệu vui cho mô hình nuôi cá “sông trong ao” nói riêng và ngành chăn nuôi thuỷ sản của tỉnh nói chung.

Mạnh Hùng

Mạnh Hùng

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy